Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc hối thúc Nhật Bản giải quyết vấn đề quy chế xuất khẩu

2020-05-16

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc đang hối thúc Nhật Bản sớm dỡ bỏ các biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu với ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, yêu cầu Tokyo đưa ra phương án giải quyết tới cuối tháng 5. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 12/5, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc đã kêu gọi Tokyo chấm dứt những mâu thuẫn không cần thiết, tăng cường hợp tác song phương trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

 

Hối thúc Nhật Bản dỡ bỏ quy chế xuất khẩu

Tại buổi họp báo trên, Bộ Công nghiệp chỉ ra rằng các lý do Nhật Bản đưa ra khi siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc đều đã được giải tỏa, tức là các điều kiện cần và đủ đều đã được đảm bảo, Tokyo không còn lý do gì để trì hoãn dỡ bỏ quy chế xuất khẩu. Khi siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc năm ngoái, Tokyo đã viện cớ hai bên dừng đối thoại chính sách xuất khẩu, Hàn Quốc thiếu “kiểm soát toàn diện” (Catch All) với mặt hàng vũ khí truyền thống, không đủ cơ cấu và nhân lực về quản lý xuất khẩu. Tuy nhiên, ngày 16/12 năm ngoái, đối thoại chính sách cấp Vụ trưởng Hàn-Nhật đã được nối lại sau ba năm gián đoạn. Hai bên đã họp tiếp lần hai vào ngày 11/3 năm nay qua video. Về vấn đề “kiểm soát toàn diện” vũ khí truyền thống, Hàn Quốc khẳng định vẫn đang kiểm soát bình thường và hiệu quả. Tuy nhiên, Seoul đã hoàn tất sửa đổi Luật Thương mại đối ngoại ngày 18/3 vừa qua nhằm làm rõ hơn về các căn cứ pháp lý liên quan, và sẽ bắt đầu thực thi nội dung sửa đổi từ ngày 19/6 tới. Liên quan tới lý do về cơ cấu, nhân lực quản lý xuất khẩu, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên đã tiến hành cải tổ, mở rộng bộ máy, nâng cấp “Ban An ninh thương mại” thành “Vụ Chính sách an ninh thương mại” từ ngày 6/5.

 

Siết chặt quy chế xuất khẩu

Để trả đũa phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc, yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân cưỡng ép lao động thời chiến, ngày 4/7 năm ngoái, Chính phủ Tokyo tuyên bố siết chặt quy chế xuất khẩu với ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc. Theo đó, khi xuất khẩu ba mặt hàng này sang Hàn Quốc, doanh nghiệp Nhật Bản thay vì được cấp phép toàn diện sẽ phải đệ trình cấp phép riêng biệt với từng đơn hàng. Tới tháng 8 cùng năm, Nhật Bản tiếp tục loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các nước được đơn giản hóa quy trình cấp phép xuất khẩu. Đáp lại, Hàn Quốc cũng tiến hành sửa đổi “Hướng dẫn xuất nhập khẩu vật tư chiến lược", xóa tên Nhật Bản khỏi “Danh sách trắng” các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu, đồng thời khởi kiện Tokyo lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tới ngày 22/11 năm ngoái, Phủ Tổng thống Hàn Quốc công bố gia hạn có điều kiện hiệu lực Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật (GSOMIA), và tạm dừng quy trình khởi kiện Nhật Bản lên WTO trong thời gian hai nước tiến hành đối thoại về chính sách quản lý xuất khẩu. Sau đó, đối thoại chính sách xuất khẩu cấp Vụ trưởng Hàn-Nhật đã được nối lại sau ba năm gián đoạn.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Lần này, Chính phủ Hàn Quốc đề ra thời hạn rõ ràng và yêu cầu Nhật Bản giải quyết vấn đề quy chế xuất khẩu, bởi Seoul cho rằng đã đến lúc Tokyo chứng tỏ thành ý. Hiện tại, các quy chế xuất khẩu của Nhật Bản chưa gây trở ngại lớn tới hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp hay sản xuất trong nước, nhờ những nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, giảm thiểu phụ thuộc vào Nhật Bản của Chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng bấp bênh này không thể cứ kéo dài, và những lý do Tokyo nêu ra đều đã được giải quyết. Trong cuộc điện đàm ngày 13/5 giữa Vụ trưởng Ngoại giao hai nước, Seoul và Tokyo tiếp tục nêu rõ lập trường về vấn đề này, cam kết sẽ thảo luận chặt chẽ trong thời gian tới. Nhưng nguyên nhân sâu xa của vấn đề quy chế xuất khẩu là từ phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc, yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân cưỡng ép lao động thời chiến. Một số ý kiến cho rằng Tokyo sẽ khó nhượng bộ nếu vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến chưa được giải quyết.

 

Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 13/5 phát biểu Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh năng lực cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp chế tạo Hàn Quốc di dời nhà máy ở nước ngoài về nước nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định.

Lựa chọn của ban biên tập