Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc là cội nguồn quốc gia

2019-04-11

Tin tức

Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc là cội nguồn quốc gia

Sự ra đời của Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc

Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc ra đời tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 11/4/1919. Đây là sự hợp nhất của 7 Chính phủ lâm thời được thành lập trong và ngoài nước trước và sau cuộc vận động đòi độc lập 1/3/1919. Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc là một thể chế cộng hòa dân chủ hoạt động trên nền tảng của Nghị viện (đóng vai trò tương tự như Quốc hội ngày nay) và Hiến pháp. Chính phủ lâm thời khi đó theo đuổi lý tưởng của chủ nghĩa dân chủ cận đại, thống nhất toàn dân tộc, chứ không phải là một đế quốc Đại Hàn bị đánh bại bởi đế quốc Nhật. Do đó, về mặt địa lý, dù được thành lập ở Thượng Hải, song nền tảng của Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc chính là sự ủng hộ của người dân cả nước.


Các hoạt động của Chính phủ lâm thời

Vào những ngày đầu thành lập, Chính phủ lâm thời đã tích cực tiến hành các hoạt động như hội nhập xã hội cho các kiều bào trong và ngoài nước, ngoại giao và đấu tranh vũ trang. Trước hết, để đảm bảo nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ lâm thời đã dồn toàn lực để giám sát, chỉ đạo các hoạt động ngoại giao và đấu tranh giành độc lập. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tình hình chính trị thế giới không mấy thuận lợi do theo đuổi sự cân bằng quyền lực và sự ổn định của cộng đồng quốc tế, nên các hoạt động của Chính phủ lâm thời đã không nhận được sự ủng hộ. Ngay cả việc tập hợp các kiều bào trong và ngoài nước về với Chính phủ lâm thời cũng gặp khó khăn và nhiều hoạt động bị hạn chế do sự áp bức và truy sát của đế quốc Nhật. Do đó, Chính phủ lâm thời Thượng Hải đã phải rất khó khăn để có thể duy trì sự tồn tại.


Tác động từ vụ đánh bom của nghĩa sĩ Yun Bong-gil

Vụ đánh bom của nghĩa sĩ Yun Bong-gil tại công viên Hongkou (Hồng Khẩu), Thượng Hải năm 1932 đã khơi dậy hào khí cho các hoạt động của Chính phủ lâm thời. Vào ngày 29/4 cùng năm, nghĩa sĩ Yun Bong-gil đã thực hiện vụ đánh bom, tấn công tại buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của Nhật Hoàng Hirohito (Thiên Hoàng) và mừng xâm chiếm thành công Thượng Hải. Vụ đánh bom đã khiến nhiều quan chức cấp cao của Nhật thiệt mạng như Đại tướng của quân đội Nhật, người đứng đầu cơ quan quản lý kiều bào Nhật tại Thượng Hải và Trung tướng Hải quân Nhật. Hành động của nghĩa sĩ Yun đã thu hút sự chú ý của không chỉ riêng những nước châu Á đang chịu sự thống trị của đế quốc Nhật, mà còn của cả người dân trên toàn thế giới. Nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc Tưởng Giới Thạch đã phải lên tiếng khen ngợi rằng “một thanh niên Triều Tiên đã làm được một việc mà cả triệu binh lính Trung Quốc đã không thể làm được”. Sau vụ tấn công trên, Chính phủ lâm thời đã bắt đầu được người dân ủng hộ trở lại, thậm chí còn lôi kéo được sự ủng hộ toàn diện của Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ việc đồng thời đã mang đến sự phản kích của Nhật Bản, khiến Chính phủ lâm thời buộc phải rời khỏi Thượng Hải vào năm 1932. Sau đó, cuộc chiến tranh Trung-Nhật nổ ra đã khiến Chính phủ lâm thời đã phải di chuyển đến nhiều nơi ở Trung Quốc như thành phố Hàng Châu, thành phố Trường Sa, thành phố Liễu Châu. Đến năm 1940, Chính phủ lâm thời đã ổn định tại thành phố Trùng Khánh và đón nhận nền độc lập quốc gia vào năm 1945 tại đây. 


Hoạt động đấu tranh giành độc lập

Chính phủ lâm thời tại Trùng Khánh đã hoàn tất tổ chức lại thành một bộ máy sẵn sàng đối phó khi chiến tranh và tích cực tiến hành nhiều hoạt động. Đầu tiên là thành lập đội quân Gwangbok (Quang Phục), tuyên chiến với Nhật Bản và chính thức bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập. Chính phủ lâm thời khi đó còn được tiếp sức khi Trung Quốc đã tổ chức lớp đặc biệt dành cho người Hàn tại Trường quân sự trung ương lục quân Trung Quốc. Đội quân Gwangbok đã cùng với quân đội liên minh, tham gia chiến đấu chống lại đế quốc Nhật ở Trung Quốc, Ấn Độ và Myanma. Song song với đó, Chính phủ lâm thời cũng đã công bố cương lĩnh thành lập nước và sửa đổi Hiến pháp để củng cố nền tảng quốc gia sau khi giành độc lập. Trong các hoạt động ngoại giao, Chính phủ lâm thời đã dựa vào Chính phủ Trung Quốc, tích cực tiến hành các hoạt động ủng hộ độc lập. Kết quả là sau Tuyên bố Cairo (ngày 27/11/1943 tại Ai Cập), Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc đã nhận được cam kết độc lập của các cường quốc.


Ngay khi giành được độc lập, Chính phủ lâm thời khi đó chính là “Chính phủ” của nước Đại Hàn Dân Quốc theo đúng như tên gọi, là tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập. Tuy nhiên, tình hình chính trị thế giới vào thời điểm đó lại phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả đàm phán giữa các cường quốc. Cuối cùng, Chính phủ lâm thời đã không được công nhận và Chính phủ Hàn Quốc mới được thành lập dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Mỹ. Dù thế nào đi chăng nữa, Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc năm 1919 vẫn luôn được xem là gốc rễ của đất nước Hàn Quốc. Trong Hiến pháp của Hàn Quốc hiện cũng nêu rõ rằng có sự tiếp nối hệ thống luật pháp của Chính phủ lâm thời.


Lựa chọn của ban biên tập