Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử 100 năm Đại hội thể dục thể thao toàn quốc

2019-10-04

Tin tức

Lịch sử 100 năm Đại hội thể dục thể thao toàn quốc

Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 100 đã chính thức khai mạc vào ngày 4/10 và kéo dài tới hết ngày 10/10, tại tổng cộng 72 địa điểm thi đấu ở thủ đô Seoul và một số tỉnh, thành khác, với tổng số 47 bộ môn thi đấu. Có khoảng 30.000 vận động viên từ 17 tỉnh, thành trên cả nước và 18 đoàn vận động viên Hàn kiều tham gia tranh tài. 


Sự ra đời Đại hội thể dục thể thao toàn quốc

Đại hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1920, thời kỳ thực dân Nhật Bản đô hộ bán đảo Hàn Quốc, nhân sự kiện ra đời của Hiệp hội thể dục thể thao Joseon (Ủy ban Olympic Hàn Quốc ngày nay), một năm sau phong trào vận động giành độc lập 1/3/1919. Sau đó, thực dân Nhật Bản đã chuyển đổi chính sách cai trị, từ sử dụng bạo lực, sang “thống trị văn hóa” với bán đảo Hàn Quốc. Điều này đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong giới thể thao, đó là sự ra đời của Đại hội thể dục thể thao.

Đại hội thể dục thể thao lần thứ nhất không phải là một sự kiện thể thao tổng hợp, mà là một giải đấu bóng chày. Khi đó, sự kiện được tổ chức dưới tên gọi “Đại hội bóng chày toàn Joseon”, diễn ra tại Gyeongseong, tỉnh Gyeonggi (thành phố Seoul ngày nay). Phải tới năm 1925, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc mới trở thành một sự kiện thể thao tổng hợp gồm nhiều bộ môn thi đấu, đa dạng. Trong kỳ Đại hội thứ 10 vào năm 1934, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội thể dục thể thao Joseon, nhiều bộ môn bóng đa dạng, như bóng đá, tenis, bóng rổ, đã được bổ sung thêm. Tên gọi của sự kiện cũng được chuyển thành Đại hội thi đấu tổng hợp toàn Joseon, phản ánh tầm cỡ của Đại hội.

Tuy nhiên, sự kiện đã vấp phải không ít thăng trầm trong lịch sử. Từ kỳ Đại hội thứ 18 cho tới kỳ Đại hội thứ 25 (năm 1944) đã không được tổ chức. Đó là bởi vào năm 1938, Hiệp hội thể dục thể thao Joseon đã bị Toàn quyền Joseon của chính quyền thực dân Nhật Bản cưỡng chế giải thể, bắt đầu từ việc tờ Nhật báo Donga xóa quốc kỳ Nhật Bản trong bức ảnh vận động viên Son Ki-jung nhận huy chương vàng marathon tại Olympic Berlin 1936.


Sau khi đất nước được giải phóng vào năm 1945, Hiệp hội thể dục thể thao Joseon được khôi phục, đồng thời Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 26 đã được tổ chức. Tuy nhiên, kỳ Đại hội lần thứ 30 đã không thể diễn ra do cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25 tháng 6 năm 1950. Sau đó, bất chấp trong thời gian xảy ra chiến tranh, Đại hội vẫn được tổ chức đều đặn từ năm 1951 cho tới tận ngày nay. Do hai miền Nam-Bắc bị chia cắt bởi chiến tranh, kể từ đó, khu vực phía Bắc bán đảo Hàn Quốc đã không tham dự vào sự kiện này nữa. Bởi vậy, các vận động viên xuất thân từ Bắc Triều Tiên sống tại miền Nam đã tham dự Đại hội dưới tên gọi “Đoàn thể thao 5 tỉnh phía Bắc”. Ngoài ra, sự kiện còn có đoàn thể thao là Hàn kiều sinh sống tại nước ngoài. Tên gọi “Đại hội thể dục thể thao toàn quốc” ra đời từ kỳ Đại hội thứ 28 vào năm 1948, và được Chính phủ công nhận là một sự kiện thể thao chính thức cấp quốc gia.

Mỗi bộ môn được sắp xếp tranh tài theo ba nhóm “học sinh trung học phổ thông”, “sinh viên đại học” và “người dân thường”. Vòng sơ loại diễn ra theo đơn vị cấp tỉnh, thành. Thứ hạng tổng hợp của các tỉnh, thành được căn cứ theo tổng điểm, chứ không theo bảng tổng sắp huy chương. Tổng điểm được tính gộp từ điểm huy chương đạt được, điểm theo các bộ môn, và điểm cộng.


Từ “mảnh đất cằn cỗi” trở thành cường quốc thể thao

Trong suốt chiều dài lịch sử, Hàn Quốc đã đi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thời bị thực dân Nhật đô hộ, trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, và giờ đây là thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Ở lĩnh vực thể thao, từ một “mảnh đất cằn cỗi”, Hàn Quốc đã vươn mình trở thành một trong 10 cường quốc thể thao thế giới. Ở một số bộ môn, thậm chí việc giành chiến thắng ở cuộc thi trong nước còn được đánh giá là khó khăn hơn việc giành chiến thắng trên đấu trường quốc tế. Hàn Quốc đã nhiều lần đăng cai thành công những sự kiện thể thao lớn toàn cầu, như Thế vận hội mùa hè, mùa đông, Giải vô địch bóng đá thế giới (Word Cup), Giải vô địch điền kinh thế giới. Chính vì vậy, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 100 lần này mang ý nghĩa rất lớn. Không chỉ ý nghĩa về mặt lịch sử, sự kiện diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một năm nữa là tới Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, nên Đại hội thu hút một lượng lớn các vận động viên quốc gia tham gia tranh tài.

Lựa chọn của ban biên tập