Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những nét tiêu biểu của âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak

#Âm điệu ngàn xưa l 2024-01-04

Âm điệu ngàn xưa

Những nét tiêu biểu của âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak
Những ngày quốc lễ lớn nhất của Hàn Quốc trong thời đại Joseon
Trong triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) ở Hàn Quốc đã từng tồn tại 5 quốc lễ lớn, bao gồm Garye (Gia lễ) là nghi thức hôn lễ hoặc lễ đăng quang trong hoàng tộc, Binrye (Tân lễ) là nghi thức nghênh đón sứ giả ngoại bang, Gunrye (Quân lễ) là nghi lễ liên quan tới quân đội, Hyungrye (Hung lễ) là nghi thức đám tang của vua hoặc hoàng hậu, Gilrye (Cát lễ) là các nghi thức cúng tế linh đình. Ở đây “Cát lễ” là nghi lễ dâng tế để bày tỏ lòng biết ơn các vị thần trên trời dưới đất, các vị tiên tổ. Trong đó linh đình long trọng và quan trọng nhất là nghi thức cúng giỗ các vị tiên vương và hoàng hậu Jongmyojerye (Tế lễ Tông Miếu). Jongmyo (Tông Miếu) là nhà thờ tổ của vương thất, nơi đại diện cho những giá trị chính thống của vương triều nên cứ mỗi dịp chuyển mùa trong năm, nhà vua lại đích thân tới đây để dâng lễ cúng. Âm nhạc và vũ điệu được cử hành trong những dịp này được gọi là Jongmyojeryeak (Âm nhạc tế lễ Tông Miếu). Năm 2001, Tế lễ Tông Miếu và Âm nhạc tế lễ Tông Miếu của vương triều Joseon đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trên thế giới, hiếm có quốc gia nào được UNESCO vừa công nhận di tích lịch sử vừa công nhận nghi thức được cử hành tại chính di tích lịch sử đó là di sản văn hóa như vậy. 

Một số nội dung chính trong âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak
Các khúc nhạc trong âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak được gọi “Akjang”, âm Hán là “Nhạc chương”. Trong khúc hát “Himun” (Hy văn) có đoạn:

Liệt thánh khai hy vận
Bỉnh úy văn trị xương
Nguyện ngôn tụng thịnh mỹ
Duy dĩ thỉ ca chương

Có nghĩa là “Nhờ các vị tiên đế anh minh mà quân lực nước nhà hùng mạnh, văn hóa chính trị rạng ngời, khiến con cháu đời sau hết mực tán dương và xin được ghi lại trong câu hát này”.

Nghe nói trong thời kỳ đầu của triều đại Joseon, nhã nhạc của Trung Quốc đã từng được dùng làm âm nhạc của nghi lễ cúng tế. Nhưng vua Sejong (Thế Tông), vị vua thứ IV của triều đại Joseon cho rằng "Khi sống ta nghe nhạc ta, đến lúc chết lại nghe nhạc Hoa thì quả là vô lý", qua đó mong muốn tạo ra âm nhạc cho nghi thức cúng giỗ tổ tiên. Thấu hiểu ý nguyện của cha, con trai vua Sejong là Sejo (Thế Tổ), đã chỉnh sửa các bản nhạc Botaepyeong (Bảo thái bình) và Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) do vua Sejong sáng tác thành âm nhạc tấu tại Tông Miếu trong các nghi thức cúng giỗ tổ tiên Jongmyojeryeak. Âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak đã được lưu truyền trong suốt hơn 600 năm nay. 
Nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak gồm có 11 bản Botaepyeong (Bảo thái bình) ca ngợi văn đức, 11 bản Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) ca ngợi võ đức của các vị tiên vương. Khúc hát được cử hành khi chuẩn bị lễ vật dâng cúng ở nhà thờ tổ Tông Miếu có đoạn:

Mau nấu cơm, xới đầy bát, dâng lên mâm cơm cúng
Các món ăn bày lên đĩa thờ, xếp ngay ngắn theo quy củ
Thắp nén hương, thành tâm cúng giỗ

Theo nghi lễ cúng giỗ tổ tiên, nhà vua sẽ dâng lên bàn thờ của các vị tiên vương ba chén rượu, các nhạc phẩm trong “Bảo thái bình” sẽ được cử hành khi dâng chén rượu thứ nhất, và những khúc hát “Định đại nghiệp” sẽ được cử hành khi nâng chén rượu thứ hai và thứ ba. Trống và kèn bầu Taepyeongso sử dụng lúc xung trận được đưa vào để tấu nhạc Jeongdaeeop tạo cho nhạc phẩm một sắc thái hùng tráng rất đặc trưng. 

* Khúc “Himun” (Hy văn) trong nhạc phẩm tế lễ Tông Miếu Botaepyeong (Bảo thái bình) / Dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 
* Khúc nhạc “Jinchan” (Tiến soạn) / nhóm nhạc truyền thống Haepaary
* Khúc hát “Somu” (Chiêu vũ), khúc hát đầu tiên trong âm nhạc Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) / ban nhạc Sangjaru

Lựa chọn của ban biên tập