Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nghi thức đưa tiễn người quá cố ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-11-30

Âm điệu ngàn xưa

Nghi thức đưa tiễn người quá cố ở Hàn Quốc
Câu hát hò đưa tang đưa tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng
Có câu “Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng trong đời”. Và ai cũng biết rằng “con người ta đến một lúc nào đó rồi cũng sẽ chết”. Nhưng không ít người quên đi sự thực rằng “bản thân mình đến một lúc nào đó cũng sẽ lìa đời”. Xưa kia, con người thường trút hơi thở cuối cùng ở căn nhà của mình và bà con lối xóm cùng tổ chức tang lễ đưa tiễn người đã khuất. Có những năm một xóm phải đưa tiễn đến vài người. Không thì vài năm cũng lại một lần phải đối mặt với cảnh tang gia. Thường xuyên chứng kiến cảnh ra đi của những người xung quanh, con người ta sẽ cảm thấy rằng khoảng cách giữa sự sống và cái chết đâu mấy xa xôi. “Jindo Dasiraegi” chính là di sản văn hóa phản ánh những sắc thái tâm tư này của người dân Hàn Quốc xưa. Dasiraegi là một trò diễn kịch được những người tham gia tang lễ biểu diễn trước đêm đưa quan tài người quá cố đi chôn. Đây là một trò diễn kịch mang nội dung khá phóng khoáng, có cả người hát và người tấu nhạc. Cuối màn diễn là cảnh một đứa trẻ ra đời mang ý nghĩa cầu mong cho người quá cố được đầu thai và quay trở lại với nhân thế. 
Đối với những nền văn hóa đặt nặng sự nghiêm túc và trang nghiêm trước cái chết thì sẽ không thể hiểu nổi hành vi nhảy múa hát hò trong đám tang. Đây chính là những bản sắc văn hóa khác nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Trò diễn kịch Dasiraegi vốn là để an ủi vỗ về gia quyến của những người đột nhiên qua đời, giúp họ không quá buồn đau vì thương tiếc người quá cố. Khúc hát kéo người nghe về với thực tế rằng khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất gần nhau và mang đến đức tin rằng có con đường đầu thai sau khi chết. Ngày nay, chúng ta có xe tang đưa linh cữu người chết tới nghĩa địa chứ trước kia người Hàn Quốc dùng kiệu khiêng quan tài có tên là Sangyeo, được trang trí sặc sỡ, do nhiều người cùng khiêng trên vai để đưa linh cữu người chết tới nơi chôn cất. Có thể coi đây là ân sủng “xa xỉ” cuối cùng mà người đã khuất được hưởng trên cõi trần. Để cùng phối hợp nhịp nhàng với nhau, khi khiêng kiệu tang, dân tộc Hàn thường cùng hát khúc “Sangyeosori” (Hò đưa tang). Người có chất giọng to khỏe còn xướng lên những câu ca về sự vô thường của đời người cũng như sự trừng phạt dưới địa giới. Những câu hát này khiến đoàn người đưa linh cữu người chết ra đồng ngẫm nghĩ về sự sống và cái chết và tự nhủ với bản thân rằng cần phải sống tốt hơn. 

Câu hát cầu siêu cho vong hồn người đã khuất
Ssitkimgut là nghi thức tế lễ lên đồng cầu nguyện cho hương hồn của người chết được siêu thoát trên con đường đến với thế giới bên kia, đồng thời xoa dịu nỗi đau mất người thân, bè bạn cho những người đang sống. Thông thường sau khi hát “Sonnimgut” cầu nguyện sức khỏe và trường thọ của những gia quyến, “Jeseokgut” cầu mong phú quý, nghi thức tiễn người đã khuất sẽ diễn ra. Người Hàn Quốc gọi quá trình giải hận cho người chết là “Gopul”, một dải lụa trắng tượng trưng cho nẻo đường sang thế giới bên kia, họ buộc dải lụa trắng có một đầu được mắc cố định vào cọc thành 7 hoặc 12 nút thắt tượng trưng cho những nỗi ai oán chất chứa trong lòng. Khi bà đồng cất tiếng hát thì người ta cầm đầu dây vải bên kia kéo tuột dần các nút thắt tượng trưng cho việc những nỗi oan trái của người chết đã được hóa giải. Trong nghi thức cúng cầu siêu Ssitkimgut còn có nghi thức tắm rửa sạch sẽ cho hình nộm tượng trưng cho thân thể của người chết, mang ý nghĩa gột rửa mọi oan uổng trái ngang cho vong hồn người chết được siêu thoát.

* Nhạc phẩm “Jindo Dasiraegi” / Gang Jun-seop và nhóm phụ họa 
* Trích đoạn “Hajiksori” (Lời chào giã biệt) và “A Di Đà Phật” trong khúc hát “Sangyeosori” (Hò đưa tang) của vùng Jindo / Jo Gong-rye cùng nhóm phụ họa 
* Trích đoạn “Ssitkim” trong giai điệu múa hát lên đồng Ssitkimgut của vùng Jindo / Song Sun-dan

Lựa chọn của ban biên tập