Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc xúc tiến chính sách phương Nam mới, thúc đẩy hợp tác kinh tế với ASEAN và Ấn Độ

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-11-19

ⓒ YONHAP News

Khái niệm chính sách phương Nam mới?

Ngày 13/11 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Singapore để tham dự một loạt các hội nghị thượng đỉnh như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 gồm các quốc gia Đông Nam Á và ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, hay Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN. Sau Singapore, Tổng thống Moon đã đến Papua New Guinea tham dự diễn đàn “Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương" (APEC). Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh Hàn-ASEAN lần thứ 20 diễn ra ngày 15/11 là cơ hội lớn để Tổng thống Moon Jae-in thúc đẩy sáng kiến “Chính sách phương Nam mới”, tăng cường hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Choi Jin-bong, nhà phân tích kinh tế và hiện là Giáo sư Khoa báo chí và truyền thông, trường Đại học Sungkonghoe, sẽ phân tích cụ thể về khái niệm và ý nghĩa của chính sách phương Nam mới.


Thương mại của Hàn Quốc đã và đang tập trung nhiều vào Mỹ, Nhật Bản ở phía Tây và Trung Quốc ở phía Đông. Tuy nhiên, hiện nay, Seoul đang tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế hướng tới Nga ở phương Bắc và các nước Đông Nam Á ở phương Nam. Cụ thể, Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến chính sách phương Nam mới, nhằm mục đích thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN. Mục tiêu đằng sau tầm nhìn mới này là nâng tầm mối quan hệ với ASEAN, sánh ngang mối quan hệ với 4 cường quốc. Hiện nay, các nước Đông Nam Á đang phát triển rất nhanh và nổi lên như một trong những trung tâm kinh tế hứa hẹn trên thị trường toàn cầu. Do đó, chính sách phương Nam mới dự kiến sẽ giúp Hàn Quốc tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trong tương lai.


Kết quả đạt được sau một năm của chính sách phương Nam mới Hàn-ASEAN?

Nhiều người đã tỏ ra lo ngại trước sự phụ thuộc quá lớn của Hàn Quốc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có mâu thuẫn với Nhật Bản về các vấn đề lịch sử nhạy cảm. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc cần tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á gồm Lào, Myanmar, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Singapore, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Philippines và Ấn Độ. Chính sách phương Nam mới gắn với một thuật ngữ mang tên “cộng đồng 3P”, trong đó 3P được ghép từ ba chữ cái đầu của “Con người” (People), “Hòa bình” (Peace) và “Thịnh vượng” (Prosperity). Không dừng ở sự hợp tác kinh tế, tầm nhìn mới này hướng tới một cộng đồng thịnh vượng nơi các quốc gia cùng phát triển. Ấn Độ và ASEAN đang nổi lên là những thị trường giàu tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tương ứng là 5% và 7%. Đặc biệt, Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Trên thực tế, chính sách phương Nam mới đã và đang đạt được những bước tiến đáng kể. Giáo sư Choi Jin-bong cho biết.  


Trong chuyến thăm Indonesia, Việt Nam và Philippines hồi năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất sáng kiến “chính sách phương Nam mới” và đưa ra thuật ngữ cộng đồng 3P như là khẩu hiệu hợp tác kinh tế Hàn-ASEAN. Tính đến tháng 10 năm nay, kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN đã đạt 132,1 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng, chính sách phương Nam mới đang từng bước mang lại những kết quả tích cực.


Thành tựu nổi bật trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng

Tổng thống Moon Jae-in đã có chuyến thăm tới 4 trên 10 nước thành viên của ASEAN trong năm qua, và dự định sẽ thăm 6 nước còn lại trong năm tới. Sau khi tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 7, Đệ nhất phu nhân Kim Jung-sook cũng có chuyến thăm riêng tới Ấn Độ vào đầu tháng này, phần nào thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hàn Quốc đến thị trường lớn nhất trong khu vực Nam Á này. Trong khi đó, xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay đã đạt tới 82,3 tỷ USD. Đặc biệt, theo cơ cấu, ngành xây dựng cơ sở hạ tầng đang thu hút được nhiều sự chú ý. Ông Choi Jin-bong phân tích.


ASEAN đã trở thành nguồn cung cấp đơn hàng lớn nhất về xây dựng cơ sở hạ tầng cho Hàn Quốc, sau khi vượt qua thị trường truyền thống Trung Đông trong lĩnh vực này. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, Hàn Quốc đã nhận được các đơn hàng xây dựng trị giá lên tới 9,9 tỷ USD từ các quốc gia mục tiêu trong chính sách phương Nam mới. Con số này chiếm tới 41% tổng giá trị các đơn hàng xây dựng của Hàn Quốc ở nước ngoài, cao hơn con số 8,6 tỷ USD và tỷ lệ 36% của thị trường Trung Đông. Tôi cho rằng Hàn Quốc còn rất nhiều cơ hội hợp tác xây dựng với các nước ASEAN. Theo đó, trong cuộc họp cấp bộ trưởng Hàn-ASEAN vào tháng 9, hai bên đã nhất trí về 20 dự án hợp tác xây dựng với 10 quốc gia ASEAN, bao gồm các dự án như nâng cấp tuyến đường số 8 tại Lào, xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh Kota Kinabalu ở Malaysia, phát triển tuyến đường cao tốc Yangon ở Myanmar và xây dựng mới sân bay Dumaguete ở Philippines.


Nhiệm vụ đặt ra đối với chính sách phương Nam mới

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp sản xuất chủ chốt của Hàn Quốc như thép, hóa dầu và năng lượng đang tạo dựng được chỗ đứng vững chắc tại Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ. Trước cơn bão súy thoái trên thị trường ô tô toàn cầu, các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc vẫn đạt được kết quả kinh doanh tốt tại thị trường Ấn Độ, với tốc độc tăng trưởng hàng năm lên tới 6,8%, khác với xu thế sụt giảm mạnh trên thị trường Mỹ và Trung Quốc. Lượng khách du lịch hai chiều trong năm nay giữa Hàn Quốc và ASEAN + Ấn Độ dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt qua con số 10 triệu người. Rõ ràng, chính sách phương Nam mới đang tạo ra những hiệu quả nhãn tiền. Giáo sư Choi Jin-bong nhận định.


Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cần xây dựng một nền tảng cơ chế, giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia mục tiêu, giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận nhanh hơn các thị trường trong khu vực. Chính phủ cũng cần xây dựng các chiến lược kinh tế dài hạn, tạo dựng lòng tin đối với các nước Đông Nam Á, hướng tới một mối quan hệ hợp tác song phương thay vì chỉ mang lại lợi ích cho một phía. Nếu thực hiện được những điều này, Hàn Quốc có thể xúc tiến chính sách phương Nam mới một cách hiệu quả hơn.


Hàn Quốc không phải là nước duy nhất hướng đến những thị trường giàu tiềm năng này. Do đó, Seoul cần xây dựng các kế hoạch cụ thể, khả thi để sáng kiến tốt đẹp này thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra một bước đột phá, giúp kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Lựa chọn của ban biên tập