Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Dự báo kinh tế Hàn Quốc phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-05-11

ⓒ YONHAP News

Hàn Quốc có thể phục hồi hình chữ V sau dịch COVID-19


Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo do đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu năm nay sẽ trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Tuy nhiên, Hãng tin Bloomberg lại nhận định các cường quốc chế tạo và công nghệ như Hàn Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ theo đường “chữ V” sau cú sốc kinh tế ngắn hạn. Giáo sư Lim Chae-seong từ Khoa Quản trị công nghệ, trường Đại học Konkuk phân tích những dự báo lạc quan vừa qua. 


Dự báo chỉ ra rằng Hàn Quốc có nhiều cơ sở để phục hồi hình chữ V. So với các quốc gia khác, kinh tế Hàn Quốc có thế mạnh lớn ở lĩnh vực sản xuất, ít tổn thương hơn các ngành khác trong đại dịch COVID-19. Một may mắn nữa là nhu cầu về các sản phẩm công nghệ thông tin-truyền thông (ICT), thế mạnh của Hàn Quốc, đã tăng vượt bậc. 


Ngành chế tạo ít chịu tác động của dịch COVID-19


Hàn Quốc và Đài Loan là ví dụ cho dự báo “đường phục hồi chữ V” của Bloomberg, trích dẫn nhận định của kiến trúc sư trưởng về kinh tế của Citigroup Cartherine Mann, từng là Chuyên gia kinh tế chủ chốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Ngược lại, các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch như Thái Lan, Singapore dự kiến sẽ rơi vào suy thoái “chữ L”, với nền kinh tế chạm đáy, khủng hoảng dài hạn. Nói cách khác, những quốc gia có cơ cấu công nghiệp khác nhau sẽ trải qua đường phục hồi khác nhau. Tại Hàn Quốc, sản xuất chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu công nghiệp, trong khi ngành dịch vụ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và tài chính, ngành sản xuất chiếm tới 27,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, cao hơn tỷ lệ tương ứng của các nước có cơ cấu công nghiệp tương tự như Đức và Nhật Bản. Đặc biệt, các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông của Hàn Quốc đã bùng nổ xuất khẩu trong đại dịch COVID-19, bất chấp những điều kiện không thuận lợi từ bên ngoài. Bên cạnh đó, tình hình việc làm của ngành sản xuất cũng đạt những con số tương đối khả quan. Ông Lim Chae-seong cho biết.


Tại Mỹ, các thông báo tuyển dụng ngành giải trí, dịch vụ, thực phẩm, bất động sản và dịch vụ bán buôn giảm trung bình 43% từ ngày 2/3 đến 30/3, trong khi ngành sản xuất giảm 30%. Điều này phần nào phản ánh ngành sản xuất chịu ít tác động hơn các ngành công nghiệp khác. Các dữ liệu cũng cho thấy tình hình tương tự tại Hàn Quốc.


Tâm lý người tiêu dùng tháng 4 vẫn đóng băng


Tại Hàn Quốc, số người có việc làm nghỉ phép tạm thời trong tháng 3 đã tăng lên 1,6 triệu người, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp và cửa hàng phải tạm dừng kinh doanh do đại dịch COVID-19. Ngành công nghiệp bán buôn, bán lẻ, nhà hàng có 205.000 người mất việc; ngành dịch vụ, giáo dục có 200.000 người phải nghỉ tạm thời. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất và khai thác khoáng sản chỉ có 53.000 trường hợp tạm nghỉ. Ngành chế biến thực phẩm và vật tư y tế thậm chí đã tuyển dụng thêm lao động. Sau khi có dấu hiệu phục hồi do tái cơ cấu mạnh mẽ, ngành công nghiệp đóng tàu tiếp tục duy trì đà khôi phục. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để “kê cao gối”. Nếu dịch COVID-19 không được dập tắt hoàn toàn, ngành sản xuất chắc chắc cũng sẽ chịu đòn chí mạng. Mặc dù dịch bệnh đã thuyên giảm đáng kể tại Hàn Quốc nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn. Nếu virus lây lan trở lại, các nhà máy sản xuất có thể sẽ phải đóng cửa bất kỳ thời điểm nào. Nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Hàn Quốc có thể co hẹp trong quý II do hệ lụy từ sự lây lan nhanh của đại dịch ở Bắc Mỹ, châu Âu trong tháng 3. Chính phủ Hàn Quốc cần hỗ trợ ngành sản xuất địa phương thông qua các chính sách hiệu quả hơn nhằm duy trì hệ sinh thái trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Giáo sư Lim Chae-seong lý giải.


