Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

“Siêu chu kỳ” trong ngành công nghiệp bán dẫn

#Tiêu điểm kinh tế l 2021-02-01

ⓒ Getty Images Bank

Bùng nổ nhu cầu chíp bán dẫn


Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu trong năm ngoái, nhiều người đã phải ở nhà để tránh virus lây lan. Kết quả là doanh số bán điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, thiết bị gia dụng đều tăng trưởng mạnh; và nhu cầu về chíp bán dẫn cũng tăng theo. Theo đó, các nhà sản xuất chíp bán dẫn đã phải tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu, vốn đã vượt quá nguồn cung. Nhu cầu chíp bán dẫn bùng nổ dự kiến sẽ tiếp diễn trong một khoảng thời gian, và dư luận đang chú ý đến cuộc cạnh tranh giữa công ty điện tử Samsung (Hàn Quốc) và công ty chế tạo chíp bán dẫn TSMC (Đài Loan). 


Thách thức đến từ các đối thủ TSMC và Intel


Ngày 28/1, công ty điện tử Samsung công bố lợi nhuận kinh doanh năm 2020 đạt 32,5 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, mức lợi nhuận cao thứ tư trong lịch sử. Trong đó, lợi nhuận từ mảng chíp bán dẫn đạt 17 tỷ USD trên tổng doanh thu 65,6 tỷ USD, chiếm hơn một nửa lợi nhuận kinh doanh của cả tập đoàn. Song, con số này vẫn thấp hơn lợi nhuận kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh như Intel (Mỹ) và TSMC (Đài Loan). Theo các nhà phân tích, gần 90% lợi nhuận kinh doanh về chíp bán dẫn của điện tử Samsung đến từ chíp nhớ, được cho là bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố cung và cầu, khó đảm bảo lợi nhuận ổn định. Ngược lại, gã khổng lồ đóng gói chíp TSMC lại gần như không bị ảnh hưởng bởi sự biến động về giá chíp nhớ. Ông Ahn Ki-hyun, cán bộ cấp cao thuộc Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc (KSIA) phân tích cơ hội và chiến lược cho các nhà sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc, trước siêu chu kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn. 


Điện tử Samsung sản xuất cả chíp nhớ lẫn chíp bán dẫn hệ thống không có đặc tính nhớ. Trên thực tế, giá chíp nhớ đã dao động mạnh trong năm 2019 và 2020, góp phần nới rộng khoảng cách lợi nhuận kinh doanh giữa Điện tử Samsung và hãng TSMC. Trong khi đó, các nhà đóng gói chíp, tức các công ty kinh doanh mảng sản xuất ủy thác, sẽ chịu trách nhiệm sản xuất, đóng gói chíp theo đơn đặt hàng của các công ty thiết kế chíp. Cũng có công ty như Intel sở hữu cả cơ sở sản xuất chíp riêng; nhưng do chi phí đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn không sở hữu cơ sở sản xuất chíp riêng như vậy, mà gửi bản thiết kế để đặt hàng từ các xưởng đúc chíp. Nếu có công ty chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế chíp bán dẫn hệ thống (còn gọi là Fabless), thì cũng có số khác chuyên sản xuất ủy thác, đóng gói chip (còn gọi là Foundry). TSMC là công ty đóng gói chíp lớn nhất thế giới. 


Sự phát triển nhanh của hãng TSMC 


Năm ngoái, lợi nhuận kinh doanh của TSMC đạt 20 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với của điện tử Samsung, với tỷ suất lợi nhuận đạt tới 42,3%. Mặc dù năm 2018, lợi nhuận kinh doanh của gã khổng lồ công nghệ Đài Loan chỉ bằng một phần ba so với Samsung, nhưng chỉ sau ba năm tình hình đã thay đổi, TSMC đã nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu, trở thành công ty bán dẫn lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa trên thị trường. Cụ thể, tính theo giá trị vốn hóa, TSMC có giá trị gấp hơn hai lần so với hãng Intel, và cao hơn hẳn điện tử Samsung. Năm ngoái, trong khi giá cổ phiếu của hãng điện tử Samsung tăng 50%, thì giá cổ phiếu của TSMC đã tăng tới hơn 100%. Ông Ahn Ki-hyun cho biết. 


