Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sự trở lại của các ca sĩ thập niên 1990

2014-11-04

[Các ca sĩ thuộc thế hệ sinh năm 1970]Nam ca sĩ Kim Dong-ryul đã ra mắt ca khúc mới “Đó chính là anh”, ca khúc chủ đề nằm trong album thứ sáu mang tên “Đồng hành” vào ngày 1 tháng 10 năm 2014, sau ba năm vắng bóng. Giọng ca trầm ấm mang bản sắc riêng của Kim Dong-ryul được thể hiện trên nền giai điệu nhẹ nhàng, truyền cảm đã đưa ca khúc này đứng đầu bảng xếp hạng các trang mạng âm nhạc, cũng như chiếm vị trí số một trong chương trình Music Bank của đài KBS vào ngày 17 tháng 10 vừa qua.

Lần đầu sau 12 năm, ca khúc của Kim Dong-ryul đã đứng đầu bảng xếp hạng của chương trình âm nhạc Hàn Quốc. Tuy ít xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, và chỉ tập trung vào hoạt động biểu diễn cá nhân, nhưng giọng ca vang bóng một thời này vẫn khẳng định được uy lực và sức hấp dẫn đặc biệt của mình qua sự trở lại đầy ấn tượng lần này. Không kém cạnh đồng nghiệp, ca sĩ Seo Tai-ji cũng đã có màn tái xuất thành công với ca khúc “Phường Sogyeok”.

“Phường Sogyeok” là ca khúc nằm trong album thứ chín mang tên Quiet Night” (Đêm yên lặng), album đánh dấu sự trở lại của Seo Tai-ji sau năm năm không hoạt động trên sân khấu âm nhạc. Ca khúc tái hiện lại hình ảnh của phường Sogyeok, quận Jongno (Seoul) gắn liền với những kỷ niệm từ thời niên thiếu của Seo Tai-ji khi sống tại đó. Những ca khúc được phát hành kế tiếp bài hát “Phường Sogyeok” cũng đã “gây bão” trên các bảng xếp hạng âm nhạc.
Giữa bối cảnh các ca sĩ, nhóm nhạc tuổi teen đang thống trị làng âm nhạc đại chúng trong nước, các ca sĩ thuộc thế hệ sinh năm 1970 sau thời gian dài vắng bóng, đã khẳng định được tài năng chín muồi và vị thế đầy thuyết phục trên các bảng xếp hạng âm nhạc mùa thu năm nay. Cùng với sự trở lại thành công của các ca sĩ gạo cội, người yêu nhạc đang kỳ vọng vào một thời kỳ Phục hưng thứ hai của nền âm nhạc Hàn Quốc.

Ngoài hai tên tuổi vừa đề cập trên, làng nhạc Hàn Quốc còn hân hoan đón chào các gương mặt thân quen khác như nhóm The Classic vốn nổi tiếng với ca khúc “Lâu đài kỳ diệu”, nay trở lại sau 15 năm với album mang tên “Memory & a step” cùng ca khúc chủ đề “Với chúng ta”. Nam ca sĩ Yoon Sang trở lại sau năm năm với ca khúc “Nếu em muốn an ủi anh”; nhóm nhạc nam GOD tái ngộ fan sau chín năm với ca khúc “Cơn gió” cùng buổi công diễn thu hút hơn 40.000 khán giả. Người yêu nhạc Hàn Quốc chia sẻ cảm nhận trước sự trở lại rầm rộ của các nghệ sĩ gạo cội: "Tôi thấy rất phấn khởi, có cảm tưởng như chúng tôi đã tìm lại được những điều rất gần gũi, thân thuộc."; "Khi xem các ca sĩ biểu diễn, tôi nhớ lại những kỷ niệm trong quá khứ và thấy xúc động, cảm nhận được nhiều điều hơn. Sự đồng cảm này rất khó tìm thấy trong các bài hát gần đây."; "Đang quen với tiết tấu nhanh với những điệp khúc ngắn, mạnh và lặp đi lặp lại của các ca sĩ thần tượng, khi chuyển sang nghe lại những bài hát cũ, những điệu ballad xưa khiến tôi cảm thấy thư thái tâm hồn."; "Tôi đã nghe rất nhiều các ca khúc của nhóm Noise hay R.ef. Có cảm giác thật phấn chấn, bồi hồi khi được hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa."