Ngành công nghiệp sản xuất bị nhiều người coi là lỗi thời. Tuy nhiên, trong xu thế công nghiệp chuyển hướng theo hình thức kỹ thuật số, ngành sản xuất đang trải qua những thay đổi cấu trúc mạnh mẽ. Từ những năm 2010, Mỹ và Đức đã bắt đầu nuôi dưỡng ngành chế tạo như một ngành công nghiệp mới; tới năm 2015, Trung Quốc cũng có động thái tương tự. Các nước tập trung vào ngành sản xuất được tin tưởng là sẽ dẫn dắt nền kinh tế thế giới trong 30 năm tới. Trong ấn phẩm “The Next Production Revolution” (Cuộc cách mạng sản xuất kế tiếp”), OECD coi sản xuất là ngành công nghiệp mới có tiềm năng tăng trưởng. Tại Hàn Quốc năm 2018, nhiều người đã kêu gọi Chính phủ tăng cường đầu tư vào ngành này như một ngành công nghiệp chiến lược. Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa đánh thức tầm nhìn này.


Triển vọng ngành sản xuất mới trước cuộc khủng hoảng COVID-19


Đã có nhiều ý kiến cho rằng kỷ nguyên của sản xuất đã kết thúc. Ngành này được cho là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường, bị kỳ thị là ngành công nghiệp “khói” với giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, giữa đại dịch COVID-19, ngành chế tạo đã nổi lên như là “phao cứu sinh” cho kinh tế toàn cầu. Dự án hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất khởi đầu từ năm 2010 dự kiến sẽ có thêm động lực. Tất nhiên, Hàn Quốc không thể bị tụt hậu so với xu thế toàn cầu. Giáo sư Lim Chae-seongcho biết.


Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, ngành sản xuất mới, tiêu biểu là nhà máy thông minh, ngày càng trở nên quan trọng. Các nhà máy thông minh kết hợp mạng Internet vạn vật (IoT), hệ thống “song sinh kỹ thuật số”, và trí tuệ nhân tạo (AI). “Song sinh kỹ thuật số” là mô hình ảo mô phỏng sản phẩm, dịch vụ, quy trình để dự đoán kết quả (là bản sao chính xác của bản thể vật lý nhưng có các thuật toán IoT để liên tục thu thập dữ liệu và gửi về cho máy chủ). Nói một cách dễ hiểu, ngành sản xuất mới chính là chuyển đổi số trong ngành công nghiệp. Hàn Quốc được kỳ vọng là có nhiều lợi thế để xây dựng ngành sản xuất mới. Nhiều người tin rằng ngành công nghiệp sản xuất sẽ trải qua những thay đổi cách mạng trong tương lai không xa. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 khiến chúng ta nhận ra tương lai đó đang gần hơn bao giờ hết. Nếu giải quyết được bài toán này, Seoul có thể phục hồi đường chữ V trong thời gian ngắn. Về lâu dài, Chính phủ có thể đưa ra chiến lược hiệu quả với tầm nhìn 30 năm.


Dự kiến các nước trên thế giới sẽ lao vào một cuộc chiến khốc liệt để cạnh tranh trong ngành sản xuất thời kỳ hậu COVID-19. Hàn Quốc cần nuôi dưỡng ngành công nghiệp sản xuất mới dựa trên kết nối dữ liệu để duy trì vị thế cường quốc sản xuất thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập