Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

150 năm những người dân bán đảo Hàn Quốc di cư đến Liên Xô cũ

2014-10-28

[Đồng bào Cao Ly và cuộc di cư có lịch sử 150 năm]Vậy là đã 150 năm, kể từ khi người Cao Ly (tên các nước thuộc Liên xô cũ gọi người dân tộc Hàn) di dân và định cư ở Trung Á và vùng Primorsky, Viễn Đông (Nga). Năm nay, những người con tha phương đã trở về quê hương để tham gia nhiều sự kiện kỷ niệm dấu mốc lịch sử đầy ý nghĩa này. Vào ngày 12 tháng 10 năm 2014, những Hàn kiều trở về từ vùng Trung Á và Nga đã tề tựu tại thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, và ca vang những bài hát tiếng Hàn trong chương trình kỷ niệm di dân 150 năm. Do xa quê đã lâu, nên phát âm tiếng Hàn của kiều bào có phần vụng về, gượng gạo, nhưng ai cũng bồi hồi xúc động khi được trở về trong vòng tay của đất mẹ. Bà Yukai Tamara chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi vượt qua chặng đường xa xôi để trở về quê hương, tìm hiểu về lịch sử cội nguồn của dân tộc mình. Tôi cũng rất xúc động trước sự tiếp đón thịnh tình, đầy cởi mở và chân thành của đồng bào tại Hàn Quốc. Những bài hát như “Mùa xuân của quê hương”, “Arirang” quả là những khúc ca tuyệt vời của Hàn Quốc. Tôi không phải là người Uzbekistan mà là người Hàn."

Tuy thế hệ Hàn kiều trẻ ngày nay không có nhiều ký ức về Hàn Quốc, nhưng ngay từ nhỏ, họ đã được ông bà, bố mẹ dạy về cội nguồn và luôn ý thức về dòng máu dân tộc Hàn của mình. Do đó, họ cùng cất lên khúc ca “Mùa xuân của quê hương” khi thương nhớ quê cha đất tổ và coi dân ca Arirang như bài hát của dân tộc.

"Đại bộ phận dân di cư sang Nga là dân của tỉnh Hamgyeong (nay thuộc Bắc Triều Tiên). Khu vực này đất đai cằn cỗi, không phát triển được nông nghiệp nên đời sống rất khó khăn. Do vậy mà từ những năm 1860, một bộ phận người dân đã vượt sông Duman (con sông chảy giữa biên giới Bắc Triều Tiên và Trung Quốc hiện nay) để tìm đất canh tác nông nghiệp. Vào mùa xuân, họ vượt biên sang Nga để trồng trọt, chăn nuôi rồi quay trở về nước sau vụ thu hoạch vào mùa thu. Nhưng việc vượt biên vô cùng nguy hiểm, những ai bị bắt đều khó giữ được mạng sống. Vào năm 1863, có 14 gia đình gồm khoảng 60 người dân tỉnh Hamgyeong đã vượt biên và canh tác tại lưu vực sông Tizinhe thuộc địa phận của nước Nga. Những người dân Cao Ly đã đệ đơn xin định cư và được Chính phủ Nga chính thức chấp thuận vào năm 1864. Và từ đó, Nga bắt đầu gọi họ là người Cao Ly."

