Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc hội thanh tra các cơ quan Nhà nước

2019-10-05

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bắt đầu từ ngày 2/10, 14 Ủy ban thường trực Quốc hội đã bắt đầu đợt thanh tra các cơ quan Nhà nước cuối cùng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XX. Đợt thanh tra diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in đã đi qua hơn một nửa chặng đường và Hàn Quốc chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 4 năm sau. Đặc biệt, chính giới vẫn đang trang cãi quyết liệt xung quanh các vấn đề liên quan đến Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk.

 

Bắt đầu thanh tra

Trong vòng 20 ngày, từ ngày 2 đến 21/10, 14 Ủy ban thường trực Quốc hội sẽ tiến hành thanh tra tổng cộng 788 cơ quan, tăng thêm 35 đơn vị so với năm ngoái.

Thanh tra các cơ quan Nhà nước là một phương thức kiểm soát bộ máy hành chính quan trọng của cơ quan lập pháp là Quốc hội, được tiến hành trong vòng 20 ngày vào mùa thu hàng năm, ngay sau ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội thường kỳ, tiến hành thanh tra về toàn bộ công tác điều hành quốc gia của bộ máy hành chính Chính phủ. Do đó, đợt thanh tra còn được gọi là “vũ đài công kích của phe đối lập”, trong khi phe cầm quyền ở thế phòng thủ. Thanh tra các cơ quan Nhà nước là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội, nhưng thời gian 20 ngày là quá ngắn để có thể thanh tra toàn bộ bộ máy hành chính khổng lồ. Thêm vào đó, chính giới lại thường rơi vào tranh cãi, nên dư luận chưa bao giờ ngớt ý kiến chỉ trích. Tương tự như vậy, trong năm nay, nhiều ý kiến lo ngại chính giới sẽ tiếp tục đối đầu một cách quyết liệt.

 

“Đại chiến Cho Kuk vòng ba”

Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk tiếp tục được dự báo là tâm điểm tranh cãi trong đợt thanh tra lần này. Hiện tại, Viện Kiểm sát đang điều tra các nghi ngờ xoay quanh ông Cho và các thành viên trong gia đình. Về phần mình, Phủ Tổng thống, Chính phủ và đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành lại kêu gọi “cải cách Viện Kiểm sát”. Theo đó, trọng tâm cục diện hiện nay chính là thế đối đầu giữa Bộ trưởng Tư pháp và Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao. Hơn thế, Tổng thống Moon Jae-in còn trực tiếp nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc cải cách Viện Kiểm sát, “chống đỡ” cho Bộ trưởng Cho, khiến Phủ Tổng thống cũng rơi vào thế đối đầu với Viện Kiểm sát. Dư luận hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều, một phe phản đối và một phe ủng hộ Bộ trưởng Cho. Phe ủng hộ thậm chí đã tiến hành cuộc biểu tình quy mô cực lớn lên tới 1,5 triệu người tham gia hồi cuối tuần trước. Về phần mình, phe đối lập bảo thủ đang dốc toàn lực công kích Bộ trưởng Tư pháp, biến đợt thanh tra lần này trở thành “đại chiến Cho Kuk vòng ba”, nối tiếp “vòng một” là phiên điều trần tại Quốc hội và “vòng hai” là phiên Quốc hội chất vấn Chính phủ.

 

Chiến lược của chính giới và triển vọng

Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đang tập trung vào việc cải cách Viện Kiểm sát trong đợt thanh tra này, với chiến lược tạo ra động lực cải cách nhằm thông qua nhanh các dự thảo, trong đó có dự thảo về thành lập Cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng. Cùng với đó, đảng cầm quyền dự kiến sẽ tích cực nêu ra các vấn đề về dân sinh, thúc đẩy kinh tế, nhằm phá vỡ sự công kích của phe đối lập.

Ngược lại, hai đảng đối lập Hàn Quốc tự do và Tương lai chính nghĩa lại hùa nhau chĩa mũi dùi vào ông Cho Kuk, quyết tâm “hạ bệ” Bộ trưởng Tư pháp sau đợt thanh tra. Hai đảng này dự báo sẽ tiếp tục nêu lại các nghi ngờ liên quan Bộ trưởng Cho, hòng lôi kéo luồng dư luận phản đối trong dân chúng đối với Bộ trưởng Tư pháp. Về việc đảng cầm quyền có kế hoạch công kích về vấn đề dân sinh, các đảng đối lập dự định sẽ phản kích lại bằng cách quy kết rằng việc Tổng thống bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp đã cản trở dân sinh, nhằm nhấn mạnh về sự “vô dụng” của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in, khiến nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng.

 

Ngoài vấn đề Bộ trưởng Cho, các vấn đề nổi cộm hàng đầu khác cũng xuất hiện trong đợt thanh tra lần này là đàm phán phi hạt nhân hoá Bắc Triều Tiên, Nhật Bản trả đũa kinh tế, chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật và sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Lựa chọn của ban biên tập