[Các hoạt động biểu diễn hoạt động sôi nổi]Sự trở lại của những ca sĩ từng làm mưa làm gió không chỉ hâm nóng bảng xếp hạng mà còn thổi lên một luồng gió mới vào các hoạt động âm nhạc khác như biểu diễn. Nhà phê bình âm nhạc Pi Jeong-woo cho biết: "Gần đây, nền âm nhạc đã trở nên đơn điệu cùng sự nổi lên của ca sĩ thần tượng. Tuy nhiên, làng nhạc Hàn Quốc trong mùa thu năm nay không còn mang tính “một màu” của các ca sĩ thần tượng, mà như được nâng lên một tầng cao mới về cảm xúc, sự tinh tế trong phong cách thể hiện, với sự xuất hiện của các bậc ca sĩ tiền bối. Phản ứng tích cực của cả các nghệ sĩ là những người sản xuất âm nhạc cũng như các khán thính giả, đóng vai trò là người tiêu thụ, có thể đã đóng góp vào xu hướng này. Mùa thu vốn là mùa của sự cô đơn và chính âm nhạc sẽ hoàn thiện và lấp đầy những khoảng trống cô đơn đó. Nhờ có các ca sĩ như Lee Seung-hwan, Kim Dong-ryul đều là những giọng ca ballad cừ khôi, nên mùa thu năm nay dường như trở nên tinh tế và dào dạt cảm xúc hơn."

Trong vòng hai, ba năm trở lại đây, đã có rất nhiều sáng tác âm nhạc, các bộ phim điện ảnh, truyền hình lấy quá khứ làm nguồn cảm hứng và đề tài sáng tác. Ca khúc nhạc nền “Phác họa ký ức” trong bộ phim “Đại cương Kiến trúc học” đã khơi dậy nỗi đồng cảm của người xem về một tình yêu đầu trong sáng, ngây thơ. Những bộ phim truyền hình lấy bối cảnh những năm 1990 cũng có sức hấp dẫn đặc biệt khi phản ánh phong thái, tâm tư, cảm xúc của cả một thế hệ thanh niên trong giai đoạn chuyển mình của dân tộc. Bên cạnh đó, lớp ca sĩ trẻ hiện nay cũng đóng góp một phần không nhỏ trong phong trào tái hiện những sáng tác kinh điển xưa qua những album “cover lại”.

Vào tháng 5 năm 2014, nữ ca sĩ 21 tuổi IU đã thành công khi tái hiện quá khứ, bằng việc trình làng album gồm bảy ca khúc hát lại những ca khúc nổi tiếng trong thập niên 1980, 1990 của Hàn Quốc, ví dụ như bài “Câu chuyện ngày xưa của tôi” của ca sĩ tiền bối Jo Deok-bae. Cả một thế hệ người nghe nhạc Hàn Quốc đã cùng chìm đắm trong tình yêu hãy những nỗi đau, niềm luyến tiếc trong mỗi ca khúc đầy thổn thức.

Được sự hưởng ứng nhiệt thành từ phía khán giả với những ca khúc thời oanh liệt, các ca sĩ thập niên 1990 cũng vô cùng hào hứng và ngập tràn nhiệt huyết trong những dự án âm nhạc mới. Ca sĩ Kim Kwang-jin, một thành viên của nhóm nhạc gồm hai giọng ca nam The Classic, đã cảm nhận được nhu cầu của thị trường âm nhạc hiện nay muốn nghe lại các sáng tác cách đây 20 năm và đã mạnh dạn phát hành album mới thể hiện phong cách và cá tính của nhóm The Classic. Ca sĩ Kim Kwang-jin cho biết: "Nhóm nhạc của chúng tôi đã dừng hoạt động sau khi phát hành ba album ca nhạc và mỗi thành viên đều bận rộn với cuộc sống riêng của mình. Nhưng tôi đã nhận được nhiều động viên phát hành album mang tên “The Classic”, và bản thân tôi cũng cảm nhận được những phản ứng tích cực của khán giả khi nghe các giai điệu của thập niên 1990 trong các chương trình tuyển chọn âm nhạc trong vài năm trở lại đây. Bởi vậy tôi rất vui mừng về những giá trị và ý nghĩa mới trong album vừa ra mắt của mình."