Đúng như lời giải thích của Giám đốc Bảo tàng lịch sử di dân Kim Sang-ryeol, năm 1864 chính là mốc đầu tiên đánh dấu quá trình di cư của một bộ phận người trên bán đảo Hàn Quốc của triều đại Joseon trong cuộc đấu tranh sinh tồn thoát khỏi nạn mất mùa, đói nghèo và tìm cơ hội mới ở vùng duyên hải nước Nga. Tiếp đó, vào năm 1869, sau năm mất mùa lớn ở phía Bắc bán đảo Hàn Quốc, đã có hơn 10.000 người dân rời quê hương đi tìm cuộc sống mới. Vào đầu thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Hàn Quốc trong những năm 1920, số dân di cư đã tăng gấp ba lần với con số 170.000 người và chiếm một phần tư dân số nông thôn của thành phố Vladivostok. Tuy nhiên đến năm 1937, do lo ngại có gián điệp Nhật Bản trà trộn trong dân nhập cư, Chính phủ Liên xô cũ đã cưỡng chế người dân bán đảo Hàn Quốc định cư ở Primorsky, Viễn Đông (Nga) phải chuyển đến khu vực Trung Á. Ông Kim Sang-ryeol giải thích: "Cuộc cưỡng chế di cư vào năm 1937 vô cùng tàn khốc. Chỉ vì hai tờ sắc lệnh do Chính phủ Liên xô cũ ban ra mà đã có hơn 170.000 dân Cao Ly phải di chuyển quãng đường dài hơn 6.000 km. Trước đó, đã có hơn 2.000 nhà lãnh đạo dân Cao Ly bị thanh trừng và rất nhiều người già, trẻ em đã thiệt mạng trong quá trình đi bằng tàu hỏa. Họ đã vô cùng lo sợ và bất an. Khu vực Trung Á đầu tiên mà người Cao Ly đặt chân đến là thành phố nhỏ Ustobe (nay thuộc nước Kazakhstan). Đoàn người bị bỏ lại giữa cánh đồng xơ xác, tiêu điều vào đúng những ngày cuối tháng 10 lạnh giá."

Người dân Cao Ly lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, họ không hề được trợ giúp về nhà ở và điều kiện sinh hoạt như những gì Chính phủ Liên xô cũ đã hứa. Tuy phải vượt qua mùa đông đầy lạnh giá, khổ ải với sự giúp đỡ của dân tộc Kazakhstan, nhưng chính dòng máu bất khuất, kiên cường của dân tộc Hàn đã giúp người Cao Ly đứng lên xây dựng đời sống mới. Ông Kim Sang-ryeol kể: "Người dân Cao Ly bắt đầu đào hang để xây nhà, khai hoang để canh tác. Dân tộc chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng tinh thần học hỏi cần cù và thái độ làm việc siêng năng, chăm chỉ. Tuy đời sống vất vả, nhưng người Cao Ly vẫn quyết tâm gìn giữ các món ăn truyền thống của dân tộc và dần khôi phục sinh khí của cả cộng đồng. Hiện nay, trong 106 tộc người sinh sống trên đất nước Kazakhstan, người Cao Ly là dân tộc được kính trọng và nể phục nhất."



[Lễ hội "We are the one"]Sau khi nhà nước Liên xô cũ sụp đổ dẫn tới sự thành lập của nước Nga và 11 quốc gia độc lập khác, cộng đồng người thiểu số Cao Ly cũng bắt đầu có những thay đổi mới. Một bộ phận trở về quê hương Hàn Quốc mong tìm một cuộc sống ổn định, nhưng bản thân họ lại không nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm từ những người dân bản địa. Trong bối cảnh đó, các hoạt động kỷ niệm nằm trong khuôn khổ của lễ hội “We are the one” (Chúng ta là một) mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự kiện này do Hiệp hội xúc tiến kỷ niệm 150 năm di dân của đồng bào Cao Ly và thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, phối hợp tổ chức. Ông Kim Seung-ryeok, Giám đốc Trung tâm dạy tiếng Hàn buổi tối cho người Cao Ly mang tên “Neomeo” (có nghĩa là “cho” theo tiếng Nga), cho biết:"Trên thực tế, thông tin về người Cao Ly ít được biết đến tại Hàn Quốc. Có nhiều người Hàn còn nhầm tưởng đó là người có dòng họ từ thời Goryeo (tức Cao Ly) hay là người Trung Quốc. Chúng tôi đã tổ chức lễ hội này để khắc phục tình trạng thiếu kiến thức về lịch sử và hoàn cảnh sinh sống, phát triển của người Cao Ly tại Hàn Quốc. Đặc biệt, kiều bào Cao Ly vẫn phải chịu nhiều đau khổ và thiệt thòi trong xã hội Hàn Quốc. Do mai một kỹ năng nói tiếng Hàn, nên người Cao Ly khó thích nghi với cuộc sống tại Hàn Quốc. Ngoài ra, người Cao Ly không còn chỗ đứng tại chính các nước Trung Á do nền kinh tế nơi đây không mấy khả quan và do Chính phủ các nước này giành ưu tiên cho dân tộc bản xứ, phân biệt đối xử với những người “không nguyên gốc”. Bởi vậy, chúng tôi quyết tâm quan tâm đến họ để kêu gọi xã hội Hàn Quốc hãy hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng người Cao Ly."

