Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Nghị sự chính và ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-12-23

© YONHAP News

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật tác động mạnh đến bán đảo Hàn Quốc


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 23/12 và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) ngày 24/12. Diễn ra ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Hội nghị thượng đỉnh lần này hứa hẹn sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa ba nước khu vực Đông Bắc Á. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Giáo sư Kim Gwang-seok chuyên ngành nghiên cứu quốc tế, hệ sau đại học, trường Đại học Hanyang phân tích nghị sự và ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật lần này.


Seoul, Bắc Kinh và Tokyo sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế. Nghị sự chính bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng, nối lại quan hệ Mỹ-Triều, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, và các cuộc đàm phán FTA Hàn-Trung-Nhật đang diễn ra. Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh ba nước Đông Bắc Á chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế cả khu vực và toàn cầu. 


Nghị sự chính của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật?


Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên năm 1999 bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (gồm 10 nước Đông Nam Á và ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản), và tổ chức riêng lẻ từ năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay, ba nước mới chỉ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thêm hai lần, do sa lầy vào các cuộc xung đột lịch sử, chính trị và lãnh thổ. Seoul và Tokyo đã nảy sinh mâu thuẫn do những sai phạm trong quá khứ của Nhật Bản với Hàn Quốc, cũng như tranh chấp xung quanh các đảo nhỏ phía đông đảo Dokdo của Hàn Quốc, nơi Tokyo nhiều lần đưa ra yêu sách chủ quyền. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku, phía Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Quan hệ Hàn-Trung cũng xấu đi khi Bắc Kinh trả đũa Seoul vì triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Gần đây, Nhật Bản đã ban hành các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, khiến căng thẳng song phương càng gia tăng. Rõ ràng ba nước có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh ba bên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có các cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết giải nhiều quyết vấn đề “đau đầu” xoay quanh quan hệ Mỹ-Triều phức tạp. Ông Kim Gwang-seok cho biết.


Sau khi Seoul triển khai THAAD năm 2016, Bắc Kinh đã tiến hành các biện pháp trả đũa kinh tế đối với Hàn Quốc như ban lệnh cấm các nội dung làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ thảo luận dỡ bỏ lệnh cấm của Bắc Kinh, bởi đây là vấn đề quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Các chủ đề thảo luận khác bao gồm sáng kiến "Vành đai và con đường" (Nhất đới nhất lộ) của Trung Quốc và chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, đều hướng tới tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á. Có thể ba bên cũng sẽ thảo luận biện pháp thuyết phục Ấn Độ tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Một nội dung nữa không kém phần quan trọng là xung đột Mỹ-Triều và biện pháp thu hẹp bất đồng quan điểm xung quanh khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung của Mỹ tại Hàn Quốc.  


Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung và khả năng giải quyết xung đột


Các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên là nghị sự chính trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Moon Jae-in với Chủ tịch Tập Cận Bình sáng 23/12, và với Thủ tướng Lý Khắc Cường chiều cùng ngày. Để đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington, Bắc Kinh có thể sẽ gây ảnh hưởng tới Bình Nhưỡng, mở đường nối lại đối thoại Mỹ-Triều. Nếu kịch bản này diễn ra, rủi ro địa chính trị trên bán đảo Hàn Quốc sẽ giảm; và bất lợi kinh tế đối với Hàn Quốc cũng giảm theo. Giáo sư Kim Gwang-seok cho biết thêm. 


Sau chuyến thăm Hàn Quốc gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bắc Kinh đã đưa các công ty sản xuất pin Hàn Quốc vào danh mục các doanh nghiệp được nhận trợ cấp cho pin xe ô tô điện. Như vậy, Trung Quốc đã phần nào giảm nhẹ căng thẳng kinh tế với Hàn Quốc, và đây là thông tin đáng mừng. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm nội dung làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Kịch bản tốt nhất với Hàn Quốc là Trung Quốc chấm dứt toàn bộ lệnh cấm sau Hội nghị thượng đỉnh lần này.    


Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật gây chú ý 


Dưới sức ép của Chính phủ Trung Quốc, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Hàn Quốc năm 2017 chỉ đạt 4,17 triệu người, giảm 48% so với năm 2016. Kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức, quan hệ hai nước đã có dấu hiệu cải thiện, nhưng vẫn chưa khôi phục hoàn toàn. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội nối lại quan hệ Hàn-Trung. Bên cạnh đó, cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo dự kiến diễn ra ngày 24/12 cũng thu hút nhiều sự chú ý. Ông Kim Gwang-seok cho biết thêm.


Hàn Quốc và Nhật Bản là đối tác chiến lược trên thị trường toàn cầu. Thật đáng tiếc, quan hệ hợp tác này đã suy yếu đáng kể. Hội đàm thượng đỉnh Hàn-Nhật dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp giảm xung đột thương mại giữa hai nước, tránh đẩy tình hình vượt “giới hạn đỏ” trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh. Tôi cho rằng Tổng thống Moon và Thủ tướng Abe sẽ xem xét lại các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản với Hàn Quốc, thảo luận việc Seoul chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, đồng thời tìm kiếm các biện pháp giải quyết mâu thuẫn lịch sử nhức nhối xoay quanh phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho người dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến.


Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Nhật đạt được nhiều kết quả khả quan, quan hệ hai nước có thể sẽ khôi phục về trước thời điểm Tokyo ban hành các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc hồi tháng 7. Bên lề hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cũng tổ chức một diễn đàn chung, chia sẻ ý tưởng kinh doanh nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế ba bên, kích thích đầu tư và tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế khu vực Đông Bắc Á. Kết quả của hội nghị sẽ tác động đáng kể đến kinh tế và phát triển trong khu vực. 

Lựa chọn của ban biên tập