Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý II của Hàn Quốc thấp kỷ lục

2020-07-25

Tin tức

ⓒ gettyimagesbank


Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 23/7 công bố trong quý II/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Hàn Quốc tăng trưởng   -3,3%, giảm hai quý liên tiếp sau mức giảm 1,3% của quý I. Đây là mức tăng trưởng thấp kỷ lục trong hơn 22 năm qua kể từ sau quý I năm 1998, thời điểm khủng hoảng tiền tệ châu Á.


Tỷ lệ tăng trưởng quý II

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý II của Hàn Quốc giảm 2,9%, cũng là mức thấp kỷ lục kể từ quý IV/1998 (3,8%). Xuất khẩu, lĩnh vực chịu cú sốc trực tiếp từ suy thoái kinh tế toàn cầu bởi dịch COVID-19, giảm mạnh tới 16,6%, mức giảm kỷ lục trong hơn 56 năm qua, sau mức giảm 24% quý IV/1963. Nhập khẩu trong quý II cũng giảm 7,4%, tập trung ở mặt hàng dầu thô. Đầu tư thiết bị và đầu tư xây dựng giảm lần lượt 2,9% và 1,3%, chủ yếu do đầu tư thiết bị vận tải, xây dựng công trình đều co hẹp dưới tác động của đại dịch. Ngược lại, nhờ hiệu quả của khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân và biện pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của Chính phủ, tiêu dùng tư nhân trong quý II đã tăng 1,4%, tập trung vào các mặt hàng ô tô, điện tử gia dụng. Tiêu dùng Chính phủ cũng tăng 1%. Xét theo ngành nghề, sản xuất chế tạo và nông, lâm, ngư nghiệp giảm hơn 9%, sản xuất dịch vụ cũng giảm 1,1% do các lĩnh vực phân phối bán lẻ, vận tải, khách sạn và nhà nghỉ lao đao. Đặc biệt, ngành chế tạo giảm 9%, mức giảm sâu nhất sau mức 10,4% quý II năm 1963. Tổng thu nhập quốc dân (GDI) thực tế giảm 2%, nhưng vẫn đỡ hơn mức giảm của GDP nhờ các điều kiện thương mại như tỷ giá hối đoái, đơn giá xuất nhập khẩu cải thiện.


Phân tích và triển vọng

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý II cho thấy mặc dù tiêu thụ nội địa đã bù đắp được phần nào sự sụt giảm chưa từng thấy của xuất khẩu, nhưng vẫn chưa đủ để kéo nền kinh tế tăng trưởng dương. Về việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý II thấp hơn dự báo, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc giải thích xuất khẩu hàng hóa và tiêu dùng tư nhân đã giảm mạnh hơn dự báo của cơ quan này. Trước tiên, xuất khẩu các mặt hàng ô tô, điện thoại di động giảm mạnh so với số liệu dự báo bởi các đối tác xuất khẩu lớn của Hàn Quốc ban lệnh đóng cửa, nhiều nhà máy ở nước ngoài phải tạm dừng hoạt động. Tiêu dùng tư nhân cải thiện nhờ hiệu quả từ khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân của Chính phủ, nhưng mức độ hồi phục của lĩnh vực dịch vụ lại không được như kỳ vọng.


Ngân hàng trung ương nhận định trong quý III, các nước lớn khó có khả năng siết chặt thêm biện pháp hạn chế do lo ngại nền kinh tế co hẹp hơn nữa. Đồng thời, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhảy vọt trở lại trong quý II dự kiến sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương cho rằng cần theo dõi thêm các chỉ số kinh tế tiếp theo, như sản xuất công nghiệp tháng 6, kết quả xuất khẩu tháng 7, mới có thể dự báo tốc độ hồi phục của nền kinh tế trong quý III. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ căn cứ vào những số liệu kinh tế trên để điều chỉnh dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cả năm nay vào tháng 8. Trước đó, BOK dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng -0,2% trong cả năm 2020. Nhưng để đạt được mục tiêu này, tỷ lệ tăng trưởng của quý III và quý IV sẽ phải đạt khoảng 3%.


Ở một diễn biến khác, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki phát biểu nếu dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát như hiện nay thì nền kinh tế sẽ đi từ trạng thái chạm đáy trong quý II lên tăng trưởng tương đối trong quý III. Phó Thủ tướng cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực chính sách khả dụng, đồng thời tiếp tục phòng dịch chặt chẽ, tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân trên 75% ngân sách bổ sung lần ba trong vòng ba tháng để triển khai các dự án lớn, trong đó có cả “Chính sách kinh tế mới phiên bản Hàn Quốc” mới công bố. Cùng với đó, Chính phủ sẽ công bố một loạt đối sách theo từng lĩnh vực như tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Lựa chọn của ban biên tập