Đây là lễ hội đầu tiên tại Hàn Quốc quảng bá, giới thiệu về lịch sử di dân của người Cao Ly. Ông Kim Seung-ryeok giải thích thêm về những lý do đặc biệt khác:"Lễ hội được tổ chức tại Ansan bởi đây là thành phố có 6.000 người trong tổng số 30.000 người Cao Ly sinh sống tại Hàn Quốc. Có thể coi Ansan là thành phố trung tâm của cộng đồng người Cao Ly tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, chính những người dân Ansan cũng không nhận thức rõ về sự hiện diện của đồng bào Cao Ly trong khu dân cư của mình. Bởi vậy, lễ hội này được kỳ vọng như một cây cầu nối, giúp người dân Ansan có cơ hội hiểu biết và giao lưu, chia sẻ với cộng đồng Cao Ly."

Điệu múa quạt do đồng bào Cao Ly sinh sống tại Hàn Quốc thể hiện càng khiến cho khách tham quan lễ hội cảm nhận rõ rệt hơn về mối dây liên kết của cội nguồn dân tộc. Một người Cao Ly phụ trách gian hàng ẩm thực trong lễ hội chia sẻ: "Đây là gian ẩm thực giới thiệu những món ăn tại Trung Á đã cải biến theo khẩu vị của dân tộc Cao Ly. Có cả màn thầu nước, màn thầu chiên, bánh làm từ bột gạo. Đồng bào Cao Ly đầu tư công sức để chuẩn bị công phu cho gian hàng này nhằm giới thiệu ẩm thực Cao Ly đến với đông đảo người dân Hàn Quốc."; "Chúng tôi cũng rất vui vì người dân Hàn Quốc ăn ngon những món người Cao Ly làm."

Du khách đến tham quan đã phần nào thấu hiểu và cảm nhận về cuộc sống và văn hóa của người Cao Ly thông qua chính những món ăn chứa đầy tấm thịnh tình của các kiều bào: "Người Cao Ly dường như là bộ tộc rất xa vời trong lịch sử, nhưng khi tham gia lễ hội này tôi biết được họ ở rất gần với chúng ta."; "Tôi không ngờ là người Cao Ly ở Hàn Quốc lại nhiều đến thế. Rất mong là trong tương lai, xã hội chúng ta sẽ quan tâm đến cộng đồng người Cao Ly nhiều hơn."; "Tôi mong rằng thông qua lễ hội này, dân tộc chúng ta sẽ trở nên đoàn kết hơn và tạo ra môi trường thuận lợi để đồng bào Cao Ly an cư lạc nghiệp tại Hàn Quốc với tư cách là những người anh em ruột thịt đích thực chứ không phải là người ngoại quốc."

Tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất trong lễ hội “We are the one” chính là màn biểu diễn của đoàn nghệ thuật quốc gia Cao Ly, tổ chức nghệ thuật dân tộc Hàn đầu tiên được thành lập tại nước ngoài. Ông Kim Sang-ryeol, Giám đốc Bảo tàng lịch sử di dân giới thiệu: "Nhà hát nghệ thuật Cao Ly là nhà hát nghệ thuật của dân tộc Hàn được thành lập tại thành phố Vladivostok (Nga) vào năm 1932. Tên gọi ban đầu là đoàn nghệ thuật Joseon Wondongbyeongang (Viễn Đông biên cương). Lấy trụ sở chính ở thành phố Vladivostok nhưng đoàn hoạt động theo hình thức lưu động, đi diễn tại nhiều nơi dựa trên nguồn cảm hứng từ văn học cổ điển Hàn Quốc và phong trào độc lập, phong trào vận động của người nông dân. Đoàn nghệ thuật được coi là hiện thân cho tiếng nói và đời sống, tâm tư tình cảm của người Cao Ly nơi đất khách. Đây còn là tiền thân của Nhà hát nghệ thuật Cao Ly hiện đang hoạt động tại thành phố Almaty, Kazakhstan. Kể từ sau khi bị Chính phủ Liên xô cũ cưỡng chế di cư vào năm 1937, đoàn nghệ thuật đã trở thành cơ quan văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Cao Ly."

