Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka và những nghị sự được chờ đợi

2019-06-28

Tin tức

Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka và những nghị sự được chờ đợi

Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế (G20) đã chính thức khai mạc vào ngày 28/6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản, kéo dài trong hai ngày. 


Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, cuộc gặp này còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế lớn hơn so với Hội nghị G20. Hiện tại, Washington và Bắc Kinh đều không cho thấy có động thái nhượng bộ nào kể từ sau khi hai bên không tìm được tiếng nói chung tại cuộc đàm phán cấp cao song phương diễn ra hồi đầu tháng trước. Mỹ đã tiến hành áp thuế 25% cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với quy mô lên tới 200 tỷ USD, đồng thời tuyên bố có thể sẽ đánh thuế thêm. Đáp lại, Trung Quốc đã áp thuế trả đũa hàng nhập khẩu từ Mỹ, với quy mô 60 tỷ USD, và cảnh báo cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, lấy đây làm vũ khí đối phó.


Liên quan đến đàm phán thượng đỉnh Mỹ-Trung, có nhiều dự đoán tích cực cho rằng hai bên trước mắt có thể sẽ “đình chiến”. Ngày 26/6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết đàm phán Mỹ-Trung đã hoàn tất 90%. Cùng với đó, cũng xuất hiện tin tức cho rằng hai nước đã tạm thời nhất trí về việc “ngừng chiến”. Thực tế là tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Argentina vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố ngừng leo thang căng thẳng.


Thảo luận về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

Bên cạnh cuộc chiến chương mại Mỹ-Trung, thảo luận liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ cũng thu hút không kém sự quan tâm của dư luận. Trong thời gian qua, Hội nghị thượng đỉnh G20 vẫn luôn theo đuổi chủ trương chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, trong sự kiện tại Agentina vào năm ngoái, lần đầu tiên nội dung này đã không được thể hiện trong Tuyên bố chung. Bất chấp việc đi ngược lại ý kiến của đa số, lập trường của Mỹ vẫn được giữ vững. Trong dự thảo Tuyên bố chung lần này do nước chủ nhà Nhật Bản soạn thảo, cũng không có cụm từ “chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch”.


Lập trường mâu thuẫn giữa Mỹ và các quốc gia còn lại cũng tương tự như với vấn đề đối phó biến đổi khí hậu. Tóm lại, lập trường của Mỹ vẫn không bị lay động, và những nội dung liên quan này có khả năng sẽ không được đưa vào tuyên bố chung, thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn. Điều này dự kiến sẽ khiến làn sóng phản đối và hoài nghi về Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.


Vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên

Về vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này dự kiến sẽ là “thước ngắm” để nối lại đối thoại Mỹ-Triều. Đầu tiên là việc lãnh đạo Mỹ-Triều trao đổi thư từ cho nhau, đồng thời nội bộ Chính phủ Mỹ cũng cho thấy những lập trường “linh hoạt”. Tiếp đó, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc. Trước thềm tái tranh cử chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cần phải thu về một kết quả rõ ràng nào đó bằng mọi giá. Mặt khác, nước chủ nhà hội nghị là Nhật Bản lại là nước nhạy cảm nhất với vấn đề hạt nhân miền Bắc, nên đương nhiên sẽ tăng cường tầm ảnh hưởng. Trong khi đó, Trung Quốc đã vừa tăng cường thêm sức mạnh trong vai trò trung gian, sau chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng của Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây. Một bên khác là Nga cũng đã gia tăng tiếng nói về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên từ sau chuyến thăm Vladivostok của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un cách đây không lâu. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề cập việc trao đổi với miền Bắc, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò trung gian, thúc đẩy. Có thể nói, các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đều đang có các động thái tích cực. Theo đó, điều quan tâm giờ đây là sự phác thảo nào về lộ trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ được hé lộ trong Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.

Lựa chọn của ban biên tập