[Những phong cách sáng tác mới]Những gương mặt đang gây bão trên các sân khấu âm nhạc gần đây phần lớn là ca sĩ kiêm người viết nhạc như The Classic, Kim Dong-ryul, Seo Tai-ji, Yoon Sang... Do đó, họ trực tiếp giao lưu với khán giả bằng chính những sáng tác và phong cách đặc trưng của mình và cũng thể nghiệm khả năng trên nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Nhà phê bình âm nhạc Pi Jeong-woo giải thích: "Làng nhạc Pop Hàn Quốc thập niên 1990 được gọi là thời kỳ Phục hưng bởi đây là thời kỳ thăng hoa của nhiều thể loại, phong cách âm nhạc đa dạng, phong phú. Đặc biệt, điều quan trọng làm nên vinh quang cho âm nhạc giai đoạn này chính là sự xuất hiện và cạnh tranh đầy sôi nổi của các ca sĩ kiêm nhạc sĩ tài năng. Bên cạnh những bản ballad, có rất nhiều những ca khúc gợi nhớ quá khứ như bài “Hãy quay lại và nhìn tôi” của Deux, “Em trong ký ức nhạt nhòa của anh” của Hyun Jin-yeong, “Câu chuyện anh muốn nghe em kể” và “Yêu đương của thế hệ mới” của nhóm 015B, “Thiên thần mất cánh” của nhóm Roo'ra, “Hoàn sinh” của ca sĩ Yoon Jong-shin..."



Đặc biệt, ca khúc “Lý do” nằm trong album thứ hai phát hành năm 1993 của ca sĩ Kim Gun-mo đã đưa thể loại âm nhạc Reggae có nguồn gốc từ Jamaica nổi lên tại làng nhạc Hàn Quốc. Nhà phê bình âm nhạc Pi Jeong-woo giải thích thêm: "Ca sĩ Kim Gun-mo có vai trò như người mở đường giới thiệu âm nhạc của người da đen đến với công chúng tại Hàn Quốc. Trong những năm 1990, ông còn được mệnh danh là Stevie Wonder của Hàn Quốc bởi phong cách âm nhạc tự do, độc đáo của mình."

Cố ca sĩ Shin Hae-chul mới qua đời vào ngày 27 tháng 10 năm 2014 đã được mệnh danh là “ma vương” trên sân khấu nhạc thập niên 1990. Ông chính là người đầu tiên đưa lời đệm rap vào ca khúc ballad mềm mại đầy cảm xúc. Ca khúc “Xin chào” của ông được phát hành năm 1990 là một phá cách hiếm thấy trong làng nhạc Hàn Quốc khi đó. Nhà phê bình âm nhạc Pi Jeong-woo nói tiếp: "Ca khúc này chính xác được phát hành vào năm 1990. Đây là một bản ballad với nhịp điệu trung bình mid tempo nhưng lại được ca sĩ quả cảm phá cách với những đoạn rap. Sự cách tân này đã tạo khác biệt rõ ràng so với âm nhạc thập niên 1980 và cho thấy sự đa dạng, phong phú của âm nhạc thập niên 1990."

Đặc biệt, cố ca sĩ Shin Hae-chul đã có những bước đi táo bạo khi kết hợp ballad với các thể loại hiện đại như Electronic, Heavy Metal. Chính sự thử nghiệm thành công này đã đưa nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc lên một tầm cao mới. Nhà phê bình âm nhạc Pi Jeong-woo tiếp lời: "Shin Hae-chul là nghệ sĩ đầu đàn của thể loại Progressive rock tại Hàn Quốc. Ông khởi đầu sự nghiệp với tư cách là một ca sĩ solo thần tượng. Tuy nhiên không thỏa mãn với vai trò này, ông đã tự sáng lập nên ban nhạc rock N.EX.T và thành công trong việc đưa rock đến với đông đảo người yêu nhạc Hàn Quốc. Không chỉ dừng lại ở những phong cách phổ biến như rock 'n' roll, hard rock, ông đã tiến thêm một bước trong việc giới thiệu và đại chúng hóa các thể loại phức tạp hơn như Progressive rock. Bởi vậy quả không sai khi khẳng định Shin Hae-chul là ca sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu cho làng nhạc Hàn Quốc thập niên 1990."

