Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh chính sách phương Nam mới

2019-11-26

Tin tức

Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh chính sách phương Nam mới

Hàn Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN

Việc Hàn Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy “chính sách phương Nam mới". Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng cường quy mô thương mại Hàn-ASEAN lên tới 200 tỷ USD đến năm 2020. Ở lĩnh vực ngoại giao và an ninh, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN là cơ hội tốt cho tiến triển lộ trình hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa và môi trường. Như vậy, có thể nói quan hệ hợp tác Hàn-ASEAN sẽ vươn lên tầm cao mới nhờ “chính sách phương Nam mới 2.0”. 


Định nghĩa về “chính sách phương Nam mới”

“Chính sách phương Nam mới” là chiến lược ngoại giao được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố trong bài phát biểu tại “Diễn đàn kinh doanh Hàn Quốc-Indonesia” ngày 9/11/2017. Nội dung của chính sách là tập trung tăng cường hợp tác với các nước ASEAN ở mức độ tương đương quan hệ hợp tác với 4 cường quốc xung quanh bán đảo Hàn Quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Chính sách không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế, mà toàn diện các lĩnh vực, với mục tiêu tạo dựng một cộng đồng hòa bình, chú trọng con người, hướng tới thịnh vượng chung. 


Hàn Quốc sẽ mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á ở nhiều lĩnh vực đa dạng

Theo đó, phạm vi hợp tác Hàn-ASEAN sẽ được mở rộng từ thương mại sang các lĩnh vực khác như công nghệ kỹ thuật, văn hóa và giao lưu dân sự. Seoul cũng sẽ tăng cường hợp tác an ninh với các nước ASEAN để xây dựng nền tảng hòa bình. Hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đồng nghĩa với hòa bình của khu vực Đông Bắc Á, củng cố cho thịnh vượng chung của các nước ASEAN. Đặc biệt, các nước ASEAN có quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên nên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng giữa hai miền Nam-Bắc, giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và thúc đẩy đối thoại liên Triều.


Seoul muốn nới lỏng chính sách quá tập trung vào 4 cường quốc

Về địa chính trị, bán đảo Hàn Quốc là nơi xung đột lợi ích của các siêu cường quốc. Việc bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt làm hai thành Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên là một hệ lụy của thực tế này. Như vậy, quan hệ ngoại giao của Seoul cần tập trung vào 4 nước lớn xung quanh bán đảo Hàn Quốc. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chính sách ngoại giao của Hàn Quốc chú trọng vào Mỹ và Nhật Bản. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Hàn Quốc lại phải dồn nỗ lực ngoại giao vào Trung Quốc và Nga. “Chính sách phương Nam mới” được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đang cân nhắc lại các chiến lược quá tập trung vào 4 cường quốc, cũng như xem xét sự gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của các nước ASEAN trên trường quốc tế. Hiện tại, các nước Đông Nam Á cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Vì thế, chính sách phương Nam mới có vai trò vô cùng quan trọng giúp Hàn Quốc mở rộng phạm vi quan hệ đối ngoại. Các chuyên gia nhận định trong nửa đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Moon Jae-in đã thiết lập được nền tảng cho chính sách coi trọng các nước Đông Nam Á, và Chính phủ sẽ tận dụng Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN để thúc đẩy “chính sách phương Nam mới 2.0”. 

Lựa chọn của ban biên tập