Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc trong tranh cổ của Hàn Quốc thời xưa

#Âm điệu ngàn xưa l 2024-01-11

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc trong tranh cổ của Hàn Quốc thời xưa
Âm nhạc trong tranh danh họa Shin Yun-bok
Shin Yun-bok, hiệu Hyewon (Huệ viên) là một danh họa nổi tiếng vẽ đề tài miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường trong thời hậu Joseon ở Hàn Quốc. Trong bức họa “Wolhajeongin” (Nguyệt hạ tình nhân) của danh họa Shin Yun-bok, người xem bắt gặp cảnh chia ly đầy lưu luyến của một đôi tình nhân dưới ánh trăng non mờ ảo. Nàng bẽn lẽn che áo khoác, chàng quyến luyến nhìn nàng. Trời sắp sáng mà cả hai vẫn luyến tiếc không rời. Trên bức tranh còn có dòng chữ “Nguyệt trầm trầm dạ tam canh, lưỡng nhân tâm sự lưỡng nhân tri”. Câu này có thể tạm dịch là “Tâm tình của cặp đôi dưới ánh trăng non trong canh ba thì chỉ có hai người biết”. “Lưỡng nhân tâm sự”, tức “Tâm tình của hai người” là cụm từ thường xuất hiện thi ca cổ ở Hàn Quốc xưa kia. Ví như trong thơ cổ Sijo “Changwoesamgyeong” (Canh ba ngoài song cửa) được bắt đầu bằng đoạn: 

Canh ba ngoài song cửa mưa rơi nhẹ
Có hai người nặng tình trong đêm thâu
Đã ước hẹn trăm năm bền chặt
Nào ai ngờ tới cảnh chia ly này

Âm nhạc trong tranh danh họa Kim Hong-do
Trong dòng tranh tả cảnh sinh hoạt đời thường của dân chúng thời Joseon thế kỷ thứ XVIII ở Hàn Quốc, ngoài danh họa Shin Yun-bok còn có danh họa Kim Hong-do, hiệu Danwon (Đàn Viên). Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bức tranh có liên quan đến âm nhạc của hai thiên tài hội họa này. Ví như trong tranh Mudong (Vũ đồng), tức “Cậu bé nhảy múa” của danh họa Kim Hong-do, người xem có thể cảm nhận được động tác múa điêu luyện và hút hồn của cậu bé hòa trong tiếng sáo trúc ngang lớn Daegeum và sáo trúc dọc Piri véo von, tiếng đàn nhị Haegeum du dương, tiếng trống Buk cùng trống phong yêu Janggu nhịp nhàng. Đây là bố cục “tam huyền lục giác” đệm nhạc cho các vũ điệu. Vạt tay áo, các động tác mạnh mẽ dứt khoát của cậu bé nhảy múa trong tranh Mudong (Vũ đồng), tạo cảm giác như cậu đang bay lên theo tiếng nhạc. Tiếp nối chuyên mục phát thanh hôm nay, chúng ta cùng đến với trích đoạn nhịp điệu “Gutgeori” và “Jajin Gutgeori” trong nhạc phẩm “Daepungryu” là nhạc đệm cho vũ điệu “Seungmu” (Tăng vũ) do nghệ sĩ Choi Gyeong-man và nhóm phụ họa trình diễn.

Lúc đương thời, danh họa Kim Hong-do hay vẽ tranh các vị thần Sinseondo (Thần tiên đồ) cùng loại nhạc khí ưa chuộng là cây khèn bầu Saenghwang. Trong các nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc, khèn bầu Saenghwang là nhạc khí duy nhất có thể cùng một lúc tạo ra nhiều âm thanh giao hòa với nhau. Chiếc khèn bầu Saenghwang được làm từ một quả bầu, bên trong có cắm nhiều ống trúc có độ dài ngắn khác nhau, trông giống như diện mạo của chú chim phượng hoàng đang xếp cánh đậu nghỉ ngơi. Do vỏ bầu dễ vỡ nên gần đây, người ta dùng bầu gỗ hoặc bầu kim loại để làm ra khèn bầu Saenghwang. Trong mỗi ống trúc của khèn bầu Saenghwang đều có một miếng màng rung mỏng bằng kim loại gọi là Cheong. Màng kim loại này sẽ rung lên và có tác dụng tạo âm khi hơi thổi chạy ngang qua. Âm thanh do màng kim loại Cheong này tạo ra mang tới cho người nghe một cảm giác gì đó huyền bí tới khó tả, và vì thế âm thanh của khèn bầu Saenghwang được ví giống như tiếng rồng hú. Trong số những bức họa đồ về đề tài thần tiên mà danh họa Kim Hong-do để lại cho đời sau, có tác phẩm “Songhachwisaengdo” (Tùng hạ xuy sinh đồ). Giống như tựa đề, đây là một bức họa đồ vẽ cảnh một vị thần tiên ngồi thổi khèn bầu Saenghwang dưới bóng tùng rợp mát. 

* Khúc thơ phổ nhạc có ca từ nhiều chữ Saseolsijo mang tên “Changwoesamgyeong” (Canh ba ngoài song cửa) / Lee Jun-ah
* Nhịp điệu “Gutgeori” và “Jajin Gutgeori” trong nhạc phẩm “Daepungryu” / Choi Gyeong-man và nhóm phụ họa 
* Nhạc phẩm “Sin-Suryongeum” (Tân Thủy long âm) / Kim Hyo-yeong (khèn bầu Saenghwang)

Lựa chọn của ban biên tập