Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hy vọng của nhân loại về thời “Thái bình thành đại”

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-12-21

Âm điệu ngàn xưa

Hy vọng của nhân loại về thời “Thái bình thành đại”
Hy vọng và nỗ lực của người dân Hàn Quốc về hòa bình
Năm 1919, để phản đối ách đô hộ của thực dân Nhật, rất nhiều người dân Joseon (là người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) đã ra đường biểu tình và hô vang câu “Độc lập muôn năm” mong truyền tải tới nhân dân thế giới về những nỗi đau và sự uất ức của người dân mất nước và hy vọng rằng thực dân Nhật cũng sẽ tự nguyện rút lui. Nhưng thực tế đã không như mong đợi. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng, người dân Joseon càng đắm chìm trong những nỗi đau lớn hơn làm tan biến mọi niềm hy vọng. Đúng lúc đó, khúc ca hy vọng “Yi Pungjin Sewol” (Thời loạn lạc) đã được người dân trong xã hội truyền tai nhau. Khúc hát có đoạn:

Sinh ra trong thời loạn lạc hy vọng đời ta là gì đây
Nếu được hưởng phú quý vinh hoa hy vọng sẽ mãn nguyện sao
Dưới bầu trời xanh, ánh trăng thanh, ngẫm nghĩ
Thế gian vạn sự như giấc mộng giữa tiết xuân

Khúc ca hy vọng này vốn là khúc thánh ca của Mỹ có tên là “Khi ta về đến nhà”, được hát ở Nhật để tưởng niệm các học sinh bị tử vong trong tai nạn trên biển. Giai điệu khúc thánh ca này được du nhập vào bán đảo Hàn Quốc và trở thành nhạc đại chúng nhưng lúc mới đầu đã được hát theo lối dân ca Minyo. 

Khi mới du nhập vào Hàn Quốc, do ca từ của khúc hát “Thời loạn lạc” toát lên sự hư vô nên còn được gọi là “Tangja Jatanga” (Tự thán ca) hay “Tangja Gyeonggyega” (Bài ca cảnh giác) nhưng sau này đã được biết đến rộng rãi với tên gọi là “Himangga” (Bài ca hy vọng) vì mang tới niềm hy vọng cho người dân trên bán đảo Hàn Quốc tại thời điểm khó khăn nhất. 

Khúc hát “Thái bình ca” trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc
Trong số các khúc hát truyền thống của Hàn Quốc, có giai điệu dân ca “Taepyeongga” (Thái bình ca) của vùng Gyeonggi thể hiện niềm khát vọng cháy bỏng đối với ước nguyện thời thái bình thành đại. Rằng:

Tức giận để làm chi, khó chịu để làm gì
Việc phiền muộn đã quá nhiều rồi, 
Hãy nghỉ ngơi, vui chơi trong chốc lát

Trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng, giai điệu dân ca “Thái bình ca” của vùng Gyeonggi vốn là một khúc hát đại chúng, nhưng đến thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), danh ca Lee Eun-ju đã hát khúc hát này theo lối dân ca Minyo nên nhận được sự đồng cảm và yêu mến của những người rơi vào cảnh phải chạy nạn do cuộc chiến thảm khốc. Chính ca “Taepyeongga” của Hàn Quốc là bài hát cầu nguyện thái bình cho bách dân trong thiên hạ lúc đương thời như Nghiêu Vương và Thuấn Vương, hai vị minh quân đã mở ra thời thái bình thành đại trong huyền sử Trung Hoa cổ. Khúc hát có đoạn:

Thế này cũng thái bình thịnh trị, thế kia cũng thái bình hỡi ơi
Là thời đại Nghiêu Vương, là thế gian Thuấn Vương
Chúng ta đều sống trong thái bình, hãy vui hãy chơi thỏa thích nào

Sống ở đời, ai mà chẳng gặp gian nan. Những lúc như vậy, con người ta thường cầu nguyện sức mạnh siêu nhiên phù hộ độ trì cho bản thân, gia đình và bạn bè thân thích, cầu nguyện cho thái bình thịnh trị cho mọi người dân trên thế giới không phải hứng chịu những khổ đau và mất mát do chiến tranh. Chỉ vài hôm nữa sẽ tới lễ Giáng sinh, ngày mà 2000 năm trước Chúa Giê-su đã đến với thế giới loài người. Người đã để lại lời răn dạy rằng “Ta đến với thế giới loài người không phải là để nhận sự cung phụng mà là để cung phụng, cống hiến mạng sống của mình cho người đời, thay thế nhân loại hứng chịu mọi nỗi đau. Ta đã sống vậy, các con cũng hãy sống với tinh thần hy sinh và cống hiến như vậy”. 

* Ca khúc “Yi Pungjin Sewol” (Thời loạn lạc) / Lee Jeong-pyo )vừa hát vừa tấu đàn tranh Gayageum)
* Khúc hát “Taepyeongga” (Thái bình ca) / Koo Min-ji và nhóm nhạc truyền thống Sangjaru
* Ca khúc “A Prayer (For Souls)” (Lời cầu nguyện cho những linh hồn) / Jeong Jae-il (sáng tác), Kim Yul-hee (hát)

Lựa chọn của ban biên tập