TSMC là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đóng gói chíp đầu tiên trên thế giới. Hãng này hiện sở hữu các dây chuyền sản xuất chíp bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa thị trường đóng gói chíp toàn cầu. Được trang bị tất cả các công nghệ sản xuất chíp, gã khổng lồ công nghệ Đài Loan có thể đáp ứng mọi đơn đặt hàng của khách hàng. 


Hai gã sản xuất ủy thác chíp hàng đầu


Vậy, tại sao một công ty sản xuất ủy thác chíp như TSMC có thể nổi như cồn như hiện nay? Sự phát triển nhanh của hãng này được cho là sự thay đổi lớn trên thị trường chíp bán dẫn. Cùng với sự xuất hiện và phổ biến của mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G), trí tuệ nhân tạo (AI) và các phương tiện tự lái, tỷ trọng các chíp chuẩn hóa đang giảm dần; thay vào đó, các doanh nghiệp như Apple, Amazon và Google đang thiết kế và đặt các chíp tùy chỉnh riêng. TSMC hiện đang chiếm hơn một nửa thị trường đóng gói chíp toàn cầu. Ông Ahn Ki-hyun giải thích.


TSMC đã tạo ra một ngành kinh doanh mới, trở thành công xưởng đóng gói chíp toàn cầu, giữ vững vị trí số một trong lĩnh vực này. Trên thực tế, chỉ TSMC và Samsung là đầu tư vào mảng sản xuất ủy thác chíp bán dẫn công nghệ cao. Các doanh nghiệp muốn sản xuất chíp bán dẫn tiên tiến buộc phải đặt hàng một trong hai hãng này, và hai gã khổng lồ công nghệ cần đảm bảo năng lực đáp ứng nhu cầu bán dẫn đang ngày càng gia tăng trên thị trường toàn cầu. 


Bài toán đặt ra với Điện tử Samsung


Năm ngoái, Samsung chiếm 16,4% thị phần trên thị trường đóng gói chíp bán dẫn toàn cầu, xếp ngay sau TSMC. Trong khi gã khổng lồ công nghệ Đài Loan có kế hoạch đầu tư vào cơ sở sản xuất lên tới 27 tỷ USD trong năm nay, công ty Điện tử Samsung cũng từng công bố vào năm 2019 kế hoạch đầu tư 115 tỷ USD trong vòng 10 năm để mở rộng mảng kinh doanh chíp nhớ và mảng đóng gói chíp. Có thể nói, cuộc chiến giành ngôi bá chủ giữa điện tử Samsung và TSMC đã bắt đầu. Ông Ahn Ki-hyun nhận định.  


Điện tử Samsung là nhà sản xuất chíp nhớ số một thế giới, sở hữu công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực này. Nhưng để cạnh tranh với TSMC, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cần mở rộng các cơ sở sản xuất, tích lũy kinh nghiệm, trau đồi công nghệ về đóng gói chíp, để thu hút thêm nhiều khách hàng. Ngành công nghiệp đóng gói chíp bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ được dẫn dắt bởi TSMC và Samsung. Tôi hy vọng doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng, như kế hoạch đầu tư công bố năm 2019.


Mặc dù không đưa ra con số cụ thể về mảng đóng gói chíp, nhưng hãng điện tử Samsung cam kết mở rộng đầu tư cơ sở vật chất chiến lược trong ba năm tới, thúc đẩy các thương vụ mua và sáp nhập có ý nghĩa. Các công ty đóng gói chíp khác của Hàn Quốc như DB HiTek, đứng thứ 10 trên thế giới, và SK Hynix System IC, công ty con tập trung vào mảng sản xuất ủy thác chíp của SK Hynix, đang nỗ lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tận dụng “siêu chu kỳ” bán dẫn, để có được bước tăng trưởng nhảy vọt một cách có ý nghĩa.

Lựa chọn của ban biên tập