Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chính ca truyền thống Jeongga của Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-07-21

Âm điệu ngàn xưa

Chính ca truyền thống Jeongga của Hàn Quốc xưa và nay

Vài nét đặc trưng của chính ca Jeongga truyền thống ở Hàn Quốc

Âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có thể chia thành hai thể loại là chính nhạc Jeongak và nhạc dân gian Minsokak. Nếu như nhạc dân gian Minsokak là thể loại âm nhạc dành cho bách tính, thì chính nhạc Jeongak là âm nhạc được tấu trong các nghi lễ cung đình và là thể loại âm nhạc dành cho giới quý tộc có cuộc sống vương giả nhàn hạ. Do đó, nhịp điệu tiết tấu của chính nhạc Jeongak chậm hơn nhạc dân gian Minsokak, giúp người nghe kiềm chế cảm xúc của bản thân. Ngược lại, nhạc dân gian Minsokak dành cho bách tính luôn bận rộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền nên có tiết tấu nhanh, biểu cảm trực tiếp và khuếch đại cảm xúc của người nghe. Trong chuyên mục phát thanh hôm nay, Âm điệu ngàn xưa sẽ giới thiệu tới quý vị và các bạn những khúc chính ca Jeongga tiêu biểu của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Để hòa hợp với đời sống của người dân ở xã hội hiện đại và đến gần với công chúng hơn, chính ca Jeongak đã và đang có những bước chuyển mình như được hát trên phần đệm nhạc của nhạc cụ phương Tây là đàn piano hay được hát dưới hình thức đồng ca.


Những khúc chính ca trường tồn cùng năm tháng của Hàn Quốc

Khúc chính ca “Saebyeok Pyeonji” (Bức thư lúc rạng sáng) được phối khí lại từ khúc chính ca “Pyeongnong” dành cho giọng nữ là lời khẩn cầu chòm sao Bắc Đẩu chớ vội để trời sáng cho đêm đoàn tụ với người thương thêm dài dài mãi. Khúc hát có đoạn:

Sao Bắc Đẩu một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy vì sao

Ngượng ngùng trải lòng này ai thấu

Thoáng gặp gỡ chưa thấu lời ngày đã hết

Cầu cho đêm dài mãi và ngày mai đừng đến


Khúc chính ca Gagok này vốn được hát cùng phần hòa tấu của đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo, đàn nhị Haegeum, sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc dọc Piri và trống phong yêu Janggu. Jeongga (Chính ca) được chia thành ba dòng là thơ phổ nhạc Gagok, Sijo và Gasa. Trong đó, Gasa là dòng có phần hát và ca từ dài hơn hai dòng Gagok và Sijo. So với sự khắt khe trong dòng chính nhạc Gagok cùng phần đệm của các loại đàn huyền cầm và nhạc khí ống như trên, thì Gasa và Sijo có phong cách nhẹ nhàng hơn, với nhạc khí đệm đơn giản, chỉ cần sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum hoặc sáo trúc dọc Piri hay trống phong yêu Janggu. Không chỉ yêu cầu phần nhạc đệm đơn giản, thơ phổ nhạc Sijo còn có phần lời ngắn gọn. 


Trong thời trung kỳ của triều đại Joseon (thế kỷ XVI–XVII), thơ phổ nhạc Sijo của kỹ nữ Hwang Jin-yi đã từng một thời rất nổi tiếng. Trong số này có thể kể tới tác phẩm Cheongsanri (Núi xanh). Khúc ca có đoạn:

Núi thẳm dưới trời xanh, hỡi nước suối trong

Đừng tự tin sẽ dễ quay về

Dòng chảy trôi ra biển, ắt khó lòng quay lại

Núi vắng tràn ngập ánh trăng trong

Hãy nán lại nghỉ ngơi mà tận hưởng


Trong áng thơ này, Byeokgyesu (âm Hán là “Bích Khê Thủy”, nghĩa là “nước suối trong”) là tên hiệu của một vị hoàng thân thời Joseon. Còn “Myeongwol” (Minh Nguyệt, tức “ánh trăng”) chính là hiệu của Hwang Jin-yi, một kỹ nữ xinh đẹp có tài cầm kỳ thi họa nổi tiếng dưới thời Joseon ở Hàn Quốc vào thế kỷ XVI, mà rất nhiều các học giả, văn sĩ đương thời ao ước được gặp dù chỉ một lần. Người đời truyền tai nhau rằng khi thấy Hwang Jin-yi lấy tên của hai người và dùng lối chơi chữ ngâm áng thơ, quân tử Byeokgyesu đã giật mình ngoái lại và bị ngã ngựa.


Nói tới núi Thú Dương, người đời thường liên tưởng tới một câu chuyện trong sử ký cổ đại của Trung Quốc, rằng dưới thời nhà Ân tại vương quốc Cô Trúc có hai hoàng tử tên là Bá Di và Thúc Tề. Sau khi vua cha mất, để nhường ngôi cho nhau, họ đã rời khỏi cố quốc. Nhân cơ hội này, Vũ Vương đã mang quân đánh bại nhà Ân và lập nhà Chu. Thấy vậy, hai anh em Bá Di và Thúc Tề đã cự tuyệt không ăn thóc gạo nhà Chu, vào núi Thú Dương hái rau rừng ăn qua bữa, nhưng không lâu sau thì chết vì đói. Nếu đứng ở lập trường nhà Chu thì hai anh em Bá Di, Thúc Tề quả là cố chấp. Nhưng người xưa lại tôn thờ và ghi nhớ hai anh em Bá Di, Thúc Tề như những người giữ trọn tiết nghĩa với đời. Ca từ của nhạc phẩm Suyangsanga (Khúc hát núi Thú Dương) có đoạn: 

Hái rau rừng trên núi Thú Dương

Câu cá sông Vị Thủy Phi

Uống rượu Nghi Địch nấu

Lầu Đằng Vương sáng trăng Lý Bạch

Trương Khiên thượng các ngắm trăng khuya


* Khúc chính ca “Saebyeok Pyeonji” (Bức thư lúc rạng sáng) dành cho giọng nữ được phối khí lại từ nhạc phẩm “Pyeongnong” / Jo Eui-seon (hát), Shin Ji-hee (đàn tranh 6 dây Geomungo), Jeong Shin-hye (đàn piano)

* Nhạc phẩm “Cheongsanri Byeokgyesuya” (Hỡi núi xanh nước suối trong) / Lee Yun-jin (hát), Kim Su-yeon (khèn bầu Saenghwang)

* Nhạc phẩm Suyangsanga (Khúc hát núi Thú Dương) / Kang Kwon-sun 

Lựa chọn của ban biên tập