Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Các loại sáo trúc truyền thống của Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-10-27

Âm điệu ngàn xưa

Các loại sáo trúc truyền thống của Hàn Quốc

Sáo trúc nhỏ Sogeum và sáo trúc ngang lớn Daegeum

Dưới thời đại Silla thống nhất (thế kỷ VII-X), người Hàn Quốc có câu “Samhyeon Samjuk” (Tam cầm tam trúc), chỉ ba nhạc khí dây và ba nhạc khí hơi. Trong đó, ba nhạc khí dây gồm đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo và đàn tỳ bà Bipa. Còn ba nhạc khí thổi là ba loại sáo trúc ngang hình dáng tương tự nhau theo kích cỡ lớn, vừa, và nhỏ là Daegeum, Junggeum và Sogeum. Ống sáo càng to thì âm thanh càng trầm. Trong số này, đáng tiếc là cách diễn tấu đàn tỳ bà, sáo trúc vừa Junggeum và sáo trúc nhỏ Sogeum đã bị quên lãng và không còn tồn tại ở Hàn Quốc. Sáo trúc nhỏ Sogeum có từ thời Silla thống nhất và được sử dụng trong suốt thời Goryeo (thế kỷ X-XIV) cho tới tận trung kỳ triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX). Sau đó, loại sáo này dần bị mất chỗ đứng do sáo trúc Dangjeok (sáo Dizi) của Trung Quốc du nhập vào Hàn Quốc. Do là nhạc khí của Trung Quốc nên sáo trúc Dangjeok khó thể hiện chính xác âm sắc và nhịp điệu của âm nhạc Hàn Quốc. Sau khi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, các cơ quan đào tạo nghệ sĩ âm nhạc truyền thống đã cải tiến cây sáo trúc Dangjeok làm giáo cụ cho học sinh sử dụng và gọi nó là Sogeum. Tức sáo trúc nhỏ Sogeum cổ truyền và sáo Sogeum thời nay là hai nhạc khí khác nhau. 

 Ngoài kích cỡ thì điểm khác biệt lớn nhất giữa sáo trúc ngang lớn Daegeum và sáo trúc nhỏ Sogeum là việc có hay không có huyệt dán màng Cheonggong. Sáo trúc nhỏ Sogeum không có huyệt dán màng Cheonggong giống sáo trúc ngang lớn Daegeum. Màng dán Cheonggong rất mỏng, làm bằng ruột lau sậy. Khi thổi sáo, hơi sẽ chạy qua ống sáo làm rung màng dán, tạo nên những sắc thái âm thanh độc đáo. Mới đầu, khi nghe âm thanh rung màng dán Cheonggong của sáo trúc ngang lớn Daegeum thì sẽ thấy hơi ngang tai. Nhưng một khi đã quen với âm thanh này thì người nghe sẽ cảm thấy nhạt nhẽo nếu thiếu vắng nó. Trình độ của người thổi sáo trúc ngang lớn Daegeum cũng được đánh giá ở khả năng điều chỉnh hơi thổi làm rung màng dán Cheonggong này. Còn sáo trúc nhỏ Sogeum vì không có huyệt dán màng Cheongong nên âm thanh trong và cao hơn. 


Sáo trúc dọc Tungso và sáo trúc ngắn Danso

Ở Hàn Quốc, sáo trúc dọc Tungso đã phổ biến từ thời Goryeo. Người Hàn có câu “Bangan Tungso”, nghĩa là “Sáo trúc dọc Tungso trong phòng”, chỉ người biết thổi sáo trúc dọc Tungso nhưng lại không có can đảm đứng trước đám đông biểu diễn mà chỉ dám thổi trong nhà. Điều này cho thấy từng có một thời loại sáo này được nhiều người ưa thích và sử dụng rộng rãi. Dưới thời Joseon, sáo trục dọc Tungso được diễn tấu trong âm nhạc cung đình như âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak. Phạm vi sử dụng loại sáo này đang ngày càng thu hẹp, hầu như chỉ còn xuất hiện trong điệu múa sư tử Bukcheong Sajanoreum ở vùng Bukcheong, tỉnh Hamgyeong, nay thuộc Bắc Triều Tiên. Gần đây, sáo trúc dọc Tungso đã được đưa vào biểu diễn trong các dòng âm nhạc phong lưu và sáng tác mới. Tương tự sáo trúc ngang lớn Daegeum, sáo trúc dọc Tungso cũng có huyệt dán màng Cheonggong nên âm thanh nghe có vẻ hơi thô, nhưng đây lại chính là nét hấp dẫn độc đáo của loại sáo này. 

Ở Hàn Quốc, học sinh đã được tiếp xúc với cây sáo Danso ngay từ cấp tiểu học. Danso âm Hán là “đoản tiêu”, tức là cây sáo trúc ngắn. Khi thổi sáo trúc dọc Piri, kèn bầu Taepyeongso, người nghệ sĩ ngậm dăm kèn để thổi. Nhưng sáo Danso lại có cách thổi giống sáo Flute của phương Tây. Hơi thổi chạy qua ống sáo, cọ sát và tạo nên âm thanh. Ghi chép về sáo ngắn Danso không được tìm thấy trong sử ký của Hàn Quốc, chứng tỏ lịch sử hình thành và phát triển của cây sáo này không dài. Học thổi sáo Danso chỉ khó lúc mới bắt đầu, nếu qua được giai đoạn này thì bất cứ ai cũng có thể diễn tấu được các khúc dân ca Minyo đơn giản. Do có cách thổi đơn giản, âm thanh trong trẻo nên Hàn Quốc đã đưa cây sáo Danso vào giảng dạy trong nhà trường để các em nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận với âm nhạc truyền thống. 


* Nhạc phẩm Morning (Buổi sáng) / Han Chung-eun (sáo trúc nhỏ Sogeum)

* Nhạc điệu “Múa sư tử” và nhạc phẩm báo hiệu kết thúc yến tiệc Payeongok (Khúc bãi yến) / Dong Seon-bon (sáo trúc dọc Tungso) và nhóm phụ họa 

* Nhạc phẩm “Chosoeui Bom” (Mùa xuân trên vọng gác) / Gong Yeong-song (người Bắc Triều Tiên sáng tác năm 1965), Lee Yong-gu (sáo trúc ngắn Danso)

Lựa chọn của ban biên tập