Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Phân cấp chính trị-xã hội ở Bắc Triều Tiên

2019-01-10

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong thường liên hệ với “huyết thống Baekdu”, chỉ những người có chung huyết thống với cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, người sáng lập Nhà nước miền Bắc. Baekdu (Bạch đầu) là ngọn núi mà nhà sáng lập nước này từng hoạt động kháng chiến chống thực dân Nhật. Khét tiếng vì sự phân chia đẳng cấp xã hội cứng nhắc, Bắc Triều Tiên đặc biệt coi trọng tính ưu việt và hợp pháp của sự lãnh đạo của gia tộc họ Kim. Hãy cùng tìm hiểu về chế độ phân cấp chính trị-xã hội ở miền Bắc.


Phân cấp xã hội thành ba tầng lớp: cốt lõi, dao động và thù địch

Kể từ khi thành lập chính quyền năm 1948, Bắc Triều Tiên khẳng định chủ trương xây dựng một “thiên đường của người lao động”. Điều 70 của Hiến pháp nước này quy định tất cả các công dân khỏe mạnh được lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng hoặc năng lực. Tuy nhiên, đây thực tế chỉ là lời lẽ khoa trương mang tính chính trị. Từ năm 1958 đến cuối thập niên 1960, miền Bắc phân cấp tất cả công dân của mình thành ba nhóm: “tầng lớp cốt lõi” trung thành, “tầng lớp dao động” trung lập và “tầng lớp thù địch” không đáng tin cậy, và rồi lại chia họ thành 51 phân nhóm nhỏ. Sự phân loại này dựa trên các hoạt động của cha ông họ trong thời kỳ đô hộ của thực dân Nhật và chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Hệ thống trên được lãnh tụ Kim Nhật Thành phát động dựa trên mô hình hệ thống phân cấp của Liên Xô từ những thập niên 1950 và 1960,


Tầng lớp cốt lõi bao gồm gia tộc lãnh đạo họ Kim, những người xuất thân từ các gia đình làm nông thời kỳ chiếm đóng của thực dân Nhật, hậu duệ của nghĩa quân kháng chiến chống Nhật và gia đình của những chiến sĩ tham gia chiến tranh Triều Tiên. Họ cấu thành tầng lớp lãnh đạo của chính quyền miền Bắc. Nhóm tinh hoa này chiếm 30% dân số và được hưởng đặc quyền trong việc phân phối thực phẩm, nhà ở, công việc và giáo dục. Họ cũng được duy trì địa vị của mình, trừ phi phạm phải tội lỗi cực lớn và làm ảnh hưởng tới thế hệ con cháu.


Nhóm trung gian hay “tầng lớp dao động” chiếm 50% dân số, bao gồm những người dân bình thường như các thương nhân cỡ nhỏ, nhân viên văn  phòng và người lao động. Nhóm ở dưới đáy hay “tầng lớp thù địch” là dành cho những ai bị gán mác phản bội hay “thành phần chống đối”.


Dù có thông minh hoặc tài giỏi đến đâu, tầng lớp thù địch cũng không thể gia nhập đảng Lao động và phục vụ trong quân ngũ. Họ bị dồn vào các công việc nặng nhọc mà phần lớn người dân đều xa lánh, phải làm việc trong các nông trang và hầm mỏ ở những khu vực hẻo lánh. Vì vậy, người dân đều tránh kết hôn với những người thuộc tầng lớp đáy này.


Thứ bậc do đảng Lao động quyết định, và rất khó để cải thiện địa vị cá nhân

Bắc Triều Tiên được coi là đất nước bí ẩn nhất trên thế giới. Bị cách ly với thế giới bên ngoài, xã hội miền Bắc bị kiểm soát và điều hành một cách nghiêm ngặt bởi Nhà nước. Đặc biệt, hệ thống địa vị khắt khe là công cụ then chốt nhằm duy trì chính quyền xã hội chủ nghĩa của nước này. Bằng cách phân chia toàn bộ dân số thành ba nhóm riêng biệt dựa trên sự trung thành, chính quyền miền Bắc chọn ra những người bị xem là nguy hiểm và kiểm soát họ về mặt chính trị và xã hội.


Các nhóm này bị phân biệt đối xử trong trợ cấp thực phẩm, quần áo và chỗ ở, cũng như giáo dục và công việc. Đồng thời, chính quyền miền Bắc ra sức tuyên truyền người dân rằng họ phải luôn luôn trung thành với gia tộc họ Kim và đảng Lao động, nếu muốn thăng tiến lên tầng lớp cao hơn. Nhà sáng lập Kim Nhật Thành đã áp dụng hệ thống trên nhằm thưởng cho những người ủng hộ và cô lập những kẻ thù tiềm năng.


Phân cấp xã hội là căn nguyên của hiện tượng phân biệt đối xử

Địa vị xã hội của một người có thể được cải thiện nếu người đó chứng minh lòng trung thành đặc biệt với gia tộc Kim hoặc đảng Lao động. Nhưng điều này chỉ diễn ra trong những trường hợp hy hữu. Do đó, sự phân cấp chính trị-xã hội chính là căn nguyên của hiện tượng phân biệt đối xử bất công với người dân. Nhưng người dân miền Bắc buộc phải tuân thủ hệ thống trên vì mạng sống của chính mình, bởi họ bị phụ thuộc vào hệ thống phân phối của đảng cho những nhu cầu thiết yếu.


Tuy nhiên, ngày nay, hệ thống địa vị dường như đang có dấu hiệu lung lay, với việc giá trị của đồng tiền ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội Bắc Triều Tiên. Cùng với các hoạt động kinh tế cá nhân ngày một tăng kể từ những năm 2000, miền Bắc đã phần nào chứng kiến sự chuyển biến về tầng lớp. Tuy vậy, người dân có thể bị rơi vào nhóm thấp kém nhất trong tầng lớp thù địch nếu bị gắn mác là tù chính trị.


Hệ thống địa vị của Bắc Triều Tiên đã góp phần tạo ra một xã hội cực kỳ khuôn phép. Tuy nhiên, với việc thông tin bên ngoài đang tràn vào đất nước bí ẩn này, chúng ta cùng dõi xem liệu chính quyền nước này có thể tiếp tục kiểm soát người dân bao lâu và tới mức nào.

Lựa chọn của ban biên tập