Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động

2018-11-04

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tòa án tối cao Hàn Quốc ngày 30/10 đã mở phiên tòa phúc thẩm lần hai vụ kiện của 4 nạn nhân từng bị cưỡng ép lao động dưới thời thực dân Nhật. Tại đây, Tòa tuyên bên nguyên cáo thắng kiện và phía bị cáo là doanh nghiệp của Nhật Bản, phải bồi thường thiệt hại cho mỗi nạn nhân 1 tỷ won (87.720 USD).


Nội dung phán quyết


Tòa án tối cao Hàn Quốc cho rằng việc Tòa án Nhật Bản từng ra phán quyết phủ nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động được dựa trên lập luận coi việc đô hộ thuộc địa là “hợp pháp”. Điều này đi ngược lại với giá trị Hiến pháp Hàn Quốc, nên không thể công nhận phán quyết của Tòa án Nhật Bản có hiệu lực tại Hàn Quốc. Ngoài ra, Tòa án tối cao công nhận Công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo hiện nay có tiền thân là Công ty sắt thép Nhật Bản trước đây, về mặt pháp lý là một công ty, tức chính là bên gây hại, cưỡng ép lao động người Hàn Quốc. Tòa án cũng bác bỏ lập luận của phía bị cáo rằng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của các nạn nhân đã hết hiệu lực theo “Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965”. Tòa án kết luận quyền yêu cầu bồi thường không nằm trong đối tượng của Hiệp định này.


Ban đầu, các nạn nhân từng bị cưỡng ép lao động dưới thời thực dân Nhật đã đệ đơn kiện, đòi bồi thường thiệt hại ở Nhật Bản. Nhưng Tòa án thành phố Osaka của Nhật Bản đã tuyên bên nguyên cáo thua kiện, cho rằng không thể coi Công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo phải gánh khoản nợ từ thời Công ty sắt thép Nhật Bản. Tháng 10 năm 2003, Tòa án tối cao Nhật Bản giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới. Sau đó, các nạn nhân đã khởi kiện lên Tòa án Hàn Quốc. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần một đều ra phán quyết bên nguyên cáo thua kiện, công nhận phán quyết của phía Tòa án Nhật bản. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hàn Quốc năm 2012 cho rằng: phán quyết của Tòa án Nhật Bản xung đột toàn diện với giá trị cốt lõi của Hiến pháp Hàn Quốc, coi hành vi cưỡng ép lao động thời thực dân Nhật là hành vi phạm pháp. Tòa án cấp cao Seoul khi tái xem xét lại vụ án vào năm 2013 đã ra phán quyết rằng: Công ty sắt thép Nhật Bản đã cùng với Chính phủ Nhật Bản thực hiện hành vi phi pháp là huy động nhân lực để thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược, nên yêu cầu bên bị cáo phải bồi thường cho các nạn nhân. Phán quyết này đã được Tòa án tối cao giữ nguyên trong phiên xét xử phúc thẩm lần hai vừa rồi.


Ý nghĩa và dự báo


Phán quyết lần này của Tòa án tối cao Hàn Quốc mang ý nghĩa lớn khi tuyên bố không công nhận hiệu lực phán quyết của Tòa án Nhật Bản tại Hàn Quốc. Tòa án tối cao Hàn Quốc công nhận quyền yêu cầu bồi thường của các cá nhân bị hại, ngược lại với phán quyết của Tòa án Nhật Bản. Phía Nhật Bản trong thời gian qua cho rằng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cá nhân đã hết hiệu lực dựa theo “Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật năm 1965”. Hiệp định này có nội dung chính là Chính phủ Nhật Bản sẽ viện trợ không hoàn lại cho Hàn Quốc 300 triệu USD và viện trợ có hoàn lại 200 triệu USD. Trong hoàn cảnh đất nước đang rất cần nguồn vốn để phát triển kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc khi đó đã chấp nhận ký kết một Hiệp định thiếu những điều khoản cụ thể cần thiết, làm tranh cãi kéo dài suốt thời gian qua.


Trong thời gian tới, dự kiến các nạn nhân từng bị cưỡng ép lao động dưới thời thực dân Nhật cũng sẽ đệ đơn khởi kiện tương tự. Hiện nay, có khoảng hơn 10 vụ án tương tự, trong đó có 2 vụ án đang được xét xử ở Tòa án tối cao, 1 vụ án được xét xử ở Tòa án cấp cao Seoul. Trên thực tế, vẫn chưa rõ liệu doanh nghiệp Nhật Bản có chịu bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân hay không. Nếu Công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo chấp nhận phán quyết này thì vấn đề sẽ đơn giản. Nhưng nếu hãng này không chịu thực thi phán quyết thì Chính phủ Hàn Quốc sẽ cần phải có các biện pháp về mặt pháp lý, như tịch thu tài sản của doanh nghiệp này tại Hàn Quốc, một vấn đề không hề dễ dàng.


Phán quyết lần này cũng gây áp lực lớn tới quan hệ Hàn-Nhật. Hiện tại, hai bên đang cần phải phối hợp với nhau hơn bao giờ hết trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Nếu vấn đề này trở nên căng thẳng thì rất có nguy cơ khiến quan hệ Hàn-Nhật rơi vào tình trạng “đóng băng”. Trên thực tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ phán quyết này. Chính phủ Nhật Bản còn triệu tập Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo để bày tỏ lập trường phản đối. Thậm chí, Nhật Bản còn cảnh báo sẽ đối phó một cách cứng rắn, như khởi kiện lên Tòa án công lý quốc tế.

Lựa chọn của ban biên tập