Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Dự án lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ năm 1994

2018-05-24

Vì một bán đảo thống nhất

Dự án lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ năm 1994
Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử ngày 27/4 vừa qua, cơ hội cho hợp tác kinh tế hai miền Nam-Bắc đang được mở ra. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng được kỳ vọng hơn cả do Bắc Triều Tiên không thể tập trung vào phát triển kinh tế nếu không có sự hợp tác về năng lượng với Hàn Quốc. Hợp tác năng lượng liên Triều đã đuợc bắt đầu từ năm 1994. Hãy cùng tìm hiểu về Dự án lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, một dự án hợp tác năng lượng lượng giữa hai miền vào năm 1994.

Bắc Triều Tiên đồng ý đóng băng cơ sở hạt nhân để đổi lại hai lò phản ứng nước nhẹ
Sau khi Bắc Triều Tiên trục xuất các thanh tra của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khỏi miền Bắc và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1993, căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc đã leo thang. Chính phủ Mỹ đã xem xét tới việc ném bom cơ sở hạt nhân của miền Bắc, nhưng tình hình đã thay đổi khi Bắc Triều Tiên và Mỹ bắt đầu tổ chức hội đàm song phương sau chuyến thăm miền Bắc của cựu Tổng thống Jimmy Carter. Sau 16 tháng hội đàm, Bình Nhưỡng và Washington đã ký Thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Triều vào tháng 10/1994 để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Nội dung chính của thỏa thuận trên là Bắc Triều Tiên sẽ đóng băng các cơ sở hạt nhân của nước này, với điều kiện Mỹ hỗ trợ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có khả năng sản xuất 2 triệu ki-lô-oát điện. Đặc điểm chính của một lò phản ứng nước nhẹ chính là rất khó để có thể sản xuất vũ khí hạt nhân so với các lò phản ứng hạt nhân khác.

Hai miền Nam-Bắc tham gia tích cực vào dự án xây dựng lò phản ứng nước nhẹ
Chính phủ Hàn Quốc đã tham gia tích cực vào dự án xây dựng lò phản ứng nước nhẹ để cải thiện quan hệ liên Triều và duy trì hòa bình trong khu vực. Tổ chức phát triển năng lượng bán đảo Hàn Quốc (KEDO) bao gồm Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã được thành lập vào tháng 3/1995, và sau ba năm thảo luận, lễ khởi công dự án lò phản ứng nước nhẹ diễn ra vào tháng 8/1997.

Xây dựng sự hợp tác liên Triều và tin tưởng lẫn nhau thông qua dự án lò phản ứng nước nhẹ
14.000 người Hàn Quốc đã tới Bắc Triều Tiên để thi công lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ. Bởi miền Bắc cũng đóng góp thêm nhiều nhân công và nguyên vật liệu, công trường ở vùng Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong – nơi thi công dự án lò phản ứng nước nhẹ – đã trở thành địa điểm của trao đổi liên Triều. Dự án lò phản ứng nước nhẹ đã góp phần đẩy mạnh hợp tác liên Triều và sự tin tưởng lẫn nhau. Chuyến tàu chạy định kỳ nối cảng Sokcho ở miền Nam và cảng Yanghwa ở miền Bắc được vận hành vào tháng 10/2000, và hai miền bắt tay vào công tác làm móng cho lò phản ứng nước nhẹ thứ hai vào năm 2002.

Dừng thi công lò phản ứng nước nhẹ do nghi ngờ miền Bắc làm giàu uranium
Tám năm sau khi ký Thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Triều, đặc phái viên Mỹ James Kelly đã tới Bắc Triều Tiên, công bố miền Bắc đã thừa nhận chương trình làm giàu uranium ở mức độ cao, dẫn đến việc Mỹ dừng thi công các lò phản ứng nước nhẹ và ngừng cung cấp dầu nặng cho Bình Nhưỡng. Để đáp trả, Bắc Triều Tiên đã một lần nữa rút khỏi Hiệp ước NPT vào năm 2003, và Thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Triều cũng bị hủy bỏ. Sau khi các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, như tổ chức các cuộc đàm phán ba bên và sáu bên, không hề có tiến triển, Tổ chức phát triển năng lượng bán đảo Hàn Quốc (KEDO) đã chính thức chấm dứt dự án lò phản ứng nước nhẹ vào tháng 6/2006 khi dự án mới chỉ hoàn thành được 34%. Mặc dù còn dang dở, dự án hướng tới hòa bình với mục tiêu xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân miền Bắc này được nhớ tới như một công trình có ý nghĩa, góp phần vào việc xây dựng một khung thể chế và pháp lý để tiến hành trao đổi liên Triều.

Lựa chọn của ban biên tập