Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những giai điệu dân ca Arirang của Hàn Quốc ít được phổ biến

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-02-23

Âm điệu ngàn xưa

Những giai điệu dân ca Arirang của Hàn Quốc ít được phổ biến

Đặc trưng cơ bản của dân ca Arirang Hàn Quốc

Thưa quý vị thưa các bạn, hiện giờ K-pop đang là hình ảnh tiêu biểu lớn nhất của Hàn Quốc trên toàn cầu. Ngoài K-pop, dưa muối kimchi, thịt bò xào Bulgogi, quốc kỳ Taegeukgi (cờ Thái Cực), trang phục truyền thống Hanbok là những hình ảnh tiêu biểu của Hàn Quốc trên trường thế giới. Ngoài ra, nói tới âm nhạc của Hàn Quốc được cộng đồng thế giới biết tới thì không thể không nhắc đến khúc dân ca Arirang được bắt đầu bằng lời ca “Arirang Arirang Arario”. Dân ca Arirang của Hàn Quốc có ca từ và nhịp điệu đơn giản, dễ nhớ, lặp đi lặp lại nên đến người nước ngoài cũng có thể bắt chước ngay được. Chẳng hạn như dân ca “Gin-Arirang” của vùng Gyeonggi có đoạn :


Thuyền tròng trành giữa muôn vàn sóng cả

Thả neo ta tạm dừng chân và hỏi chút nhé

Arirang Arirang Arario

Hãy giúp ta vượt đèo! Đèo Arirang


Hàn Quốc có khá nhiều các khúc dân ca Arirang mang đặc trưng vùng miền, và Arirang không ngừng được sáng tác mới. Với bề dày lịch sử và sức sống mãnh liệt, năm 2012, dân ca Arirang của Hàn Quốc được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 


Các khúc dân ca Arirang ít được biết tới của Hàn Quốc

Trong các giai điệu dân ca Minyo của Hàn Quốc thường xuất hiện ngôn từ Gin hoặc Jajin, ví như “Gin-Yukjabaegi” hay “Jajin-Yukjabaegi”. Gin và Jajin thường đi đôi với nhau. Ở đây Jajin là từ chỉ giai điệu được hát theo tiết tấu nhanh còn Gin trong tiếng Hàn có nghĩa là dài. Nghe thì không đối lập nhưng “Gin” trong âm nhạc truyền thống thì có thể hiểu là từ chỉ giai điệu được hát theo tiết tấu chậm. Giống như “Gin-Arirang”, người hát dốc hết bầu tâm tư đa sầu đa cảm, da diết khôn nguôi ở “Gin Ari” với tiết tấu chậm, sang đến “Jajin Ari”, tâm tình trong câu hát sẽ hào hứng lên bằng nhịp điệu nhanh dần. “Jajin Ari” có đoạn:


Bắt hến muối làm mắm

Giữ chân người đẫm ân tình

Biết thằng ở sẽ lọ mọ lần đến

Dây thừng mục nàng cài cửa canh chừng

Chao ôi! Thật phiền! Thật là phiền.


Ngày 19/2 vừa qua là tiết vũ thủy, thời điểm tuyết tan thành mưa, và sau đó sẽ tới tiết kinh trập, tiết khí làm cho ếch nhái ngủ đông cũng giật mình tỉnh giấc vì hơi ấm mùa xuân. Sau tiết vũ thủy và kinh trập, các dòng sông đóng băng trong suốt mùa đông giá lạnh bắt đầu tan chảy, thuyền bè cũng có thể bắt đầu qua lại ngược xuôi trên sông. Đây cũng là thời điểm nhiều người tay nải lên đường rời quê hương, để lại người thương, gia đình bạn bè phải ngấn lệ bên bến sông. Các khúc ca thường được hát trong dịp này đa phần là các ca khúc ly biệt. Thời xưa ở Hàn Quốc, các đền đài lăng tẩm trong hoàng cung hay các dinh thự của giới quý tộc ở Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul), đều sử dụng loại gỗ to, chắc, sinh trưởng ở vùng rừng cao, núi sâu của tỉnh Gangwon. Chính vì vậy, việc vận chuyển chúng về tới kinh thành Hanyang không phải là đơn giản. May mắn là có con sông Hàn chảy qua kinh thành Hanyang và tỉnh Gangwon. Người ta đốn cây trên rừng, vận chuyển xuống núi rồi kết lại thành bè gọi là Ttetmok và thả xuống sông cho xuôi dòng về kinh thành. Những người chèo bè, gọi là Ttetgun, đưa gỗ về xuôi phải ăn ở mấy ngày liền trên bè, đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng mới có thể đưa được bè gỗ cập bến.“Ttetmok Arirang” (Arirang bè gỗ) chính là khúc dân ca được những người chèo chống sóng cả đưa bè gỗ về kinh thành hát trên đường vận chuyển. Khúc dân ca có đoạn:


Vũ thủy kinh trập tới, băng đá trên sông tan

Trên đình Hapgang nhìn bè gỗ trôi sông

Bè gỗ tròng trành trên đầu cơn sóng cả

Khúc hát Arirang thê lương đến oán hờn


* Giai điệu dân ca “Gin-Arirang” của vùng Gyeonggi / Ha Ji-ah (hát), Kim Se-gyeong (sáo trúc dọc Piri)

* Khúc dân ca “Jajin Ari” của vùng Seodo / Chu Da-hye 

* Dân ca Ttetmok Arirang (Arirang bè gỗ) vùng Inje (tỉnh Gangwon) / Hội bảo tồn dân ca Ttetmok Arirang (Arirang bè gỗ) vùng Inje (tỉnh Gangwon)

Lựa chọn của ban biên tập