Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung đưa đoàn gia súc tới Bắc Triều Tiên vào năm 1998

2018-06-07

Vì một bán đảo thống nhất

Chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung đưa đoàn gia súc tới Bắc Triều Tiên vào năm 1998
Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã cùng nhau trồng một cây thông sinh trưởng từ năm 1953 – thời điểm chiến tranh Triều Tiên kết thúc với một hiệp đình đình chiến. Cây thông này được trồng trên “con đường chở bò” gần đường ranh giới quân sự liên Triều chia đôi bán đảo Hàn Quốc. Đây chính là con đường mà cố Chủ tịch danh dự của Tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung dẫn một đàn gia súc tới miền Bắc vào năm 1998. Chúng ta cùng tìm hiểu chuyến thăm lịch sử của người sáng lập Tập đoàn Hyundai tới Bắc Triều Tiên, mang theo hàng trăm con bò vào năm đó.

Chuyến thăm miền Bắc đầu tiên của Chủ tịch Chung vào năm 1989
Chủ tịch Chung Ju-yung đã tới Bắc Triều Tiên lần đầu tiên vào 1989. Ông Chung là công dân Hàn Quốc đầu tiên chính thức tới thăm miền Bắc kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, mặc dù ông đã tới nước này theo lời mời của Bí thư đảng Lao động Huh Dam. Khi đó, ông đã ký một thỏa thuận với chính quyền Bắc Triều Tiên về nhiều dự án hợp tác kinh tế liên Triều, bao gồm việc phát triển khu vực núi Geumgang ở miền Bắc. Tuy nhiên, sau chuyến thăm này, hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã không có tiến triển do bế tắc trong quan hệ liên Triều. Sau đó, chính sách Ánh dương được chính quyền của Tổng thống Kim Dae-jung tán thành đã tạo ra một bầu không khí tích cực cho hợp tác kinh tế song phương. Vì vậy, Chủ tịch Chung Ju-yung đã đã xem xét tới việc chở một đàn gia súc tới quê nhà tại miền Bắc.

Trở lại quê nhà tại miền Bắc sau 66 năm
Quê hương của Chủ tịch Chung là xã Asan, huyện Tongchon, thuộc tỉnh Gangwon nay thuộc Bắc Triều Tiên. Ông Chung đã rời quê khi mới 17 tuổi. Khi rời bỏ quê hương, ông Chung đã lấy trộm 70 won mà cha ông kiếm được nhờ bán con bò của gia đình. Chỉ với 70 won ấy, Chủ tịch Chung đã liên tục đón nhận các thử thách mới tại Hàn Quốc, như xây dựng đường cao tốc Gyeongbu, phát triển Pony – chiếc xe hơi nội địa đầu tiên, và xây dựng xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới, để phát triển Tập đoàn Hyundai thành một tập đoàn toàn cầu. 66 năm kể từ khi rời bỏ quê nhà, ông đã vượt qua đường ranh giới liên Triều cùng đợt gia súc 500 con đầu tiên tới miền Bắc vào ngày 16/6/1998.

Trao đổi và hợp tác liên Triều
Chuyến thăm tới miền Bắc của Chủ tịch Chung đã trở thành một khoảnh khắc lịch sử khi làng đình chiến Bàn Môn Điếm, biểu tượng của chia cắt và đối đầu, trở thành một lối đi cho người và hàng hóa. Khoảnh khắc này đã được Đài CNN của Mỹ phát đi toàn thế giới. Trong 8 ngày ở lại Bắc Triều Tiên cho tới ngày 23/6, Chủ tịch Chung đã nhất trí các dự án chung liên Triều, bao gồm chương trình tour du lịch núi Geumgang. Vào ngày 27/9, ông đã gửi đợt gia súc lần hai gồm 501 con tới miền Bắc.

Mở ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên
Chuyến thăm tới miền Bắc của Chủ tịch Chung mang theo đàn gia súc đã là chất xúc tác cho trao đổi và hợp tác liên Triều. Vào tháng 6/2000, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và người đồng cấp miền Bắc là Chủ tịch Kim Jong-il đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Tháng 8 cùng năm, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí xây dựng khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Hai năm sau, vào năm 2002, hai đường xe lửa xuyên biên giới bắt đầu hoạt động thử nghiệm và vào năm 2007, các tour du lịch Hàn Quốc tới khu công nghiệp liên Triều Gaesung được khởi động.

Làn gió xuân trở lại bán đảo Hàn Quốc sau 20 năm chuyến thăm miền Bắc của Chủ tịch Chung
Năm 2018 kỷ niệm 20 năm chuyến thăm của Chủ tịch Chung Ju-yung mang theo đàn gia súc tới Bắc Triều Tiên. Chủ tịch Chung có lý do chính đáng để gửi tới miền Bắc tổng cộng 1.001 con bò. Con số 1.000 kết thúc bằng số “0” mang ý nghĩa “đóng lại, khép lại,” do đó, con số 1.001 bao hàm niềm hy vọng được bắt đầu và tiếp tục hợp tác kinh tế liên Triều. Việc trồng cây thông trên “con đường chở bò” trong Hội nghị thượng đỉnh tháng 4 vừa qua khiến nhiều người kỳ vọng rằng bầu không khí hòa giải và hợp tác của năm 1998 sẽ được tái hiện trong năm nay.

Lựa chọn của ban biên tập