Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Giáo sư Kim Soon-kwon phát triển giống ngô mới cho Bắc Triều Tiên vào năm 1998

2018-05-31

Vì một bán đảo thống nhất

Giáo sư Kim Soon-kwon phát triển giống ngô mới cho Bắc Triều Tiên vào năm 1998
Cộng đồng quốc tế đã và đang áp dụng các biện pháp trừng phạt với Bắc Triều Tiên kể từ vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm ngoái. Các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đã khiến miền Bắc phải thường xuyên vật lộn với tình trạng thiếu hụt lương thực. Theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Bắc Triều Tiên hiện đang thiếu tới 460.000 tấn lương thực. Chúng ta cùng tìm hiểu về Giáo sư Kim Soon-kwon, một nhà khoa học nông nghiệp người Hàn Quốc đã tới thăm Bắc Triều Tiên vào năm 1998 nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực nghiêm trọng ở miền Bắc.

Phát triển giống “siêu ngô” để giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực
Giáo sư Kim Soon-kwon là một nhà khoa học nông nghiệp nổi tiếng thế giới, người đã phát triển giống cây ngô ra trái cỡ lớn, được xem là “siêu ngô” vào những năm 1970 và nhân rộng giống cây này ra toàn Hàn Quốc và Đông Nam Á. Ông Kim đã tới thăm châu Phi vào năm 1979 theo lời mời của Viện nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (IITA) để tạo ra các giống ngô có khả năng chống chọi với cỏ dại ký sinh “Striga” – một loại cỏ dại cực kỳ độc hại vẫn được biết đến với cái tên “cỏ phù thủy”, góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói ở châu Phi. Giáo sư Kim đã sống ở châu Phi 17 năm trước khi trở về Hàn Quốc vào năm 1995. Lý do trở lại rất rõ ràng: ông muốn giúp đỡ những đồng bào ở Bắc Triều Tiên đang phải chịu nạn đói.

Bắc Triều Tiên mời Giáo sư Kim Soon-kwon đến thăm
Từ năm 1995, Bắc Triều Tiên đã phải hứng chịu nạn thiết hụt lương thực trầm trọng. Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế - hậu quả từ sự sụp đổ của khối Cộng sản, các trận lũ lụt lớn lại xảy ra dẫn đến đợt thiếu hụt lương thực trầm trọng vào năm 1995 và 1996. Bình Nhưỡng đã chính thức mời Giáo sư Kim đến thăm nước này nhưng không thành do các hành động khiêu khích của miền Bắc, như vụ đột nhập Hàn Quốc của tàu ngầm Bắc Triều Tiên tại biển Gangneung năm 1996. Mãi tới năm 1998, ông Kim mới được cho phép tới thăm miền Bắc.

Phân phát giống ngô năng suất cao tại miền Bắc
Từ năm 1995 đến 1998, số người bị chết đói ở Bắc Triều Tiên lên tới 600.000 người. Giáo sư Kim Soon-kwon đã chứng kiến người dân miền Bắc hứng chịu đợt thiếu hụt lương thực tồi tệ nhất trong lịch sử, và ông quyết định giúp nước này giải quyết vấn đề lương thực. Ông đã cho phân phát một giống ngô đạt năng suất cao có tên là Suwon-19 mà ông đã phát triển vào năm 1976 khi còn làm việc tại Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA). Suwon-19 ra hạt nhiều gấp đôi các giống ngô truyền thống và chống chọi được bệnh tật, côn trùng và gió. Giống ngô này đã được trồng thử nghiệm tại 80 xã trên 10 vùng ở miền Bắc vào năm 1998 và đạt năng suất hạt cao hơn 20% so với giống đang có. 1.500 nông trường tập thể tại miền Bắc đã trồng giống “siêu ngô” này, chỉ ba năm sau khi được phân phát. Thành công này đã dẫn đến sự phát triển các giống ngô mới tốt hơn. Cùng với sự hợp tác của các nhà khoa học miền Bắc, Giáo sư Kim đã phát triển thành công 12 giống ngô mới có thể sinh trưởng tốt trong từng khu vực ở miền Bắc. Các giống ngô này đã góp phần cải thiện sản lượng lương thực hàng năm của Bắc Triều Tiên lên tới hơn 1 triệu tấn.

59 lần tới thăm Bắc Triều Tiên vì mục tiêu tự chủ lương thực
Giáo sư Kim Soon-kwon đã tới thăm miền Bắc 59 lần kể từ năm 1998 đến 2003 để giúp đỡ nước này trồng các vụ mùa ngô chất lượng cao và đói phó với nạn thiếu hụt lương thực. Giáo sư Kim tin rằng việc nghiên cứu cây ngô giữa hai miền Nam-Bắc sẽ thu về trái ngọt vì mục tiêu thống nhất. Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 vừa qua, kỳ vọng về hòa bình và thống nhất bán đảo Hàn Quốc đang tăng lên. Khi một dự án hợp tác liên Triều được nối lại, kỳ vọng đặt ra là dự án hợp tác liên Triều này sẽ được phát triển không chỉ đối với nghiên cứu về giống ngô của Giáo sư Kim mà còn trong các lĩnh vực khác của nông nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập