Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Âm nhạc di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2018-11-07

Âm điệu ngàn xưa


Tình hình sở hữu di sản văn hóa phi vật thể nhân loại trên thế giới

Tháng 11 hàng năm là thời điểm Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), công bố danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại mới được tổ chức này công nhận trong năm. Năm nay, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cùng hợp sức nhằm đưa môn đấu vật truyền thống Ssireum trở thành di sản văn hóa nhân loại. Năm 1992, di sản văn hóa phi vật thể nhân loại UNESCO được khởi động bằng chương trình “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”. Trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng, đây là những nỗ lực nhằm bảo tồn văn hóa truyền khẩu và di sản phi vật thể của thế giới trước nguy cơ mai một và hoạt động này được đông đảo nhân dân và Chính phủ các nước trên thế giới ủng hộ. Năm 2003, Hiệp ước quốc tế về bảo vệ di sản phi vật thể được thông qua. Đến nay, có 378 di sản văn hóa phi vật thể của 128 quốc gia trên thế giới đã được công nhận. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi quốc gia trên thế giới hiện sở hữu trung bình 3, 4 di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng riêng Hàn Quốc hiện có tới 19 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Đây là thành quả cho những nỗ lực của đông đảo người dân Hàn Quốc trong việc bảo tồn và quảng bá rộng rãi về những di sản văn hóa vô giá này. 


Các di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Hàn Quốc

Nghi thức tế lễ Tông miếu Jongmyojerye cúng tế các bậc đế vương của triều đại Joseon được cử hành tại nhà thờ tổ Jongmyo (Tông miếu) và âm nhạc tế lễ Tông miếu Jongmyojeryeak của Hàn Quốc, được Tổ chức Khoa học giáo dục và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2001. Trên thực tế, Jongmyo đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ trước đó, vào năm 1995. Việc một công trình kiến trúc cổ có giá trị lịch sử lâu đời và những nghi thức được cử hành tại đó, cùng được UNESCO công nhận, là điều rất hiếm thấy. Nhạc tế lễ Tông miếu Jongmyojeryeak gồm có 11 bản “Botaepyeong” (Bảo thái bình) ca ngợi văn đức, 11 bản “Jeongdaeeop” (Định đại nghiệp) ca ngợi võ đức của các vị tiên vương. Trong nghi lễ cúng tế các bậc tiên vương, khi dâng lễ đồ cúng và chén rượu đầu tiên, các nhạc công tấu bản “Botaepyeong”; khi dâng chén rượu thứ hai và thứ ba, các nhạc công tấu bản “Jeongdaeeop”. Nhạc phẩm “Botaepyeong” (Bảo thái bình) trang trọng và an bình, còn “Jeongdaeeop” (Định đại nghiệp) lại hùng tráng và mạnh mẽ. 

Nghi lễ cúng tế Jongmyojerye và âm nhạc dành cho gia tộc vương triều, còn dân ca Arirang là âm nhạc dành cho mọi giới mọi tầng lớp trong toàn xã hội xưa và nay. Dân ca Arirang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2012. Dân ca Arirang được biết tới là ca khúc xoa dịu nỗi đau của người dân Hàn Quốc trong suốt thời kỳ khổ nạn dưới ách đô hộ của thực dân Nhật. Giờ đây, Arirang là khúc hát thay thế quốc ca của hai nước Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên khi họ cùng tham gia vào các sự kiện quốc tế. Thấm đượm giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời, nhưng dân ca Arirang của Hàn Quốc vẫn không ngừng phát triển và đổi mới. 


Trong số những di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Hàn Quốc được UNESCO công nhận, ngoài Nhạc tế lễ Tông miếu và dân ca Arirang, còn có cả chính nhạc Gagok, hát kể chuyện Pansori, lễ hội tết Đoan ngọ vùng Gangneung, tế lễ Yeongsan, múa lên đồng Yeongdeung ở đền Chilmeori tại đảo Jeju, vũ điệu cung đình múa Cheoyong Cheoyongmu, múa hát vòng tròn Ganggangsulle. Những nét văn hóa đời sống của Hàn Quốc cũng có trong danh mục di sản văn hóa thế giới như dệt vải gai vùng Hansan “Hansan Mosijjagi”, văn hóa muối dưa Kimchi “Kimjang Kimchi”, văn hóa nữ thợ lặn Haenyeo trên đảo Jeju. Tìm hiểu những di sản văn hóa phi vật thể nhân loại này, chúng ta có thể mường tượng được phần nào đời sống của người dân Hàn Quốc thời xưa. Trong các thể loại âm nhạc truyền thống nổi tiếng của Hàn Quốc, nông nhạc (Nongak) sử dụng những nhạc cụ chủ yếu như phèng Kkaenggwari, trống Buk, trống phong yêu Janggu, chiêng Jing, kèn bầu Taepyeongso, trống nhỏ Sogo. Gọi là “nông nhạc”, nhưng hoạt  động của các nghệ sĩ vô cùng đa dạng. Họ tấu nhạc diễu hành, nhảy múa, diễn kịch, biểu diễn xiếc. Xưa kia ở Hàn Quốc, làng nào cũng có nhóm nông nhạc Nongakdae. Trong những dịp lễ tết hay khi làng có chiếu lên đồng, nhóm nông nhạc biểu diễn dạo quanh làng rồi tạt vào từng nhà trong làng cầu chúc phước lộc, bình an cho gia chủ. Nhóm nông nhạc vừa khuấy động không khí nhộn nhịp rạo rực, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm cho chốn thôn quê. Năm 2014, nông nhạc Nongak của Hàn Quốc chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nông nhạc Nongak còn có các tên gọi khác theo vùng như Pungjang, Pungmulgut, Dure… Một số ý kiến cho rằng nên kiêng dùng tên gọi Nongak, bởi tên gọi này được tạo ra trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản. Tuy nhiên, trên thực tế, từ Nông nhạc (Nongak) đã xuất hiện trong sách cổ được biên soạn vào những năm 1800. 


* Nhạc phẩm Heemun (Hy văn) trong âm nhạc tế lễ Tông miếu / Dàn chính nhạc thuộc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc

* Khúc dân ca Arirang vùng Miryang / Orientango 

* Nhạc phẩm “Yeongnam Nongak” (Nông nhạc vùng Yeongnam, tức các tỉnh Gyeongsang) / Đoàn nghệ thuật 4 loại nhạc cụ gõ Samulnori Kim Deok-su 

Lựa chọn của ban biên tập