Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nỗ lực kế tục và phát triển âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-06-29

Âm điệu ngàn xưa

Nỗ lực kế tục và phát triển âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc

Sưu tầm và chuyển thể âm nhạc truyền thống cho phù hợp với thời đại

Heungtaryeong và Yukjabaegi là những khúc dân ca tiêu biểu của vùng Jeolla, mô tả sự trống rỗng của đời người hay nỗi niềm nhung nhớ của những người đang yêu bằng những câu ca mang nhịp điệu chậm, tạo cảm giác buồn đến tê tái tâm can. Trong số này có thể kể đến nhạc phẩm “Heungtaryeong” (Bài ca hưng phấn) với đoạn:


Là giấc mơ, giấc mơ, tất cả đều là giấc mơ

Cả ta và người, muôn loài vạn vật đều là giấc mơ

Cứ tỉnh rồi lại mơ, tỉnh mơ cũng là giấc mơ

Sống trong mơ, chết cũng trong mơ, đời người sao vô vị


Ở một khía cạnh nào đó, ca từ của khúc hát mô tả sự trống rỗng, vô thực của đời người. Nhưng khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, bi đát thì câu ca lại trở thành niềm an ủi rằng “Đây chỉ là giấc mơ. Chuyện có thành hay không thì cũng đâu có gì khác nhau. Mọi điều chỉ là giấc mơ. Mọi thứ rồi sẽ ổn cả mà thôi”. Khúc hát “Ggumiroda” (Chỉ là giấc mơ) được chuyển thể từ khúc dân ca Heungtaryeong sang thể loại âm nhạc Moombahton được kết hợp giữa nhạc điện tử House và giai điệu Reggaeton. 

Nói tới âm nhạc đời sống chúng ta thường nghĩ tới âm nhạc đại chúng hoặc nhạc Pop. Sê-ri “Âm nhạc đời sống” là âm nhạc truyền thống được biến tấu theo lối hiện đại để người dân dễ tiếp cận. Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc đã trăn trở về âm nhạc truyền thống trong đời sống sinh hoạt và phát hành đĩa nhạc “Tuyển tập âm nhạc truyền thống đời sống” vào năm 1994. Thời đó, các ca khúc truyền thống đã được ghi trong 10 đĩa CD với các tiêu đề như “Âm nhạc tưởng niệm và cầu nguyện”, “Hát về cái đẹp và nguồn cảm hứng”, “Hãy coi công việc là trò chơi”… để người dân trong xã hội hiện đại có thể dễ dàng lựa chọn thưởng thức theo chủ đề ưa thích. Vào thời điểm đó, mọi người lo lắng rằng âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ bị chìm vào dĩ vãng vì thế việc kế thừa nguyên bản là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu. Sau 30 năm, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đang phát triển theo hai chiều hướng, một là lưu truyền kế tục nguyên bản, hai là biến tấu mang hơi thở của thời đại để người dân trong xã hội dễ dàng tiếp cận. Giờ đây âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc theo phong cách âm nhạc đại chúng được xuất hiện dưới dạng sê-ri “Âm nhạc đời sống” chứ không còn là “Âm nhạc truyền thống đời sống” nữa. Ví như trong ca khúc “Bomiya” (Là mùa xuân) dựa theo tạp ca Yusanga (Du sơn ca) của vùng Gyeonggi. Ca từ bằng chữ Hán, khó hiểu như “Hoa lạn xuân thành, vạn hóa phương sướng” đã được viết lại thành “Xuân đã tới, trong gió nhẹ tháng Tư cánh hoa bay. Không in dấu cánh bướm ngủ quên trong nhụy hoa hồng thắm”. 


Phối khí âm nhạc truyền thống từ cảm hứng của dòng nghệ thuật khác

Trong dòng âm nhạc truyền thống đại chúng của Hàn Quốc, ca khúc “Mansin” (Vạn thần) do DJ Frank phối khí lại và sáng tác, lấy cảm hứng từ một bộ phim cùng tên được trình chiếu năm 2018. Ở đây “Mansin” có nghĩa là người thờ cúng một vạn thần linh, ám chỉ ông đồng bà đồng, người có đức tin và thờ cúng nhiều vị thần. Còn bộ phim “Mansin” (Vạn thần) có cốt chuyện là cuộc đời của danh nhân Kim Geum-hwa, người vùng Hwanghae (nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên). Kim Geum-hwa trở thành bà đồng từ năm 17 tuổi, sau đó bà đã sang Hàn Quốc và nối nghiệp nghệ thuật lên đồng của vùng Hwanghae tại đây. Năm 1985, danh nhân Kim Geum-hwa được bình chọn là người sở hữu nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể múa hát lên đồng Baeyeonsingut và Daedonggut của vùng duyên hải phía Tây bán đảo Hàn Quốc. Giọng ca của bà cũng xuất hiện trong ca khúc “Mansin” của DJ Frank. Có lẽ từ kinh nghiệm sáng tác ca khúc này nên DJ Frank còn khéo léo phối khí âm thanh của các nhạc cụ như trống phong yêu Janggu, sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum, và cả tiếng chuông lục lạc của ông đồng bà đồng trong ca khúc “Chum” (Vũ đạo). Nhạc phẩm được sáng tác nhằm ghi lại vũ điệu của các nghệ sĩ hài Gwangdae xưa kia nhưng rất phù hợp với các điệu nhảy của các nghệ sĩ hài giờ đây. 


* Khúc hát Ggumiroda (Chỉ là giấc mơ) được chuyển thể từ khúc dân ca Heungtaryeong sang thể loại âm nhạc Moombahton / Kim Jun-su 

* Ca khúc “Là mùa xuân” dựa theo tạp ca Yusanga (Du sơn ca) của vùng Gyeonggi trong sê-ri “Âm nhạc đời sống” / Trung tâm âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

* Ca khúc “Chum” (Vũ đạo) / DJ Frank

Lựa chọn của ban biên tập