Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cựu Tổng thống Chun Doo-hwan hầu tòa

2019-03-16

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chiều 11/3, Tòa án thành phố Gwangju đã mở phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Chun Doo-hwan với cáo buộc xúc phạm danh dự người đã khuất, ở đây là cố linh mục Cho Chul-hyun, người đã đứng lên làm chứng về vụ xả súng từ trực thăng của quân đội giới nghiêm vào người dân trong Phong trào vận động dân chủ Gwangju (18/5/1980).

 

Cáo buộc

Cựu Tổng thống Chun bị khởi tố vào tháng 5 năm ngoái, với các buộc đã xúc phạm cố linh mục Cho là “kẻ dối trá” trong cuốn hồi ký xuất bản tháng 4 năm 2017. Linh mục Cho từng khẳng định đã tận mắt chứng kiến cảnh quân đội xả súng từ trực thăng vào người dân tham gia Phong trào vận động dân chủ Gwangju, khi đó đang tập trung trên tòa nhà Jeonil. Vậy nhưng, trong cuốn hồi ký của mình, cựu Tổng thống Chun nói rằng phong trào dân chủ Gwangju năm 1980 là một vụ “bạo động”, và không hề xảy ra vụ việc quân đội xả súng vào người dân từ trực thăng, chỉ trích linh mục Cho là kẻ dối trá không biết liêm sỉ, dù là một chức sắc tôn giáo. Nếu bị kết tội, người có hành vi xúc phạm danh dự người đã khuất có thể bị phạt tối đa hai năm tù giam hoặc 5 triệu won (4.400 USD) tiền phạt. Kể từ sau khi bị khởi tố, ông Chun đã tìm nhiều cách để lẩn tránh phiên toà. Phải tới khi Tòa án ban lệnh bắt giữ vào ngày 7/1 vừa qua, ông này mới chịu tuyên bố sẽ tự nguyện trình diện tại phiên tòa. Đây là lần đầu tiên, cựu Tổng thống Chun trở lại thành phố Gwangju sau 32 năm, và đứng trước "vành móng ngựa" với tư cách là bị cáo liên quan đến Phong trào vận động dân chủ Gwangju sau 23 năm.

 

Tranh cãi

Trọng tâm tranh cãi của phiên tòa là việc làm sáng tỏ rằng liệu có phải cựu Tổng thống Chun Doo-hwan mặc dù đã biết về vụ xả súng của quân đội, nhưng vẫn chỉ trích cố mục sư Cho là “kẻ dối trá”, hay không. Phía bị cáo cho rằng bản thân vụ xả súng từ trực thăng vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi. Việc ông phủ nhận vụ xả súng này trong cuốn hồi ký của mình thuộc phạm vi “tự do biểu đạt suy nghĩ cá nhân”. Tức nếu vụ xả súng không phải là sự thật thì việc quy kết mục sư Cho là “kẻ dối trá”, không phải là hành vi sỉ nhục, xúc phạm danh dự người đã khuất.

 

Vụ xả súng từ trực thăng

Vụ quân đội giới nghiêm dùng súng máy bắn bừa bãi vào người dân đã từng được xác nhận qua nhiều tài liệu, chứng cứ khách quan khác nhau. Ủy ban điều tra đặc biệt về Phong trào vận động dân chủ Gwangju thuộc Bộ Quốc phòng, hay Viện Kiểm sát, đều đã kết luận từng xảy ra vụ xả súng này. Mặt tường bên ngoài tầng 10 của tòa nhà Jeonil ở Gwangju cũng phát hiện được nhiều vết đạn. Viện nghiên cứu điều tra khoa học quốc gia sau quá trình giám định đã kết luận rằng những vết đạn này được bắn ra từ trực thăng bay lượn trên không. Khi đó, trong quá trình điều tra, các phi công thừa nhận đã bay trong tình trạng được vũ trang, nhưng khẳng định không hề nổ súng vào người dân. Một số phi công không chịu tham gia điều tra. Tuy nhiên, căn cứ vào một số tài liệu quân đội, và lời khai của những người chứng kiến vụ việc, Ủy ban đặc biệt của Bộ Quốc phòng kết luận một số ghi chép của quân đội đã bóp méo sự thật. Ủy ban này còn công bố một tài liệu xác nhận rằng vào ngày 21/5/1980 và 27/5/1980, lục quân đã huy động máy bay trực thăng bắn vào người dân Gwangju. Trong số hơn 40 trực thăng được huy động, có một số trực thăng tấn công và trực thăng cơ động đã nổ súng vào người dân Gwangju. Viện Kiểm sát cũng công bố một văn bản mật của Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc ghi lại rằng, khi đó quân đội đã cảnh báo sẽ nổ súng vào người dân từ trực thăng, và trên thực tế đã bắn.


Ông Chun Doo-hwan giữ chức Tổng thống Hàn Quốc từ tháng 9 năm 1980 tới tháng 2 năm 1988. Sau khi tiến hành đảo chính quân sự vào ngày 12/12/1979, Thiếu tướng Chun Doo-hwan đã ra lệnh trấn áp đẫm máu những người tham gia cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Gwangju vào ngày 18/5/1980. Sau đó, ông trở thành Tổng thống thứ 11 của Hàn Quốc vào ngày 1/9/1980. Phiên tòa tiếp theo xét xử cựu Tổng thống Chun sẽ diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày 8/4 tới.

Lựa chọn của ban biên tập