Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nghệ thuật bốn loại nhạc cụ gõ Samulnori xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-03-06

Âm điệu ngàn xưa


Nghệ thuật 4 loại nhạc cụ gõ Samulnori nổi tiếng thế giới của Hàn Quốc

Phèng Kkwaenggwari, trống Buk, chiêng Jing và trống phong yêu Janggu là những nhạc cụ của nghệ thuật 4 loại nhạc cụ gõ Samulnori nổi tiếng của Hàn Quốc trên toàn cầu. Có người cho rằng Samulnori là âm nhạc truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc, nhưng trên thực tế Samulnori mới có chiều dài lịch sử hình thành và phát triển được 40 năm, từ năm 1978. Tuy nhiên, Samulnori lại không phải là nghệ thuật mới được sáng tác vì khắp các địa phương vẫn vừa tồn tại, vừa kế tục được những giai điệu nhạc gõ gọi là Pungmul Garak. Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, văn hóa làng xã ở Hàn Quốc dần bị mai một đi. Theo đà đó, văn hóa truyền thống cũng dần dà bị quên lãng. Trước bối cảnh ấy, các nghệ sĩ trẻ trong các gánh hát Namsadang lúc đương thời đã đưa giai điệu truyền thống Pungmul Garak thường được nhiều người tham gia nhảy múa biểu diễn trên các bãi đất trống rộng trong làng, lên sân khấu và chỉ do 4 nghệ sĩ ngồi biểu diễn. Lúc mới đầu, đa phần đều lắc đầu tặc lưỡi và tỏ ra nghi ngờ. Nhưng khi âm nhạc nổi lên thì khán thính giả hết thảy đều ngỡ ngàng bất ngờ trước các sắc thái nghệ thuật tinh tế được thể hiện trong từng nhịp điệu mà các nghệ sĩ trẻ đưa vào dòng âm nhạc này. Đó là các nghệ sĩ Kim Yong-bae, Kim Deok-su, Lee Gwang-su và Choi Jong-sil. 


Khán thính giả người nước ngoài cũng đều kinh ngạc trước những âm thanh vang vọng đầy hứng khởi và cuồng nhiệt phát ra từ 4 loại nhạc cụ gõ trông khá đơn giản và nhỏ gọn. Thông thường thì mọi người đều cho rằng nhịp điệu, giai điệu và hòa âm là ba yếu tố thiết yếu trong âm nhạc. Nhưng điều này chỉ đúng trong âm nhạc phương Tây. Trên thế gian còn có biết bao thể loại âm nhạc không hòa âm. Ví như cốt lõi của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc là Garak (giai điệu), tương ứng với Melody và Jangdan (nhịp), tương ứng với Rhythm trong âm nhạc phương Tây. Melody trong âm nhạc phương Tây chỉ dòng nhịp điệu cao thấp của các loại đàn huyền cầm, trong khi đó thì Garak trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc còn được dùng để thể hiện giai điệu và nhịp điệu của cả các nhạc cụ gõ như chiêng, trống. Jangdan (giai điệu) cũng tương tự như Rhythm, nhưng mang phạm trù ý nghĩa rộng hơn. Ví như Jinyangjo là nhịp điệu chậm, Hwimori là nhịp nhanh. Hay Dodeuri thì có một phần tư cung 6 nhịp, Jajinmori có một phần tám cung 12 nhịp. Gutgeori cũng có một phần tám cung 12 nhịp, nhưng lại là Jangdan khác Jajinmori hoàn toàn. Jangdan khá đa dạng và là một trong những nét độc đáo của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Và trống phong yêu Janggu là nhạc cụ đảm trách phần nhịp điệu cho hầu hết nhạc phẩm.


Nghệ thuật múa hát lên đồng ở Hàn Quốc

Bà Kim Jeong-hee, người kế tục nghệ thuật múa hát lên đồng Byeolsingut của vùng ven biển phía Đông của Hàn Quốc thường tự giới thiệu mình là Hwaraengi. Hwaraengi là người chơi nhạc trên chiếu đồng. Ông đồng bà đồng cũng có hai loại. Một là Seseupmu, tức người nối dõi gia nghiệp từ đời này qua đời khác. Hai là Gangsinmu, tức người được thần nhập và bỗng dưng trở thành ông đồng bà đồng. Các ông đồng bà đồng ở khu vực phía nam sông Hàn và khu vực phía Tây dãy núi Taebaek thuộc tỉnh Gangwon, đa phần đều là Seseupmu. Các gia đình ông đồng bà đồng nếu sinh con gái thì người con này sau này sẽ trở thành bà đồng, còn nếu sinh con trai thì người đó sau này sẽ trở thành người chơi nhạc cho chiếu đồng. Ông đồng bà đồng theo nghiệp gia Seseupmu được đánh giá có trình độ nghệ thuật cao trong lĩnh vực âm nhạc và nhảy múa. Nhịp điệu nhạc cụ gõ trong âm nhạc lên đồng của vùng Gangwon nổi tiếng là phức tạp. Âm nhạc và vũ đạo của các nhạc phẩm như Sinawi hay Salpuri trong nghệ thuật hát kể chuyện Pansori chịu ảnh hưởng khá lớn từ âm nhạc lên đồng của vùng Gyeonggi và Namdo (tức các tỉnh Nam và Bắc Jeolla). Hàn Quốc đã từng có thời nghiêm cấm nghệ thuật múa hát lên đồng vì cho đây là tư tưởng mê tín dị đoan, bôi nhọ thuần phong mỹ tục. Trên thực tế, âm nhạc truyền thống là kho báu của dân tộc và ngày càng có nhiều người nhận thức một cách đúng đắn những giá trị cao quý này. Bài toán đặt ra cho thế hệ trẻ ngày nay là làm thế nào để âm nhạc truyền thống phản ánh được đời sống và tâm tư tình cảm của con người trong xã hội hiện đại. 


* Nhạc phẩm Samulnori “Yeongnam Nongak” / Kim Yong-bae, Kim Deok-su, Lee Gwang-su và Choi Jong-sil 

* Nhạc phẩm Gutjanggo / Kim Jeong-hee (trống phong yêu Janggu)

* Nhạc phẩm “Noreummachi Sinawi” / nhóm nhạc Noreummachi 

Lựa chọn của ban biên tập