Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kỷ niệm một năm Thế vận hội PyeongChang

2019-02-10

Tin tức

ⓒYONHAP News

Từ  đầu tháng 2, nhiều sự kiện đa dạng đã được tổ chức nhân kỷ niệm một năm Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa đông PyeongChang, sự kiện thể thao được đánh giá là thành công vang dội trong lịch sử. Không quá lời khi nói rằng Thế vận hội PyeongChang là một kỳ Olympic hoàn hảo ở mọi phương diện, từ khâu tổ chức cho tới quảng bá và thành tích cao kỷ lục của đoàn thể thao nước chủ nhà. Hơn hết, đây là một sự kiện thể thao có ý nghĩa lớn, thăng hoa thành một kỳ Olympic hòa bình.

 

Một năm Olympic PyeongChang

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng Hội đồng nghệ thuật Hàn Quốc đã tổ chức một buổi biểu diễn âm nhạc nhân kỷ niệm một năm sự kiện này vào ngày 1/2 vừa qua tại đảo Baengnyeong. Liền tiếp theo đó, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật khác đã được tổ chức ở khắp nơi trên toàn Hàn Quốc như tại đảo Jeju, thành phố Daejeon, thành phố Gwangju, thành phố Busan, đảo Ulleung.

Olympic PyeongChang diễn ra từ ngày 9/2 tới ngày 25/2/2018, tại huyện Pyeongchang, thành phố Gangneung và huyện Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon, miền Đông Hàn Quốc. Đã có 2.920 vận động viên đến từ 92 quốc gia trên toàn thế giới tranh tài trong 17 ngày thi đấu. Thế vận hội PyeongChang được coi là tiếng “pháo hiệu” mở màn cho hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Tới cuối năm 2017, trước thềm lễ khai mạc sự kiện, bán đảo Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng căng thẳng tột độ do mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một số quốc gia thậm chí bày tỏ lo ngại về vấn đề an toàn khi tới tham gia sự kiện thể thao này. Tuy nhiên, sau khi Bắc Triều Tiên quyết định tham gia Thế vận hội PyeongChang, bầu không khí trên bán đảo Hàn Quốc đã xoay chuyển đầy bất ngờ. Hai miền Nam-Bắc còn hợp nhất thi đấu ở nội dung khúc côn cầu trên băng nữ. Thế vận hội PyeongChang trở thành một kỳ Olympic của hòa bình, được tổ chức một cách thuận lợi ở mọi khía cạnh.

 

Thành tích cao nhất trong lịch sử

Đoàn thể thao Hàn Quốc đã gặt hái được thành tích cao kỷ lục trong kỳ Olympic PyeongChang. Nước chủ nhà giành được tổng cộng 17 huy chương, gồm 5 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 4 huy chương đồng, đứng thứ 7 toàn đoàn. Đây là thành tích cao nhất trong số các quốc gia châu Á tham dự. Thành tích này vượt qua kỷ lục cũ của Hàn Quốc là 14 huy chương trong kỳ Olympic Vancouver 2010 (Canada). Quan trọng hơn cả là đoàn thể thao Hàn Quốc giành được huy chương một cách đồng đều ở nhiều bộ môn thi đấu khác nhau. Lần này, các vận động viên Hàn Quốc giành được đủ loại huy chương quý giá ở những bộ môn thiếu vắng huy chương suốt thời gian qua, như môn trượt ván lòng máng nằm sấp, xe trượt tuyết, trượt ván tuyết, bi đá trên băng, thoát ra khỏi được tình trạng phụ thuộc thành tích vào môn trượt băng tốc độ vòng ngắn.

Sau Olympic Pyeongchang, hai bộ môn giành nhiều huy chương chủ lực của Hàn Quốc là trượt băng tốc độ vòng ngắn và trượt băng tốc độ vẫn tiếp tục duy trì được phong độ đỉnh cao. Ở môn trượt băng nghệ thuật, nhiều nhân tài tiềm năng đang phát triển phong độ nhanh chóng, nối tiếp nữ hoàng trượt băng nghệ thuật Kim Yu-na. Ngoài ra, các vận động viên môn trượt ván lòng máng nằm sấp từng giành được huy chương vàng đầu tiên tại Olympic PyeongChang, môn bi đá trên băng với huy chương bạc, đang tiếp tục chăm chỉ tập luyện để chuẩn bị gặt hái thành tích tốt nhất tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 (Trung Quốc).

 

Bài toán đặt ra

Dù vậy, vẫn còn nhiều bài toán đặt ra với đoàn thể thao Hàn Quốc. Trước tiên, nền thể thao nước này vẫn núp trong cái bóng quá lớn của chủ nghĩa coi trọng thành tích. Vẫn còn nhiều vụ bê bối trong làng thể thao, như vụ quấy rối tình dục của cựu huấn luyện viên đội tuyển trượt băng tốc độ vòng ngắn quốc gia Cho Jae-bum, hay tranh cãi về việc đãi ngộ không thỏa đáng đối với các vận động viên bi đá trên băng, việc các vận động viên từng nhập quốc tịch Hàn Quốc trước thềm Olympic PyeongChang lại xin rút quốc tịch sau khi Thế vận hội kết thúc. Mặc dù Hàn Quốc đã đạt thặng dư về mặt chi phí tổ chức, nhưng vấn đề tận dụng và khôi phục các cơ sở thi đấu sau Thế vận hội vẫn chưa tìm được lời đáp. Việc tận dụng tòa nhà chính ở khu vực tổ chức lễ khai mạc, bế mạc Thế vận hội, dự án xây dựng Bảo tàng Hòa bình Olympic vẫn đang xúc tiến khá chậm chạp, hay việc khôi phục, bảo tồn Đồi trượt tuyết Jeongseon từng là một vấn đề nổi cộm nhất hậu Olympic, nhưng tới nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Lựa chọn của ban biên tập