Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nội dung kỳ vọng huy chương của đoàn thể thao Hàn Quốc: Đấu kiếm, bắn súng

2021-07-14

1. Thành tích của đấu kiếm Hàn Quốc tại Thế vận hội

Photo :© YONHAP News

1. Thành tích của đấu kiếm Hàn Quốc tại Thế vận hội

2Từ bao giờ mà đấu kiếm trở thành niềm hy vọng huy chương cho đoàn thể thao Hàn Quốc tại Thế vận hội? Đó là từ Olympic Sydney 2000, khi vận động viên Lee Sang-ki giành huy chương đồng ở nội dung cá nhân kiếm ba cạnh nam, huy chương đầu tiên của đội tuyển đấu kiếm Hàn Quốc tại sự kiện thể thao toàn cầu này. Cũng tại kỳ Thế vận hội này, vận động viên Kim Young-ho đã gặt hái tấm huy chương vàng đầu tiên ở nội dung cá nhân kiếm liễu nam, đưa cái tên Hàn Quốc nổi lên trong làng đấu kiếm quốc tế, nơi mà các vận động viên châu Âu chiếm thế thượng phong.


Tại Olympic Athens 2004, đội tuyển đấu kiếm Hàn Quốc đã không giành được huy chương nào. Nhưng tới Thế vận hội Bắc Kinh 2008, vận động viên Nam Hyun-hee đã mang về cho nước nhà tấm huy chương bạc nội dung cá nhân kiếm liễu nữ.


Tại Olympic London 2012 và Rio 2016, đội tuyển đấu kiếm Hàn Quốc cũng gặt hái được nhiều huy chương khác nhau, trong đó có cả huy chương vàng. Đấu kiếm là một bộ môn đầy kịch tính, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Chắc chắn người hâm mộ sẽ không thể nào quên màn lội ngược dòng ngoạn mục của tay kiếm Park Sang-young đã giúp anh giành huy chương vàng nội dung cá nhân kiếm ba cạnh nam tại Thế vận hội Rio 2016.

2. Mục tiêu huy chương của đấu kiếm Hàn Quốc

Photo :© YONHAP News

2. Mục tiêu huy chương của đấu kiếm Hàn Quốc

Kể từ sau Olympic Athens 2004, mỗi 4 năm một lần lại có hai nội dung đồng đội luân phiên bị loại khỏi danh sách 12 nội dung thi đấu của bộ môn này. Tuy nhiên, tại Thế vận hội Tokyo lần này sẽ diễn ra đủ 12 nội dung cá nhân và đồng đội. Theo đó, số huy chương vàng tăng từ 10 lên 12 huy chương.


Tại Tokyo, đội tuyển xứ kimchi giành được quyền thi đấu toàn bộ các nội dung cá nhân và đồng đội kiếm chém và kiếm ba cạnh, nhưng chỉ tham gia nội dung cá nhân kiếm liễu. Các vận động viên kiếm chém nam, đứng đầu là Oh Sang-uk, đang đặt mục tiêu giành huy chương vàng ở cả nội dung cá nhân và đồng đội.


Đội tuyển nam còn tự hào có hai kiếm thủ hàng đầu thế giới là Gu Bon-gil và Kim Jung-hwan. Với trình độ điêu luận và sự phối hợp ăn ý, đội tuyển kiếm chém nam hoàn toàn có khả năng giành được hai huy chương vàng theo đúng mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, khán giả cũng hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào màn thể hiện của Kim Ji-yeon, nhà vô địch kiếm chém nữ tại Thế vận hội London 2012. Olympic lần này có thể là kỳ Thế vận hội cuối cùng trong sự nghiệp của cô.

3. Jin Jong-oh, niềm hy vọng vàng của bắn súng Hàn Quốc

Photo :© YONHAP News

3. Jin Jong-oh, niềm hy vọng vàng của bắn súng Hàn Quốc

Tại Olympic Tokyo lần này, bộ môn bắn súng có tổng cộng 15 huy chương vàng. Cho tới Thế vận hội Rio 2016, các nội dung nam có 9 huy chương vàng, các nội dung nữ có 6 huy chương vàng, và điều này bị chỉ ra là vi phạm tinh thần bình đẳng giới. Do đó, Liên đoàn bắn súng thế giới đã hủy ba nội dung là 50m súng ngắn nam, 50m súng trường nằm bắn nam và bắn đĩa bay double trap nam, thay bằng các nội dung hỗn hợp nam nữ. Do đó, tại Thế vận hội lần này sẽ có tổng cộng 6 nội dung nam, 6 nội dung nữ và 3 nội dung đồng đội hỗn hợp.


Sự điều chỉnh này là một bất lợi với Hàn Quốc, bởi nội dung 50m súng ngắn nam là sở trường của xạ thủ Jin Jong-oh. Anh đã từng gặt hái huy chương vàng ba kỳ Thế vận hội liên tiếp ở nội dung này. Tuy nhiên, Jin Jong-oh đang đặt ra một mục tiêu khác là giành huy chương vàng ở nội dung 10m súng hơi nam mà bản thân từng giành huy chương vàng tại Olympic London 2012, và ở một nội dung mới là 10m súng hơi đồng đội hỗn hợp.


Tới nay, Jin Jong-oh đã thu hoạch được tổng cộng 6 huy chương Thế vận hội, và đây là kỳ Olympic thứ năm trong sự nghiệp của anh. Nếu giành được thêm huy chương vàng tại Tokyo lần này, thì Jin Jong-oh sẽ vượt qua cung thủ Kim Su-nyung trở thành vận động viên giành nhiều huy chương nhất trong lịch sử tham dự Thế vận hội của đoàn thể thao Hàn Quốc.

4. Các xạ thủ khác trong đội tuyển bắn súng

Photo :© YONHAP News

4. Các xạ thủ khác trong đội tuyển bắn súng

Thông qua các giải đấu quốc tế, đội tuyển bắn súng Hàn Quốc đã giành được tổng cộng 15 suất tham dự Thế vận hội Tokyo. Ngoài Jin Jong-oh, xạ thủ Kim Min-jung, Kim Bo-mi cũng được kỳ vọng sẽ mang về huy chương ở nội dung súng ngắn.


Ở nội dung súng trường, em út Kwon Eun-ji được kỳ vọng sẽ làm nên việc lớn. Trong vòng tuyển chọn vận động viên dự Olympic Tokyo diễn ra vào tháng 4 năm nay, cô đã bất ngờ lập hai kỷ lục mới, trong đó có một kỷ lục thế giới không chính thức. Nếu Kwon Eun-ji giành được huy chương trong kỳ này, thì đó sẽ là huy chương đầu tiên sau 21 năm ở nội dung súng trường cho đội tuyển bắn súng Hàn Quốc, sau tấm huy chương bạc của vận động viên Kang Cho-hyun tại Thế vận hội Sydney 2000.


Lịch thi đấu môn bắn súng lần này kéo dài từ ngày 24/7 tới 2/8, diễn ra tại Trường bắn Asaka ở thủ đô Tokyo.

Lựa chọn của ban biên tập