Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tình cha nghĩa mẹ trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-05-08

Âm điệu ngàn xưa


[Lòng mẹ]

Xung quanh chúng ta, hiện có rất nhiều người tích cực và đi tiên phong trong hoạt động phúc lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật và cứu trợ các loài động vật đang gặp nguy cơ do nạn rác thải nhựa. Khi được hỏi rằng vì sao họ lại lao tâm khổ tứ với những hoạt động có thể nói là không mang lại lợi nhuận cũng như không phải lúc nào cũng được hoan nghênh như thế, thì họ trả lời rằng họ làm những việc đó là vì muốn để lại cho thế hệ sau một thế giới tốt đẹp hơn. Xưa kia, khi y học còn chưa phát triển thì việc nuôi con khỏe mạnh là việc quan trọng hàng đầu trong mỗi gia đình. Rồi con cái lại còn được ăn no mặc ấm nữa thì còn gì bằng. Thời thế thay đổi, khi xã hội Hàn Quốc xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp xuất thân, những người làm cha làm mẹ lại chấp nhận bớt ăn bớt mặc, bóp mồm bóp miệng để đầu tư cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Càng ngày, tư tưởng của các bậc cha mẹ càng tiến bộ và giờ thì họ muốn tạo dựng một thế giới an toàn, chính nghĩa và nhân văn cho con em mình. Nếu là vì con thì các bậc sinh thành đâu có quản ngại gì việc thay đổi cả thế giới. 

Ngày nay, sống trong một thế giới đầy đủ vật chất, học rộng biết nhiều, con người ta dễ quên đi những ngày mẹ cha cực nhọc nuôi nấng chăm sóc mình và thậm chí có khi còn coi thường cha mẹ. Trước những cảnh này, những người cao tuổi thường nói rằng phải sinh con thì mới biết lòng cha mẹ. Có một bài báo trên mạng viết rằng: “Ngày xưa, mẹ tôi vẫn bảo rằng sau này mày cứ đẻ rồi nuôi một đứa giống hệt mày thì mày mới hiểu được lòng mẹ lúc này...Và rồi khi đứa con giống hệt tôi ra đời thì nó lại tiếp tục lớn lên trong vòng tay mẹ”. Ngẫm mà thấy cha mẹ chúng ta sống cả đời vì nghĩa vụ với con cái, hậu thế. Lúc nhỏ thì cố gắng để làm tròn bổn phận làm con. Đến khi trưởng thành thì còng lưng phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi dạy con cái. Đến lúc con cái trưởng thành, tưởng có thể được duỗi lưng nghỉ ngơi thì lại đầu tắt mặt tối trông cháu cho con. Khúc hát Hoesimgok (Hối tâm khúc) của tỉnh Gyeonggi có những ca từ nói về tấm lòng của cha mẹ đối với con cái, rằng “Chọn chỗ khô ráo đặt con nằm, mình ăn cái đắng dành cho con cái ngọt, tối ngày chỉ một lòng cầu Trời khấn Phật cho con nên người”. Ca từ câu hát nghe có vẻ xưa cũ, nhưng tấm lòng của người làm cha làm mẹ hướng về con cái thì xưa nay đâu có gì khác biệt.


[Ý nghĩa của khúc hát “Hối tâm khúc”]

Nhiều người hay nói “hình như mình già rồi thì phải”, vì càng ngày càng thấy thích âm nhạc truyền thống. Có lẽ âm nhạc truyền thống chính là phương tiện có thể truyền tải cảm xúc khi con người ta từng trải và bắt đầu hiểu thế nào là sự đời. Hoesimgok (Hối tâm khúc) vốn là khúc hát có nguồn gốc từ nghi thức Phật giáo. Trong các nghi lễ Phật giáo, các nhà sư thường ngân nga âm nhạc Phật giáo Beompae (Phạm bái) bằng tiếng Ấn Độ hoặc Hán tự, nên người nghe khó có thể hiểu hết được nội dung của khúc hát. Thế nên, khi nghi lễ sắp đến hồi kết, các nhà sư sẽ diễn giải nội dung âm nhạc Beompae bằng các khúc hát tiếng Hàn như Hwacheong (Hòa thỉnh) hay Hoesimgok (Hối tâm khúc). Khúc dân ca Hoesimgok (Hối tâm khúc) của tỉnh Gyeonggi mà chúng ta vừa nghe vốn là khúc hát thường được hát trong những dịp tế lễ Phật giáo sau này được đại chúng hóa trong toàn dân. Từ “Hối tâm” trong tiêu đề của khúc hát mang ý nghĩa là tự vấn ăn năn về những lỗi lầm trong quá khứ của bản thân, khôi phục tâm trí và hướng tới đúng con đường phải đi. Không có gì tuyệt bằng được nghe “Hối tâm khúc” để thêm một lần khắc ghi công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và nhớ rằng đời người ngắn ngủi, hãy báo hiếu cha mẹ khi còn có thể, chứ đừng để sau này phải hối hận. 


* Nhạc phẩm “Areumdaun Sesangeul Wihan Binari” (Lời cầu nguyện cho thế gian tươi đẹp) / Yoo Eun-seon (sáng tác), Gang Kwon-sun (hát)

* Trích đoạn “Bumonim Eunhye” (Ân huệ cha mẹ) trong ca khúc Hoesimgok (Hối tâm khúc) / Kim Yeong-im

* Trích đoạn ông Sim tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt trong nhạc phẩm hát kể chuyện Pansori “Simcheongga”(Người con gái hiếu thảo Sim Cheong) / Kim Su-yeon 

Lựa chọn của ban biên tập