Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Xã hội Hàn Quốc qua thấu kính các phiên chợ truyền thống

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-11-09

Âm điệu ngàn xưa

Xã hội Hàn Quốc qua thấu kính các phiên chợ truyền thống
Vài nét về văn hoá phiên chợ 5 ngày của Hàn Quốc
Giờ đây, chỉ đi vài bước ra đường là có ngay cửa hàng tiện lợi, đại lý hoặc siêu thị, nửa đêm cũng có thể mua đồ trên internet, nhưng xưa kia người dân Hàn Quốc thường đi mua sắm ở những phiên chợ cứ 5 ngày họp một lần. Ngày họp chợ ở các ngôi làng thường khác nhau nên những người bán hàng rong sau khi hết phiên chợ này họ lại gói gém hàng hóa để đến phiên chợ khác bán. Dân tộc Hàn xưa kia gọi những người bán hàng rong này là Jangdolbaengi. Truyện ngắn “Khi hoa kiều mạch nở” của nhà văn Lee Hyo-seok là câu chuyện của những người bán hàng rong Jangdolbaengi. Truyện kể rằng, trên đường tới chợ phiên của làng bên, khi đi ngang qua ruộng kiều mạch đang nở hoa trắng muốt đung đưa nhè nhẹ dưới ánh trăng xanh ở vùng Bongpyeong, tỉnh Gangwon, những người bán hàng rong Jangdolbaengi mê mẩn trước phong cảnh hữu tình gợi nhớ về những ký ức xưa. Trong số này, có một thanh niên sau khi nghe một người bán rong lớn tuổi kể chuyện, anh ta mới biết rằng ông chính là người cha thân sinh mà anh chưa từng biết mặt.

Jangtaryeong - “Khúc hát phiên chợ” trong các thời kỳ
Trong các bài ca truyền thống của Hàn Quốc, có khúc “Jangtaryeong” (Khúc hát phiên chợ) do những người bán hàng rong Jangdolbaengi hát về đặc điểm của những phiên chợ ở các vùng miền, rằng:

Vì là Chuncheon, giày ướt không tới chợ Sinbal được
Vì là Hongcheon, đường xa nên không tới chợ Gumalli được

Ở Hàn Quốc hiện vẫn có nhiều nơi có chợ phiên 5 ngày và vẫn có người đem bán hàng rong tại những phiên chợ này như thuở xưa. Có cả những cụ bà bắt xe bus từ những vùng quê hẻo lánh, đem vài mớ rau, đấu gạo tự trồng ra chợ bán. Rồi cả những cụ ông sửa chữa ô hỏng hay mài dao thuê. Có vẻ như toàn là những việc nhỏ nhặt nhưng đều cần thiết cho đời sống thường nhật. So với mục đích buôn bán, người dân sống ở những vùng sâu vùng xa thường ra chợ để được gặp người nọ người kia và hóng chuyện thiên hạ. Xưa kia, ở một góc của chợ phiên thường có các tiết mục biểu diễn xiếc của những người bán thuốc rong. Còn ở thời xưa nữa thì có các gánh hát rong Gakseoripae thường tới chợ phiên biểu diễn múa hát và xin tiền. Họ khác với những người ăn mày ở chỗ là mua vui cho người đến chợ bằng câu ca tiếng hát hóm hỉnh. Khúc hát “Jangtaryeong” do những người này hát có đoạn điệp khúc “Pum. Pumba Jalhanda” nên còn được gọi là “Pumbataryeong”. 

Câu hát “Jangtaryeong” của gánh hát rong Gakseoripae làm cho không khí phiên chợ náo nhiệt và người tới chợ thêm vui vẻ hưng phấn. Do được nhiều người ưa thích nên “Jangtaryeong” đã trở thành khúc hát được các ca sĩ chuyên nghiệp lúc đương thời đưa lên sân khấu biểu diễn. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori “Heungboga” (Anh em nhà Heungbo) có đoạn sau khi người anh tham lam Nolbo cưa quả bầu, một phường nhạc Gakseoripae vừa bước ra khỏi quả bầu vừa hát khúc “Jangtaryeong” và lấy hết của cải của người anh tham lam này. Hay trong vở kịch rối gỗ “Trò chơi rối gỗ Parkcheomji” của gánh hát Namsadang thì có cảnh gia quyến của vị quan giám sự tỉnh Pyeongan (nay thuộc Bắc Triều Tiên) hát khúc “Jangtaryeong” tại tang lễ của ông. 

Trong thời Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng, danh ca Kim Jong-jo còn là ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc dân ca Seodo còn thời nay nghệ sĩ Kim Yong-wu được cho là người đã trình diễn khúc hát “Jangtaryeong” trên phần đệm của đàn piano và dàn trống, lan tỏa khúc hát này đến với công chúng. 

* Bài “Jangtaryeong” (Khúc hát phiên chợ) của tỉnh Gangwon / Lee Yu-ra
* Bài “Jangtaryeong” (Khúc hát phiên chợ) / Kim Jong-jo
*  Bài “Jangtaryeong” (Khúc hát phiên chợ) / Kim Yong-wu

Lựa chọn của ban biên tập