Nhà hát nghệ thuật Cao Ly đã có lịch sử hơn 82 năm và có vai trò then chốt trong việc duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, đây lại là buổi công diễn đầu tiên của đoàn tại quê hương. Chủ đề của vở công diễn của Nhà hát nghệ thuật Cao Ly, nơi không bao giờ để tuột mất tâm hồn văn hóa trong suốt 150 năm lưu lạc, chính là “Nối kết bằng vận mệnh duy nhất”. Những nghệ sỹ Cao Ly hòa mình trong dòng chảy dân tộc cùng các bài hát dân ca truyền thống Hàn Quốc. Ca sĩ Kim Jo-ya thuộc Nhà hát nghệ thuật Cao Ly chia sẻ: "Tôi đã rất run vì lo không biết phát âm và tiếng hát của tôi có chuẩn xác hay không, giai điệu có giống với bài hát truyền thống hay không. Vì đây là đoàn nghệ thuật quốc gia, là trung tâm văn hóa duy nhất của đồng bào Cao Ly nên trách nhiệm đối với mỗi nghệ sĩ lại càng nặng nề hơn. Trung tâm phải có trách nhiệm truyền tải cả văn hóa, nghệ thuật và ngôn ngữ đến đông đảo công chúng. Có rất nhiều người trẻ ngày nay đã quên mất tiếng Hàn, bản thân tôi thỉnh thoảng vẫn còn lắp bắp. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người đã quan tâm và hưởng ứng các hoạt động của trung tâm. Việc bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ của nghệ sỹ chúng tôi."

[Triển lãm “Hồn dân tộc thăng hoa từ mảnh đất hoang”]Để hưởng ứng dịp kỷ niệm 150 năm di dân của đồng bào Cao Ly, Bảo tàng lịch sử di dân Hàn Quốc đã tổ chức một buổi triển lãm đặc biệt mang chủ đề “Hồn dân tộc thăng hoa từ mảnh đất hoang”. Giám đốc bảo tàng Kim Sang-ryeol giới thiệu: "Chủ đề chính của buổi triển lãm này là “tiếng mẹ đẻ”. Đã có ba cơ quan văn hóa do người Cao Ly sáng lập nhằm gìn giữ tiếng nói của dân tộc Hàn Quốc. Đó là Trường đại học sư phạm Cao Ly, Báo Cao Ly và Nhà hát nghệ thuật Cao Ly. Trường đại học sư phạm Cao Ly đã bị giải thể ngay sau năm bị cưỡng chế di cư. Buổi triển lãm lần này được chia thành bốn phần chính nhằm nhấn mạnh vai trò truyền tải, quảng bá tiếng Hàn của Nhà hát nghệ thuật Cao Ly và vai trò gìn giữ tiếng mẹ đẻ của Báo Cao Ly."

