Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Doanh nghiệp bi quan về nền kinh tế do tác động của dịch corona-19

2020-02-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Dịch corona-19 lây lan mạnh tại Hàn Quốc khiến chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp giảm sâu nhất trong lịch sử, tiêu thụ nội địa đóng băng. Chính phủ đã quyết định lập ngân sách bổ sung để đối phó với dịch bệnh, khắc phục thiệt hại, vực dậy nền kinh tế. Một số ý kiến phân tích quy mô ngân sách bổ sung sẽ nằm trong khoảng 10.000 tỷ won (8,2 tỷ USD) đến 15.000 tỷ won (12,3 tỷ USD).

 

Tiêu thụ nội địa đóng băng

Sau khi số ca nhiễm corona-19 tăng vọt, lượng người dân sử dụng các cơ sở công cộng, đường cao tốc, tàu điện ngầm giảm rõ rệt. Mặc dù lượng khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng giảm, nhưng tốc độ lưu thông trên các tuyến đường ở trung tâm thủ đô Seoul lại nhanh hơn bình thường. Điều này cho thấy không phải người dân chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân, mà hạn chế luôn việc di chuyển bên ngoài. Hiện tượng này cho thấy sự co hẹp của tiêu thụ nội địa do lo ngại dịch corona-19 lây lan. Để nắm bắt tác động đến kinh tế của dịch corona-19, Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc đã lựa chọn hơn 30 chỉ số quan trọng để tiến hành rà soát hàng ngày. Trong các chỉ số này có lượng lưu thông trên các tuyến đường cao tốc; lượng hành khách đường sắt; lượng khách hàng sử dụng các cơ sở công cộng như rạp chiếu phim, công viên trò chơi; lượng giao dịch bằng thẻ nội địa tại trung tâm thương mại, siêu thị.

 

Doanh nghiệp bi quan về tình hình kinh tế

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 26/2 công bố “Chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp” (BSI) tháng 2. Trong đó, chỉ số BSI toàn ngành công nghiệp đạt 65 điểm, giảm tới 10 điểm so với tháng 1, mức giảm sâu nhất trong các kết quả điều tra của BOK tiến hành từ tháng 1 năm 2003 tới nay. Ở thời điểm bùng phát dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) tháng 6 năm 2015, thời điểm khủng hoảng tài chính châu Âu tháng 7 năm 2012, và thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 11 năm 2008, chỉ số này chỉ giảm sâu nhất là 9 điểm. 65 điểm cũng là mức thấp nhất của chỉ số BSI sau mức 63 điểm tháng 2 năm 2016, thời điểm xuất khẩu Hàn Quốc liên tục giảm do suy thoái kinh tế thế giới.

 

BSI phản ánh nhận định của các doanh nghiệp về tình hình kinh tế. Nếu chỉ số này lớn hơn mức tiêu chuẩn 100 nghĩa là phần lớn các doanh nghiệp nhận định lạc quan, thấp hơn 100 nghĩa là đa số các doanh nghiệp nhìn nhận bi quan về tình hình kinh tế. Mức giảm BSI càng lớn nghĩa là càng nhiều doanh nghiệp nhận định bi quan về tình hình kinh tế. Chỉ số BSI tháng 2 đặc biệt giảm sâu ở các doanh nghiệp sản xuất ô tô và các doanh nghiệp gia công kim loại có liên quan mật thiết tới ngành công nghiệp ô tô. Đó là bởi do ảnh hưởng của dịch corona-19, một số nhà máy ô tô trong nước đã phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc. Chỉ số này cũng giảm mạnh ở các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, vốn có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc. Trong lĩnh vực tiêu thụ nội địa, chỉ số BSI giảm mạnh ở các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kho bãi.

 

Ngoài ra, chỉ số BSI về triển vọng toàn ngành công nghiệp đạt 69 điểm, giảm 7 điểm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp lo ngại tình hình kinh tế sẽ còn diễn biến xấu hơn trong tháng 3. Chỉ số niềm tin kinh doanh (ESI), gộp từ chỉ số BSI và chỉ số lòng tin của người tiêu dùng (CSI), đạt 87,2 điểm, giảm 8,5 điểm, cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2009, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 

Xúc tiến lập ngân sách bổ sung

Chính phủ Hàn Quốc đang xúc tiến lập ngân sách bổ sung quy mô lớn, bất chấp lo ngại về gánh nặng tài chính. Đó là bởi chính giới cũng hoàn toàn đồng tình về việc lập ngân sách bổ sung nhằm đưa Hàn Quốc vượt qua dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại tới nền kinh tế. Giới chuyên gia nhận định nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, quy mô ngân sách bổ sung sẽ vào khoảng 10.000 tỷ won (8,2 tỷ USD). Ngược lại, nếu dịch bệnh kéo dài thì quy mô ngân sách bổ sung có thể sẽ lên tới 15.000 tỷ won (12,3 tỷ USD). Năm 2015, khi Hàn Quốc bùng phát dịch MERS, ngoài ngân sách bổ sung quy mô 11.600 tỷ won (9,5 tỷ USD), Chính phủ còn huy động nhiều nguồn tài chính khác, như các loại quỹ, tiền hỗ trợ từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, nên tổng quy mô tài chính khắc phục dịch bệnh khi đó lên tới 22.000 tỷ won (18,1 tỷ USD).

Lựa chọn của ban biên tập