Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Văn hóa đời sống của người dân Hàn Quốc xưa trong câu hát

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-12-07

Âm điệu ngàn xưa

Văn hóa đời sống của người dân Hàn Quốc xưa trong câu hát
Câu hát về chiếc quạt gió Punggu
Người Hàn Quốc xưa kia gọi dụng cụ tạo gió là Punggu, chỉ những cỗ máy có gắn cánh quạt, có tay quay ở phía bên cạnh hoặc phía sau. Nếu quay tay quay, cỗ máy sẽ tạo ra gió. Dụng cụ quạt gió này có tên gọi và hình dáng rất đa dạng tùy theo vùng miền và có nhiều mục đích sử dụng như thổi không khí vào lò lửa ở các lò rèn, hay thổi bếp nhóm củi lò sưởi ấm phòng bằng hệ thống sưởi sàn Ondol. Những dụng cụ tạo gió to hơn được người Hàn Quốc dùng vào việc quạt thóc trong mùa gặt. Thóc được cho vào cái mẹt, nâng lên cao, để trước quạt gió Punggu đặt ngoài sân theo độ dốc vừa phải cho thóc từ từ rơi xuống. Những hạt thóc mẩy, nặng sẽ rơi thẳng xuống dưới, còn những hạt lép và rơm rạ sẽ bị gió thổi bay ra xa. Quạt gió Punggu có các tên gọi khác nhau như Punggu, Pulmu, Bulmu, Bulmi, Bulmae … Giai điệu dân ca “Punggu Taryeong” (Bài ca chiếc quạt gió) của vùng Seodo (nay thuộc tỉnh Hwanghae và tỉnh Pyeongan của Bắc Triều Tiên) có đoạn:

Quạt gió ở Singye, Goksan làm tan chảy sắt
Ông chồng nhà tôi chỉ làm tan chảy lòng tôi

Làn điệu dân ca quen thuộc trong đời sống thường nhật của người dân Hàn Quốc
Arirang là giai điệu dân ca tiêu biểu của Hàn Quốc. Arirang của tỉnh Gyeonggi thường gợi cảm giác thê lương với ca từ rằng “Arirang Arirang Arario Arirang Gogaero Neomeoganda”. Nhưng Arirang của vùng Jindo lại mang âm hưởng ngẫu hứng, ca từ thuần túy như “Ari Arirang Sseuri Sseurirang Arariga Natne~” nên hay được lựa chọn làm khúc hát kết thúc cho một buổi công diễn. Truyền rằng Arirang vùng Jindo “Jindo Arirang” mà người Hàn biết tới được danh nhân Park Jong-gi, người sáng tạo ra dòng nhạc Sanjo dành cho sáo trúc ngang lớn Daegeum, biến tấu từ khúc dân ca “Sanaji Taryeong” của vùng Namdo (tức tỉnh Nam và Bắc Jeolla). “Sanaji Taryeong” vốn là khúc dân ca được người dân vùng núi Jiri và ven sông Seomjin hát khi đi làm cỏ. Nhất là lúc dùng liềm Homi trên vùng đất khô cứng đầy sỏi đá. Nhưng trên những khoảnh đất rộng ở phía Tây thì nhổ cỏ bằng tay không lại hiệu quả hơn. Thế nên, so với việc làm cỏ, giai điệu “Sanaji Taryeong” được hát khi có nhiều người cùng làm việc với nhau. 

Nếu như Jindo, tỉnh Nam Jeolla, được cho là cái nôi sản sinh ra nhiều danh ca âm nhạc truyền thống ở Hàn Quốc, thì tại Bắc Triều Tiên lại có vùng Yonggang tỉnh Nam Pyeongan. Nơi đây đặc biệt nổi tiếng với các làn điệu dân ca truyền thống như Gin-Ari và Jajin Ari. Đây là những giai điệu dân ca mà người dân địa phương hay hát khi cùng nhau làm cỏ hay đánh xe bò kéo hoặc cào hến ở bãi bồi ven biển. Ca từ của khúc hát cũng rất hóm hỉnh:

Bắt hến làm mắm
Bắt chàng làm sâu đậm ân tình

Ta đi lấy chồng nhà người
Hãy theo ta làm anh người ở
Ta may tất Beoseon cho mà dùng

Chắc là không có chàng ngốc nào lại nghe theo lời cô gái để làm đầy tớ nhà chồng cô ấy. 

* Giai điệu dân ca “Punggu Taryeong” (Bài ca chiếc quạt gió) của vùng Seodo / ban nhạc Yegyul Band 
* Giai điệu dân ca “Sanaji Taryeong” của vùng Nam Jeolla / Oh Dan-hae và nhóm Mặt trăng thứ 2
* Khúc hát “Jajin Ari” / Chu Da-hye

Lựa chọn của ban biên tập