Nhà hát nghệ thuật Cao Ly và Báo Cao Ly là hai cơ quan văn hóa có ý nghĩa đặc biệt trong công cuộc bảo tồn, duy trì bản sắc dân tộc, tiếp thêm dũng khí cho người dân Cao Ly trong suốt nhiều năm tha hương, lưu lạc. Phần thứ nhất của triển lãm kể câu chuyện cuộc đời các biên kịch, đạo diễn điện ảnh, nhạc sĩ hoạt động trong Nhà hát nghệ thuật Cao Ly. Ông Kim Sang-ryeol cho biết thêm: "Nhân vật được giới thiệu đầu tiên là biên kịch Han Jin. Ông là người Cao Ly xin tị nạn từ Bắc Triều Tiên. Ông vừa làm ở Báo Cao Ly, vừa viết nhiều vở kịch ngắn cho đoàn nghệ thuật Cao Ly. Nhân vật tiếp theo là đạo diễn điện ảnh Son Lavrentii, một nghệ sĩ nổi tiếng rất được kính trọng tại Kazakhstan. Triển lãm có trưng bày tấm áp phích quảng bá bộ phim “Mảnh đất hứa” do ông thực hiện, tái hiện lại thời kỳ bị cưỡng chế di cư. Nhân vật tiếp theo là nhạc sĩ Khan Yakov, người soạn nhạc cho Nhà hát nghệ thuật Cao Ly và làm đạo diễn cho đoàn ca múa nhạc Arirang. Vào năm 2004, 2005, ông đã đi khắp Trung Á để gặp gỡ và ghi âm lại những bài hát của người Cao Ly. Về sau công trình này đã được xuất bản thành sách và đây là cuộn băng do ông dày công sưu tập."



Phần hai của triển lãm giới thiệu về các nhân vật tiêu biểu hoạt động trong Báo Cao Ly như nhiếp ảnh gia Ahn Victor, các tác phẩm và sự nghiệp của thi sĩ kiêm nhà báo Kim Byeong-hak. Ngoài ra, còn có rất nhiều tư liệu, các số báo thể hiện nỗ lực giữ gìn tiếng mẹ đẻ và hồn dân tộc của Báo Cao Ly. Giám đốc Kim Sang-ryeol nói: "Báo Cao Ly được thành lập năm 1923. Lúc đầu tờ báo có tên là Nhật báo 3-1, nhân kỷ niệm bốn năm phong trào đấu tranh chống Nhật ngày 1 tháng 3 năm 1919. Ba số đầu tiên được xuất bản dưới tên Nhật báo 3-1, sau đó được phát hành với tên Seonbong (tức Tiên phong). Riêng ở khu vực Viễn Đông từng có khoảng 17 tòa soạn và tạp chí cùng hoạt động phục vụ kiều bào, nhưng trong đó báo Tiên phong được biết đến rộng rãi nhất. Trong thời điểm người Cao Ly bị cưỡng chế di cư, tất cả tòa soạn này bị giải thể, các nhân viên của tòa soạn báo Tiên Phong đã mang theo toàn bộ khuôn in chữ tiếng Hàn. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng tòa soạn đã hoạt động trở lại dưới cái tên Lenin Gichi và phát hành báo tiếng Hàn cho cộng đồng Cao Ly. Sau khi chế độ Liên xô cũ sụp đổ và Kazakhstan trở thành quốc gia thống nhất, tòa soạn đổi tên thành Báo Cao Ly như ngày hôm nay. Năm nay đánh dấu 91 năm thành lập của tờ báo quan trọng này."

Phần ba mang chủ đề “Bốn nhân vật văn hóa Almaty” (tên một thành phố của Kazakhstan) trưng bày tư liệu điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh do những người yêu văn hóa dân tộc Cao Ly sưu tầm và gìn giữ. Phần bốn với chủ đề “Bè bạn”, kể chuyện đồng bào Cao Ly giúp đỡ quá trình tổ chức buổi triển lãm này. Thông qua hai cơ quan văn hóa tiêu biểu là Nhà hát nghệ thuật Cao Ly và Báo Cao Ly, khách tham quan như được ngồi trên cỗ máy thời gian để trải nghiệm hành trình tha hương trong suốt 150 năm thăng trầm của người Cao Ly.

Đồng bào Cao Ly là những người con Hàn Quốc tha hương đến tận nước Nga và vùng Trung Á xa xôi. Những hoạt động kỷ niệm 150 năm di dân của đồng bào Cao Ly vừa là lời nhắc nhở chúng ta về lịch sử, vừa mở ra phương hướng mới cho hòa hợp dân tộc và thổi vào trái tim mỗi người tình đồng bào thắm thiết.

Lựa chọn của ban biên tập