Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhạc gia đàn tỳ bà Bipa Song Gyeong-un

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-08-14

Âm điệu ngàn xưa


Người đời cảm kích trước tiếng đàn tỳ bà Bipa của nhạc gia Song Gyeong-un

Đàn tì bà Bipa là một trong các nhạc cụ dây truyền thống của Hàn Quốc. Tên gọi thì có thể đã từng nghe đến, nhưng có lẽ trên thực tế chẳng mấy người được nghe tấu đàn tì bà Bipa. Dưới thời Silla thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc (thế kỷ VII-X), đàn tì bà Bipa, đàn tranh 12 dây Gayageum và đàn tranh 6 dây Geomungo được gọi là Samhyeon (Tam huyền), tức ba loại đàn huyền cầm tiêu biểu của quốc gia thời đó. Ngày nay, Hàn Quốc không còn lưu truyền được cách diễn tấu đàn tì bà Bipa cổ xưa, nên một số chuyên gia đang tiến hành nghiên cứu sáng tác mới cách diễn tấu loại nhạc cụ này. Đàn tì bà Bipa có hình dáng gần giống với cây đàn ghi ta của phương Tây. Đàn tì bà Bipa có bầu đàn hình giọt nước, các phím đàn tạo nên thanh âm được gắn trên mặt đàn. Đàn tì bà truyền thống của Hàn Quốc có tên gọi là Hyangbipa. Còn Dangbipa là đàn tì bà nguồn gốc từ thời nhà Đường ở Trung Quốc, có cần đàn dài hơn một chút và phần đầu hơi cong. Giờ đây, nếu đến thăm các ngôi chùa ở Hàn Quốc, du khách có thể nhìn thấy hình các thiên thần trên các bức tranh tường, hoặc tượng “Tứ Thiên vương” ở cửa chùa chơi đàn tì bà Bipa. Dưới thời hậu Joseon, nhạc gia Song Gyeong-un (1623-1649) được biết tới là người tấu đàn tì bà Bipa nổi tiếng nhất. Trong cuốn bút ký về Song Gyeong-un, tác giả Lee Gi-bal viết:  “Hoa đào, hoa mận nở khắp thành. Từ đằng xa, một người đàn ông chống gậy, mặc quần vải gai, vừa đi vừa nghêu ngao hát. Bài hát có nội dung rằng: Lỡ hẹn núi sông 10 năm tất bật. Bạch cẩu vô tâm hỏi sao muộn. Người rằng ân huệ Quân vương báo đáp xong mới trở về.”


Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc gia Song Gyeong-un

Song Gyeong-un vốn là người ăn kẻ ở trong một gia đình quyền quý. Năm 9 tuổi, ông bắt đầu học cách tấu đàn tì bà Bipa và tới năm 12 tuổi đã nổi danh khắp thiên hạ. Không chỉ có tài năng về âm nhạc, Song Gyeong- un còn có ngoại hình cao ráo, điển trai và khiếu ăn nói lôi cuốn. Lúc đương thời, không có buổi tiệc tùng nào của các bậc quyền cao chức trọng trong vùng mà Song Gyeong-un không được mời tới biểu diễn. Tiền kiếm như nước, quà cáp gấm vóc đầy nhà, cuộc sống sung túc, của cải dư dả. Hơn hết là tiếng tăm về tài nghệ diễn tấu đàn tì bà của ông được người trong thiên hạ hết lời ngợi ca. Họ so sánh ngón đàn của ông với người bắn cung thiện nghệ nhất, người vẽ tranh tài ba nhất. Đến lũ trẻ cũng so sánh đứa khéo kể chuyện nhất trong xóm với ngón đàn tì bà Bipa của Song Gyeong-un. Cuộc chiến tranh Jeongmyohoran (Biến loạn nhà hậu Kim Trung Quốc xâm lược bán đảo Hàn Quốc vào năm Đinh Mùi -1627) đã tạo bước ngoặt lớn cho cuộc đời của nhạc gia Song Gyeong-un. Ông lang bạt khắp nơi, rồi cuối cùng định cư tại Jeonju thuộc tỉnh Bắc Jeolla ngày nay. Cũng từ đó, Song Gyeong-un không còn đi tấu nhạc tại các buổi tiệc tùng nữa. Ông chuyên tâm vào việc trang hoàng nhà cửa, trồng hoa, chăm cây và lặng lẽ tấu đàn tì bà Bipa một mình, hoặc biểu diễn cho dân làng thưởng thức. Cứ hễ có người muốn nghe Song Gyeong-un tấu đàn tì bà Bipa thì cho dù đó là ai và dù mình đang dở tay việc gì thì ông cũng dừng lại để tấu đàn tiếp khách và rằng “Mọi người tìm đến vì tài mọn tấu đàn tì bà của tôi thì sao tôi dám chậm trễ và không diễn tấu hết mình kia chứ”.


Ngày nay, vẫn còn khá nhiều người Hàn Quốc yêu thích âm nhạc truyền thống. Nhưng có người thì thích nhạc truyền thống cổ xưa, có người lại yêu nhạc truyền thống biến tấu theo hơi thở của thời đại. Thời nhạc gia Song Gyeong-un xưa kia cũng vậy. Nghe nói lúc đầu, ông thường tấu các bản nhạc cổ xưa để mong người đời biết tới cái hay, cái đẹp cái thuần khiết tinh khôi và sâu sắc lắng đọng của âm nhạc cổ truyền. Nhưng nghĩ cho cùng thì nếu không phải là những người có trình độ thẩm thấu âm luật thì làm sao hiểu nổi cái sâu xa đó của nhạc cổ xưa. Phải chăng tốt nhất là hãy mang niềm vui hạnh phúc tới cho mọi người bằng những giai điệu giản dị mang hơi thở thời đại. Từ đó trở đi, bên cạnh những nhạc phẩm cổ truyền, nhạc gia Song Gyeong-un còn diễn tấu đan xen cả những nhạc phẩm sáng tác mới. Vì không có con, nhạc gia Song Gyeong-un đã đào tạo các học trò nối nghiệp và trước lúc qua đời, ông đã chăng chối lại với các trò rằng: “Ta đã lấy âm nhạc làm nghiệp sống. Lúc ta chết, các trò hãy đem chôn ta trên núi nơi có nhiều nắng. Trên đường đem chôn ta, các trò hãy kế nghiệp ta, hãy làm cho linh hồn ta được vui vẻ. Chớ có làm thiên hạ giật mình.”

Trên đường đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng, học trò của nhạc gia Song Gyeong-un hết thảy đã tấu đàn tì bà Bipa. Tiếng đàn của các trò đã khiến cho người qua kẻ lại nước mắt đầm đìa. 


* Nhạc phẩm Suyangsanga (Khúc hát núi Thú Dương) / Kim Yong-wu 

* Nhạc phẩm Chimhyangmu (Trầm hương vũ) / Han Eun-yeong (tì bà Bipa)

* Khúc hát Gil (Con đường) / Lee Ja-ram (hát), nhóm nhạc truyền thồng Geurim (tấu nhạc)

Lựa chọn của ban biên tập