Bên cạnh phong cách đặc trưng, các ca sĩ thập niên 1990 cũng thử sức trên nhiều thể loại âm nhạc và tìm kiếm mối dây đồng cảm với khán giả qua từng ca khúc. Cũng bởi vậy mà họ đã dành thời gian đầu tư và chăm chút cho các sản phẩm âm nhạc của mình nhiều hơn. Ca sĩ Kim Kwang-jin chia sẻ: "Những năm 1990 được coi là thời đại hoàng kim của âm nhạc đại chúng, bởi thực ra thời kỳ đó chưa nở rộ các loại hình văn hóa khác như phim ảnh, buổi hòa nhạc riêng. Chỉ cần một ca sĩ ra mắt album mới thì đó sẽ là một sự kiện văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn. Hồi đó, ít khi có đĩa đơn, và một album luôn chứa đựng hơn 10 bài hát. Người hâm mộ cũng rất kiên nhẫn, tập trung để nghe và cảm nhận tính thông suốt và sự phát triển trong phong cách âm nhạc của một ca sĩ qua hơn chục ca khúc trong album. Tuy nhiên, ngày nay lại rất ít có người nghe nhạc đủ kiên nhẫn để nghe hết cùng lúc các ca khúc trong một album."

Trên nền giai điệu đa dạng, lời ca trong vòng ba, bốn phút cũng là một yếu tố quan trọng để chiếm được cảm tình của người nghe. Ca sĩ Kim Kwang-jin nói tiế"Ca từ ngày nay cũng khác xưa rất nhiều, rất thẳng thắn, đề cao tính chân thực, gần gũi và khơi gợi cảm xúc bằng những điệp khúc mạnh mẽ có khi xuất hiện các biểu hiện được cho là không hợp. Các ca khúc ngày xưa tập trung vào cốt truyện, tình huống và các biểu hiện mang tính văn học."

Ballad chính là ngôi sao sáng trên sân khấu âm nhạc thập niên 1990 với lời ca mượt mà, cảm xúc. Một ca sĩ tiêu biểu cho dòng ballad thời kỳ này là Shin Seung-hun, giọng ca trầm ấm của anh như rung lên những sợi dây cảm xúc trong trái tim người nghe nhạc. Anh được gọi là hoàng đế ballad với các album đạt kỷ lục bán hàng triệu bản và cả 10 album đều được bầu chọn là đĩa nhạc vàng.

Sau sự tái xuất hiện đầy vẻ vang của cây đại thụ âm nhạc Cho Yong-pil, các ca sĩ của thập niên 1990 cũng đang hào hứng lấp đầy sân khấu âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Những ca sĩ, nhạc sĩ với tài năng thiên bẩm và nhiệt huyết dồi dào hứa hẹn sẽ kiến tạo nên thời kỳ Phục hưng thứ hai đầy huy hoàng. Nhà phê bình âm nhạc Pi Jeong-woo nhận định: "Âm nhạc những năm 1990 chính là nền móng cho sự phát triển âm nhạc đại chúng hiện nay. Vì thế, để những ca sỹ gạo cội này có thể phát huy hết tài năng và sức ảnh hưởng của mình thì cũng đòi hỏi sự phát triển của làng nhạc hiện tại. Đây cũng là cơ hội quý giá để lớp ca sĩ trẻ vốn đã quen với hệ thống âm nhạc hiện đại có thể học hỏi và tiếp thu các kỹ năng cần thiết về âm vực, tính sáng tạo để trở thành những nghệ sĩ đích thực. Âm nhạc Hàn Quốc từ năm 2010 cho đến nay có thể gọi là thiếu chiếc “xương sống” định hướng phong cách âm nhạc. Tuy nhiên sự trở lại của các ca sĩ tên tuổi từ thập niên 1990 hứa hẹn sẽ tạo nên một bước ngoặt mới, một thời kỳ Phục hưng thứ hai của nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc."

Lựa chọn của ban biên tập