Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Đề xuất của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến

2019-11-30

Tin tức

ⓒYONHAP News

Dư luận Hàn Quốc đang dấy lên tranh cãi gay gắt sau khi Chủ tịch Quốc hội Moon Hee-sang tuyên bố sẽ đề xướng dự thảo luật đặc biệt về giải pháp bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến trong năm nay. Chủ tịch Quốc hội đề xuất thành lập “Quỹ tưởng nhớ và nhân quyền” bằng nguồn đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp và người dân hai nước, để chi trả tiền an ủi cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến và nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II.

 

Nội dung đề xuất

Đề xuất trên được Chủ tịch Quốc hội tham khảo từ mô hình “Quỹ tưởng nhớ, trách nhiệm và tương lai” (Foundation Remembrance, Responsibility and Future) do Chính phủ và các doanh nghiệp Đức thành lập năm 2000, để bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng ép lao động dưới thời Phát xít Đức trong quá khứ. Theo đó, “Quỹ tưởng nhớ và nhân quyền” sẽ do doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tự nguyện đóng góp, cộng với khoản quyên góp từ người dân hai nước. Phương án này mở rộng hơn phương án Chính phủ Hàn Quốc đề xuất với Nhật Bản tháng 6 vừa rồi về tài chính và đối tượng tham gia. Khi đó, Seoul kêu gọi Tokyo lập quỹ do doanh nghiệp hai nước tự nguyện đóng góp, chi trả tiền an ủi cho các nạn nhân đã được Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết bồi thường. Phương án của Chủ tịch Quốc hội bổ sung thêm đối tượng đóng góp là nhân dân hai nước. Thêm vào đó, đối tượng được hưởng tiền an ủi không chỉ có những người đã được Tòa án tối cao ra phán quyết, mà bao gồm cả những nạn nhân chưa khởi kiện Chính phủ Nhật Bản. Theo đề xuất này, nếu các nạn nhân đăng ký nhận tiền an ủi trong vòng một năm rưỡi kể từ khi luật đặc biệt có hiệu lực, thì sẽ được thẩm định có được chi trả tiền an ủi hay không. Khi quá trình chi trả tiền an ủi kết thúc, Hàn Quốc và Nhật Bản coi như đã hòa giải xong, và Nhật Bản được xóa trách nhiệm bồi thường.

 

Ý nghĩa

Phương án đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc có tính bao quát hơn phương án của Chính phủ. Trước đó, Tokyo đã phản đối Chính phủ Hàn Quốc, cho rằng phương án của Seoul không bao gồm giải pháp đối với những nạn nhân chưa khởi kiện Chính phủ Nhật Bản, có thể lên tới hàng trăm nghìn người. Nếu không giải quyết triệt để, vấn đề tương tự có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Moon Hee-sang đưa cả những nạn nhân chưa khởi kiện Chính phủ Nhật Bản vào đối tượng được chi trả tiền an ủi, giúp giải quyết lo ngại của Tokyo. Phương án này sẽ có thể giải quyết vĩnh viễn vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến, cũng như vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong chiến tranh.

 

Tranh cãi

Tuy nhiên, dư luận cho rằng đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc khó có thể trở thành giải pháp căn bản cho vấn đề, bởi trước tiên phương án này cần có sự đồng ý của Chính phủ Nhật Bản và các nạn nhân. Dù được chấp thuận, nhưng nếu các nạn nhân đã khởi kiện kiên quyết đòi nhận tiền bồi thường trực tiếp từ các doanh nghiệp tội phạm chiến tranh Nhật Bản, thì “Quỹ tưởng nhớ và nhân quyền” cũng sẽ không thể cưỡng chế chi trả tiền an ủi cho họ. Dù Quỹ được ra mắt, nhưng chỉ cần một trong số các nạn nhân không đồng tình thì mâu thuẫn tương tự vẫn có thể tái diễn.

 

Trên thực tế, các tổ chức dân sự đại diện cho các nạn nhân đã phản ứng tiêu cực về đề xuất của Chủ tịch Quốc hội. Ngày 27/11, hơn 20 tổ chức dân sự đã tổ chức họp báo trước trụ sở Quốc hội, bày tỏ lập trường phản đối phương án này. Họ cho rằng dự luật Chủ tịch Quốc hội đề xuất chỉ giải quyết mâu thuẫn ngoại giao Hàn-Nhật bằng cách trả tiền cho các nạn nhân, ép họ phải hòa giải và không được thực thi quyền lợi pháp lý thêm nữa. Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản vẫn tránh đề cập tới đề xuất này, có vẻ đang chờ đợi và nghe ngóng thêm tình hình.

Lựa chọn của ban biên tập