Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm trạng của nữ thi sĩ xưa ở Hàn Quốc trong đêm đông

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-12-28

Âm điệu ngàn xưa

Tâm trạng của nữ thi sĩ xưa ở Hàn Quốc trong đêm đông
Nỗi cô đơn của hai nữ thi sĩ thiên tài của Hàn Quốc dưới thời phong kiến
Ngày nay ở trong đô thị, nhờ hệ thống đèn đường nên về đêm đường sá cũng sáng trưng đến mức không nhìn ra ánh sao hay thậm chí ánh sáng của Mặt trăng. Do đó, thuật ngữ “ô nhiễm ánh sáng” được sinh ra.
Ở cái thời chưa có điện, về đêm trời tối om, mặc dù cũng có nến nhưng là đồ quý hiếm nên chỉ các gia đình có của ăn của để mới có điều kiện thắp nến. Nhà nghèo thì thường sử dụng đèn dầu nhưng là dùng dầu thực vật hoặc mỡ động vật nên có thắp đèn cũng chẳng sáng là bao. Vả lại cũng chẳng có việc gì cần làm sau khi màn đêm buông xuống nên có mấy ai thắp đèn thâu đêm. Thuở đó con người ta thường đi ngủ khi trời tờ mờ tối, trở dậy và bắt đầu mọi việc từ lúc trời hửng sáng. Đêm đông mới dài và buồn tẻ biết bao. Có lẽ vì vậy mà kỹ nữ Hwang Jin-yi đã viết áng thơ trải lòng về nỗi cô đơn, đau đáu nhớ người thương trong đêm đông cô quạnh dài dằng dặc, rằng: 

Quấn quanh eo đêm đông chí dài thật dài
Ủ ấm đêm trong chăn gió xuân,
Khuya chàng đến ta trải ra từng mảnh

Ý ở đây nghĩa là Hwang Jin-yi những mong cắt nhỏ đêm dài rồi ủ ấm dưới chăn bông để dành khi người thương đến sẽ chắp nối cho đêm trường thêm dài dài mãi. 

Trong các nhạc phẩm truyền thống của Hàn Quốc có thể kể tới nhạc phẩm “Gyeoul” (Mùa đông) được sáng tác dựa trên áng thơ của nữ thi sĩ thiên tài có tên là Huh Nanseolheon sống trong thời trung kỳ của triều đại Joseon, chị gái của danh nhân Huh Gyun, người viết cuốn tiểu thuyết “Truyện Hong Gil-dong” nổi tiếng được lưu truyền tới nay. Tên thật của nữ thi sĩ là Cho-hee còn Nanseolheon (Lan tuyết hiên) là hiệu nhưng đến nay mọi người đều biết đến cô bằng tên hiệu hơn là tên thật. Khi nữ thi sĩ Huh Nanseolheon lên 8 tuổi đã làm thơ nhưng trong thời Joseon, nữ nhi dẫu có tài thì cũng đâu được trọng dụng. Nanseolheon đã lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ nhưng cuộc sống hôn nhân của cô không hạnh phúc. Gia đình cha mẹ đẻ cô bị lụi bại do bão tố chính trường, các con của cô cũng lần lượt từ giã cõi đời do bạo bệnh, và cuối cùng nữ thi sĩ Huh Nanseolheon đã quyên sinh khi mới 27 tuổi với dòng di chúc hãy đốt bỏ mọi áng thơ do cô sáng tác. Áng thơ “Gyeoul” (Mùa đông) do nữ thi sĩ Huh Nanseolheon sáng tác đã phần nào mô tả cuộc đời sầu thảm của cô. Áng thơ được bắt đầu bằng đoạn:

Tiếng nước chảy qua đồng hồ nước bằng đồng
Đêm đông lạnh, trăng len qua cửa sổ
Chăn gối lụa vẫn lạnh ngắt như băng

Và kết thúc rằng:

Tựa lan can bỗng nhung nhớ người thương
Chàng cưỡi ngựa phi nước đại tay mang ngọn giáo
Cát bụi cuốn bay bão tuyết mịt mùng
Nước mắt đẫm khăn trong gian phòng vợ chàng

Áng thơ ghi lại sự phỏng đoán của nữ thi sĩ Huh Nanseolheon về những người yêu nhau nhung nhớ nhau trong đêm đông. Điều này cũng nói lên sự cô quạnh của chính bản thân nữ thi sĩ. 

Cách tiễn biệt năm cũ và đón năm mới
Nhạc phẩm “Soyeopsanbang” dành cho đàn tranh 6 dây Geomungo. Ở đây “Soyeop” có nghĩa là “quét lá rụng”, “sanbang” là từ chỉ “căn nhà trong xóm núi”. “Soyeopsanbang” là nhạc phẩm ghi lại hình ảnh quét lá rụng trong sân ở ngôi nhà nơi xóm núi. Nhạc sĩ Hwang Byung-gi  sáng tác “Nakyeobeul Taewumyeo” (Đốt lá rụng) để lại lưu bút rằng “Sang xuân khi ngắm chồi non mơn mởn dường như ai cũng ấp ủ trong lòng một giấc mơ. Nhưng chưa kịp tỉnh mộng thì lá cây ngô đồng đã rụng lả tả trước thang gác. Thế mới thấy tháng ngày trôi qua sao mà nhanh quá.”
Trong tùy bút “Nakyeobeul Taewumyeo” (Đốt lá rụng) của tác giả Lee Hyo-seok có đoạn:

Tôi đào đất chăm sóc luống hoa
Tro đốt lá như thể xác giấc mơ đã chết
Đào sâu, chôn chặt, trở về thái độ sống đúng đắn

Thế là chúng ta lại sắp tiễn biệt năm 2023 và chuẩn bị chào đón một năm mới. Trong năm qua quý vị đã lên kế hoạch và thực hiện được biết bao công việc? Còn những ấp ủ mà ta chưa thực hiện được thì hãy xem như lá cây rụng mùa thu. Cùng nhẹ nhàng gom chúng như quét lá rụng trước sân và lặng lẽ đốt bỏ để đón năm mới với một tinh thần thật nhẹ nhàng tươi sáng. 

* Khúc hát “Dongjitdal” (Trăng đêm đông chí) / nhóm nhạc truyền thống Souljigi 
* Khúc hát “Gyeoul” (Mùa đông) / Jang Seo-yun (vừa hát vừa tấu đàn tranh Gayageum 25 dây)
* Nhạc phẩm “Soyeobsanbang” trên nhịp điệu Dodeuri / Jeong Dae-seok (đàn tranh 6 dây Geomungo)

Lựa chọn của ban biên tập