Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chuyển sang đối đầu thuế quan

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-05-20

© YONHAP News

Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế 25% với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ


Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tổ chức đầu tháng này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào và hai nước dường như đang giáng trả nhau. Cụ thể, Washington đã tăng thuế từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, một tính toán được cho là nhằm đảm bảo vị thế cửa trên của Mỹ trên bàn đàm phán, khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang. Để đáp trả, Bắc Kinh cũng tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Mặc dù vẫn còn khả năng lãnh đạo Mỹ-Trung có thể thảo luận vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tháng tới, nhưng xung đột thương mại giữa hai nước đã bước sang cục diện mới, đó là cuộc chiến thuế quan. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Han Jae-pil, Giáo sư chuyên ngành thương mại quốc tế từ trường Đại học Soongsil, phân tích về diễn biến và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế Hàn Quốc. 


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang không có được vị thế chính trị trong nước thuận lợi, nên việc quá nhún nhường trước Mỹ có thể khiến quyền lực của ông bị suy yếu. Do đó, Bắc Kinh buộc phải có lập trường cứng rắn để đáp trả Washington, và điều này lý giải mức thuế trả đũa 25% của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Theo đó, khoảng 5140 mặt hàng của Mỹ xuất sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế từ 5% đến 25%. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lùi thời hạn áp thuế sang tháng 6. Nếu hai nước đạt được thỏa thuận trước hạn chót, các biện pháp thuế quan mới có thể sẽ được rút lại. 


Tác động đối với xuất khẩu của Hàn Quốc


Bước đi của Bắc Kinh được cho là mạnh tay hơn so với nhận định của các nhà quan sát tại nước này. Tuy nhiên, ngay sau đó, Washington thậm chí còn tung ra các biện pháp mạnh mẽ hơn, đó là mức thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, như Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố. Các đòn áp thuế “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu đỏ lửa. Chỉ trong ngày 13/5, 1.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán. Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi tác động từ cuộc chiến này. Ông Han Jae-pil lý giải. 


Dù không nhập quá nhiều thành phẩm, nhưng Trung Quốc hiện đang nhập nhiều hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc như phụ tùng và nguyên liệu. Do đó, nền kinh tế hai nước có mối liên kết chặt chẽ. Nếu xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng theo. Một số ý kiến cho rằng việc Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc ít đi, có thể tạo điều kiện cho Seoul xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Washington hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 6 tháng qua, dù kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng nhẹ, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn giảm. Điều này đã phần nào phản ánh sự phụ thuộc quá lớn của Hàn Quốc vào Trung Quốc. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.


Kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh G20


Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KITA) dự báo các biện pháp thuế mới của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu của Hàn Quốc thiệt hại 870 triệu USD. Ngành công nghiệp chíp bán dẫn, thép và hóa chất dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Hàn Quốc, một chỉ số đánh giá rủi ro tín dụng của một quốc gia, đã đạt mức cao nhất trong vòng ba tháng. Tỷ giá hối đoái won-USD cũng tăng mạnh, vượt qua mức 1.190 won đổi một USD vào phiên giao dịch ngày 14/5. Nền kinh tế Hàn Quốc cũng tăng trưởng âm trong quý I (-0,3%). Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. May mắn là Washington và Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng có một lối thoát cho các cuộc đàm phán. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề cập đến cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng sau. Giáo sư Han Jae-pil giải thích.


Quy mô kinh tế của cả hai nước sẽ bị thu hẹp do xung đột thương mại. Bắc Kinh hiện đang vật lộn với khủng hoảng thừa hàng tiêu dùng, trong khi người tiêu dùng Mỹ lại rơi vào tình trạng thiếu hàng. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới riêng Mỹ và Trung Quốc, mà còn tác động tới nhiều nước trên thế giới và giá cổ phiếu toàn cầu. Chính phủ nhiều nước đều hy vọng Washington và Bắc Kinh sẽ giải quyết các vấn đề thương mại càng sớm càng tốt.


Đối sách của Chính phủ trong tình hình hiện nay


Kịch bản tốt nhất là Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận trước khi đòn trả đũa bằng thuế quan mới có hiệu lực và lãnh đạo thượng đỉnh Mỹ-Trung có thể bắt tay hòa giải tại Hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản dự kiến vào hai ngày 28/6 và 29/6. Tuy nhiên, hy vọng là khá mong manh, bởi hai nước cần thảo luận một loạt các vấn đề lớn như quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, chuyển giao công nghệ, thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Do đó, Hàn Quốc cần chuẩn bị cho mọi kịch bản, bao gồm cả kịch bản tồi tệ nhất. Ông Han Jae-pil khuyến nghị.


Lĩnh vực đầu tiên sẽ chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, là giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Chính phủ cho rằng nền kinh tế sẽ không chịu ảnh hưởng lớn, song xét theo lượng xuất khẩu bị giảm trong suốt 6 tháng gần đây thì Hàn Quốc cần chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa thị trường tài chính sụt giảm. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đối mặt với khó khăn, nên Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp này trong khuôn khổ pháp lý, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính.


Nền kinh tế toàn cầu được cho là khó đoán định vào thời điểm hiện tại. Mặc dù tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là khó tránh khỏi, nhưng Hàn Quốc cần đề ra các đối sách kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.

Lựa chọn của ban biên tập