Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Vệ tinh “Chollian 2A” của Hàn Quốc được phóng thành công lên vũ trụ

2018-12-05

Tin tức

Vệ tinh “Chollian 2A” của Hàn Quốc được phóng thành công lên vũ trụ

Vệ tinh “Chollian 2A”

Chollian 2A, có nghĩa là “Thiên lý nhãn” là vệ tinh khí tượng quỹ đạo địa tĩnh thứ hai của Hàn Quốc, nhưng là vệ tinh đầu tiên do Hàn Quốc tự phát triển. Vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh là vệ tinh trông có vẻ đứng yên khi nhìn thấy từ mặt đất do vệ tinh này quay quanh quỹ đạo với cùng tốc độ quay của Trái đất. Do đó, ở đây đòi hỏi một công nghệ vô cùng khó khăn khi vệ tinh phải xoay quanh được ở một vị trí mà vẫn giữ được sự cân bằng giữa lực ly tâm với lực hấp dẫn của Trái đất. Ngoài ra, ăng-ten của vệ tinh phải luôn hướng về Trái đất, và giữ được “tư thế ổn định” thông qua việc kiểm soát vị trí và tư thế. Do cần có một công nghệ kỹ thuật cao như vậy, hiện tại mới chỉ có 7 nước sở hữu công nghệ vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Israel.


Nhiệm vụ của vệ tinh “Chollian 2A”

Vệ tinh quan trắc khí tượng “Chollian 2A” được bắt đầu phát triển vào năm 2011. Vệ tinh “Chollian 2A” sẽ tiếp nhận nhiệm vụ của vệ tinh “Chollian 1”, thực hiện quan trắc tình hình khí tượng xung quanh bán đảo Hàn Quốc. Với công nghệ như trên, Chollian 2A sẽ quan trắc và đưa ra dự báo nhanh và chính xác hơn hẳn về các cơn mưa mang tính cục bộ, hay đường đi của bão. Vệ tinh này cũng có thể cung cấp thông tin quan trắc khí tượng của vũ trụ như vụ nổ sinh ra từ vết đen của Mặt trời (còn gọi là bão Mặt trời).

Dù vệ tinh Chollian 2A đã được phóng thành công, song phải cần khoảng 7 tháng nữa mới xác định chính xác việc phóng lên có hoàn toàn thành công hay không. Hiện tại, vệ tinh đã ổn định vị trí ở quỹ đạo chuyển tiếp hình ê-líp, ở độ cao cách mặt đất từ 251 km đến 25.822 km. Ở vị trí này, vệ tinh đã truyền tín hiệu xác định hệ thống của vệ tinh đang hoạt động bình thường. Sau hai tuần nữa, Chollian 2A sẽ tiến vào quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 36.000 km. Tại đây, vệ tinh sẽ trải qua các đợt thử nghiệm trong vòng 6 tháng. Nếu toàn bộ hệ thống của vệ tinh hoạt động bình thường thì khi đó mới có thể kết luận cuối cùng là vệ tinh được phóng thành công. Như vậy phải sau tháng 7 năm 2019, vệ tinh mới có thể chính thức bắt đầu cung cấp các dữ liệu khí tượng.


Triển vọng

Vệ tinh Chollian 2A dự kiến sẽ trở thành một nền tảng phát triển các loại vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh khác trong tương lai. Nhờ đảm bảo được công nghệ trên, Hàn Quốc có thể chế tạo vệ tinh thông tin liên lạc khác khi chỉ cần thay đổi tải hữu ích Payload, là một bộ phận cơ bản của vệ tinh thông tin, đảm nhiệm vai trò phát lặp của một vệ tinh thông tin. Bài toán còn lại bây giờ là phát triển tên lửa đẩy cỡ lớn để có thể đưa vệ tinh 3,5 tấn lên quỹ đạo. Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc dự kiến sẽ phát triển tên lửa đẩy cỡ lớn dựa trên tên lửa đẩy Nuri kiểu Hàn Quốc. Tên lửa đẩy Nuri mới đây đã được thử nghiệm thành công tính năng của động cơ nặng 75 tấn, đang từng bước tiến đến giai đoạn phát triển hoàn tất cuối cùng.

Lựa chọn của ban biên tập