Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Kế hoạch ngân sách của Chính phủ Hàn Quốc năm 2020

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-12-16

© YONHAP News

Kế hoạch ngân sách lớn chưa từng cóTăng chi tiêu ngân sách để giải quyết các vấn đề kinh tế


Ngày 10/12, Quốc hội Hàn Quốc đã mở phiên họp toàn thể, thông qua dự thảo ngân sách năm 2020 với quy mô 512.300 tỷ won (khoảng 430 tỷ USD), tăng 9,1% so với năm ngoái. Như vậy, quy mô ngân sách năm tới sẽ vượt 500.000 tỷ won lần đầu tiên, năm thứ hai liên tiếp tăng hơn 9% so với năm trước, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009. Các khoản đặc biệt gây chú ý là ngân sách cho ngành công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tới 26,4%, cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng 18%, và cho xây dựng cơ sở hạ tầng tăng 17,6%. Chính phủ cũng tăng chi tiêu ngân sách cho phúc lợi, đặc biệt với đối tượng người cao tuổi, gia đình thu nhập thấp, trong bối cảnh số người trên 60 tuổi tăng 580.000 người/năm. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc có thể chỉ đạt dưới 2% năm nay và khoảng 2% vào năm tới, dư luận đang quan tâm liệu kế hoạch ngân sách lớn chưa từng có của Chính phủ có thể kích thích kinh tế phục hồi hay không. Trong mục “Tiêu điểm kinh tế” tuần này, ông Choi Bae-geun, Giáo sư khoa Kinh tế, trường Đại học Konkuk, phân tích kế hoạch ngân sách năm 2020. 


Tháng 10 vừa qua, Hàn Quốc đã quyết định từ bỏ vị thế nước đang phát triển về nông nghiệp trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng nghĩa Seoul sẽ không được hưởng các quy chế ưu đãi đối với nhập khẩu nông sản, và ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Do đó, Chính phủ đã quyết định tăng 180 triệu USD ngân sách cho ngành này. Trong năm tới, Chính phủ cũng kêu gọi tăng thêm 180 triệu USD để đối phó với tình trạng bụi nhỏ ngày càng tồi tệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Chính phủ cũng sẽ tăng ngân sách thêm 1,8 tỷ USD để nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất vật liệu, phụ tùng và thiết bị. Rõ ràng, sự gia tăng này liên quan đến các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghiệp chính của Nhật Bản sang Hàn Quốc. 


“Siêu ngân sách” nhằm tăng cường sức sống của nền kinh tế


Về cơ bản, kế hoạch ngân sách của Chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu. Ông Choi Bae-geun cho biết. 


Kinh tế toàn cầu đang mất dần động cơ tăng trưởng; môi trường thương mại quốc tế cũng xấu đi do những bất ổn ngày càng gia tăng, như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Kinh tế Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài. Trong bối cảnh các hộ gia đình và doanh nghiệp đang vật lộn với những khó khăn kinh tế, Chính phủ thường áp dụng biện pháp tài khóa chủ động để thúc đẩy khối kinh tế tư nhân, bởi kinh tế xấu đi sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm.


Duy trì nền tảng kinh tế đủ mạnh


Tháng trước, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 2%, giảm 0,2% so với mức dự báo trước đó; và hạ dự báo tăng trưởng năm tới xuống 2,3% thay vì 2,5% như đã dự báo. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc từ 2,1% xuống còn 2% năm 2019, và 2,4% xuống còn 2,3% năm 2020. Trong bối cảnh đó, Chính phủ dự kiến sử dụng 70% ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2020 để kích thích phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại ngân sách khổng lồ sẽ làm suy yếu nền tảng tài chính vững chắc của đất nước. Ông Choi Bae-geun đánh giá.


Chi tiêu chính phủ nhiều hơn chắc chắn sẽ làm gia tăng nợ công; nhưng tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ duy trì mức dưới 40%. Hiện nay tỷ lệ nợ công trên GDP của Nhật Bản là 240%, của Mỹ là hơn 100%. Ngay cả ở Đức, quốc gia tự hào về tài chính vững mạnh, tỷ lệ này cũng ở mức 60%. Dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye, Chính phủ đã duy trì tỷ lệ trong khoảng 45%. Mặc dù ngân sách năm tới tăng mạnh, nhưng Chính phủ đương nhiệm sẽ vẫn duy trì tỷ lệ dưới 40%. Tôi cho rằng nền tảng kinh tế quốc gia vẫn đủ mạnh. 


Làm thế nào để kế hoạch “siêu ngân sách” thực sự kích thích nền kinh tế?


Chính phủ dự định phát hành trái phiếu nhà nước trị giá 60.000 tỷ won (khoảng 54 tỷ USD) để tài trợ cho kế hoạch “siêu ngân sách”. Dù tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tăng thêm 2% lên mức 39,8%, nhưng Chính phủ cho biết vẫn kiểm soát được tình hình. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Mỹ cũng đánh giá đây là thời điểm thích hợp để Hàn Quốc áp dụng các biện pháp tài khóa mở rộng. Điều quan trọng là sử dụng ngân sách như thế nào để thực sự tiếp sức cho nền kinh tế. Giáo sư Choi Bae-geun nhận định.


Chính phủ cần sử dụng ngân sách để tạo ra những việc làm chất lượng. Công việc tốt giúp người dân có thêm thu nhập, khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn; tiêu dùng tăng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư. Do đó, tạo việc làm tốt hơn sẽ quyết định đến thành bại của sử dụng ngân sách. Chính phủ nên thúc đẩy các ngành công nghiệp mới thay thế ngành công nghiệp sản xuất truyền thống. 


Chính sách tài khóa chủ động là lựa chọn bắt buộc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ngày càng xấu đi. Chính phủ Hàn Quốc đã tăng ngân sách năm tới để tái tạo nền kinh tế đang trì trệ. Mặc dù vậy, ngân sách nhà nước cần được sử dụng đúng cách, hiệu quả, giúp nền kinh tế lấy lại động lực tăng trưởng, cải thiện nền tảng vững chắc.

Lựa chọn của ban biên tập