Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cựu Tổng thống Chun Doo-hwan trình diện Tòa án về nghi ngờ xúc phạm danh dự người đã khuất 

2019-03-11

Tin tức

Cựu Tổng thống Chun Doo-hwan trình diện Tòa án về nghi ngờ xúc phạm danh dự người đã khuất 

Phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Chun Doo-hwan

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan ngày 11/3 đã trình diện tại Tòa án thành phố Gwangju để phục vụ điều tra về nghi ngờ ông xúc phạm danh dự linh mục Pius (Piô) Cho Chul-hyun qua cố, người khai báo chứng kiến trực thăng đã bắn súng máy vào người dân trong sự kiện Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980. Trong quyển hồi ký phát hành vào năm 2017, cựu Tổng thống Chun cho rằng cố linh mục Cho là “kẻ nói dối”, khẳng định không có chuyện trực thăng tấn công người dân trong Phong trào trào vận động dân chủ Gwangju. Do đó, nội dung tranh cãi trong phiên tòa lần này là xác định xem liệu cựu Tổng thống Chun Doo-hwan đã nhận thức được sự thật ấy hay không và vấn đề liệu ông có cố ý xúc phạm danh dự cố linh mục Cho. Tội xúc phạm danh dự người đã khuất là tội nói sai sự thật dẫn đến tổn hại danh dự của người quá cố. Khi bị kết tội, người mắc tội sẽ chịu dưới hai năm tù, hoặc phạt tiền có giá trị dưới 5 triệu won (hơn 4.400 USD).


Khẳng định của cựu Tổng thống Chun Doo-hwan trong hồi ký

Trong cuốn hồi ký, cựu Tổng thống Chun Doo-hwan cho rằng những tình tiết bịa đặt khủng khiếp như máy bay trực thăng của quân đội bắn vào người dân được đẩy lên, che giấu sự thật. Và điều này được chứng minh không có thật qua lời khai của sĩ quan chỉ huy không quân khi đó. Song linh mục Cho Chul-hyun vẫn không đính chính lại lập trường của bản thân. Đồng thời, cựu Tổng thống Chun Doo-hwan còn chỉ trích linh mục Cho chỉ là một kẻ nói dối vô liêm xỉ, không đáng là một đấng chức sắc tôn giáo.


Sự thật về vụ trực thăng tấn công người dân

Những tranh cãi về việc trực thăng đã tấn công người dân trong Phong trào vận động dân chủ Gwangju đã từng được xác nhận qua nhiều kênh khác nhau. Ủy ban điều tra đặc biệt về Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980 thuộc Bộ Quốc phòng, cùng với Viện Kiểm sát đã xác nhận rằng quân đội giới nghiêm đã sử dụng máy bay trực thăng bắn bừa bãi vào người dân tham gia cuộc vận động đòi dân chủ năm 1980. Đầu tiên, có nhiều vết tích đạn bắn ở mặt ngoài tòa nhà Jeonil ở thành phố Gwangju, trước khi tòa nhà này được trùng tu lại. Viện nghiên cứu điều tra khoa học quốc gia Hàn Quốc (NFS) giám định rằng các vết đạn này được bắn từ máy bay trực thăng đang trong trạng thái đứng yên ở một độ cao cố định trên không trung.

Ủy ban điều tra đặc biệt đã công bố báo cáo ghi rõ Lục quân khi đó đã tấn công người dân Gwangju từ trực thăng trong ngày 21/5 và ngày 27/7 năm 1980. Ủy ban điều tra đặc biệt cho rằng một số ghi chép của quân đội như báo cáo chi tiết về chiến trường hàng ngày đã bị bóp méo sự thật. Một số phi công khi đó đã từ chối điều tra, hoặc khẳng định dù bay trong trạng thái được trang bị vũ khí, nhưng hoàn toàn không có việc bắn vào người dân. Tuy nhiên, dựa vào các văn bản chỉ thị của quân đội và lời khai của một số nhân chứng, Ủy ban điều tra đặc biệt nhận định đã xảy ra việc trực thăng tấn công người dân. Cụ thể, trong số 40 chiếc trực thăng được huy động khi đó, một số trực thăng tấn công và trực thăng cơ động đã bắn vào người dân Gwangju. Báo cáo còn khẳng định Không quân khi đó cũng sẵn sàng điều động cả máy bay chiến đấu.

Căn cứ một bức điện mật của Đại sứ quán Mỹ, Viện Kiểm sát nhận định rằng việc máy bay trực thăng tấn công người dân là có thật. Bức điện trên có nội dung cảnh báo rằng máy bay trực thăng sẽ bắn vào người dân và thực tế sự việc đã xảy ra. Do đó, theo Viện Kiểm sát, khó có thể nói Tổng thống Chun Doo-hwan đã không nắm bắt được nội dung này khi đương nhiệm. Vì vậy, nếu cựu Tổng thống Chun biết rõ sự thật này, mà vẫn gọi linh mục Cho là “kẻ nói dối”, có nghĩa là ông Chun đã xúc phạm danh dự người quá cố.


Cựu tổng thống Chun Doo-hwan

Khi còn giữ chức Tư lệnh An ninh vào năm 1979, ông Chun Doo-hwan đã dẫn đầu cuộc đảo chính quân sự ngày 12/12, lên nắm quyền kiểm soát Nhà nước. Sau đó, trong vai trò là quyền Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương, ông Chun đã trấn áp những người dân và sinh viên tham gia Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980, rồi tiến hành cuộc bầu cử gián tiếp vào tháng 8 cùng năm, trở thành Tổng thống thứ 11 của Hàn Quốc vào ngày 1/9/1980. 


Lựa chọn của ban biên tập