Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Vua Dongmyeongseong, thủy tổ của Goguryeo

2011-01-07

Thần thoại về chiếc cung tên
Những câu chuyện về người có tài cầm cung từ Đông Tây kim cổ rất thú vị. Trong sử thi “Ilias” của Homer có nội dung hoàng tử Paris, con trai thứ hai của vua thành Troy đã gây ra cuộc chiến tranh suốt 10 năm vì tranh giành nàng Helen vốn là hoàng phi của vua Hy Lạp Menelaus. Ông cũng đã bắn mũi tên vào gót chân là điểm yếu duy nhất của vị anh hùng Hy Lạp Achilles. Ở Anh, tài bắn cung của người hùng Robinhood đã trở thành thần thoại nổi tiếng tới mức hiện nay vẫn được dùng làm đề tài cho phim truyền hình và điện ảnh. Vào thời nhà Sở của Trung Quốc có một người tên gọi là Dưỡng Do Cơ được mệnh danh là thần cung, nhà vua ban 100 mũi tên và ông đã bắn trúng đích tất cả 100 mũi tên ấy nên từ đó cũng mới xuất hiện và lưu truyền câu thành ngữ “Trăm phát trăm trúng”. Còn câu chuyện về người có tài bắn cung ở Hàn Quốc được truyền lại qua thần thoại lập quốc thời cổ đại. Đó chính là vua Dongmyeongseong (Đông Minh Thánh) anh hùng khai quốc của Goguryeo, người xuất hiện trong những ghi chép lịch sử như văn bia của Gwanggaeto đại đế (Quảng Khai Thổ), phần ghi về Goguryeo trong sử thư của Trung Quốc “Ngụy thư” hay trong Samguksagi (Tam quốc sử ký).

Từ sự ra đời thần kỳ đến tài cầm cung
“Ta là Chumo (Trâu Mưu) vương, con trai của cha Thiên đế với mẹ là con gái của thần sông Habaek (Hà Bá)” – Văn bia của Gwanggaeto đại đế được dựng vào thế kỷ thứ 5 đã bắt đầu bằng câu chuyện xuất thân của vua Dongmyeongseong người khai lập Goguryeo chứ không phải là hoạt động như là một vị vua vĩ đại chinh phục các lãnh thổ. Điều đó chứng tỏ những người Goguryeo luôn rất tự hào là hậu duệ của Thiên đế. Câu chuyện về sự ra đời của vua Dongmyeongseong sinh năm 58 trước công nguyên được “Tam quốc sử ký” viết vào thế kỷ 12 ghi truyền lại rất rõ. Nếu xem ở chương 1 phần về Goguryeo trong sách này thì sau khi vua của nhà nước Dongbuyeo (Đông Phù Dư) là Haeburu chết, con trai ông là Geumwa (Kim Oa) lên ngôi. Khi đó vua Geumwa đã gặp Yuhwa là con gái của thần sông Habaek ở Ubalsu phía Nam núi Taebaek. Người con gái đẹp như hoa là Yuhwa ấy có cảm tình với Haemosu là con trai của Thiên đế nhưng bố mẹ biết chuyện, đuổi cô đi đày. Quý cô, vua Geumwa đưa nàng về sống trong cung thất. Thế rồi ánh mặt trời vẫn tiếp tục đi theo và chiếu vào phòng của Yuhwa. Nàng Yuhwa có thai và sinh ra một quả trứng to. Vua Geumwa cho rằng đây là điểm gở nên đã vứt quả trứng ra đường nhưng những con chim đã bay đến và ấp ủ cho quả trứng. Vua định đập vỡ quả trứng nhưng không được nên đành đem về trả lại cho Yuhwa. Sau biến cố ấy, quả trứng nứt ra và đứa bé sinh ra từ đó chính là vua Dongmyeongseong. Vua Dongmyeongseong sinh ra vốn đã có tướng mạo đặc biệt và khác thường. Năm lên 7 tuổi đã tự làm cung tên, bộc lộ tài bắn cung thần kỳ trăm phát trăm trúng nên người đời đã gọi ông là Jumong (Chu Mông)- theo tiếng Buyeo thì có nghĩa là ‘Người bắn cung tên giỏi’.


Lập nên nhà nước Goguryeo
Jumong ngay từ nhỏ đã bộc lộ tài năng khác thường nên nhiều hạ thần và 7 hoàng tử như hoàng tử cả Daeso (Đái Tố) của vua Geumwa đã đem lòng đố kỵ, định giết ông. Theo như lời cảnh báo của mẹ Yuhwa, ông đã rời Dongbuyeo cùng với 3 thuộc hạ thân tín là Oyi, Mari và Hyeopbo, vượt qua cây cầu huyền bí do cá và ba ba tạo nên để đặt chân đến Jolbon an toàn và lập nước Goguryeo vào năm 37 trước công nguyên. Quốc gia trung tâm của vùng Đông Bắc Á trong suốt 700 năm đã được bắt đầu như thế. Trên thực tế, Jumong vừa lên ngôi đã chứng tỏ cho thấy Goguryeo là quốc gia cường mạnh ngay từ đầu như tấn công quốc gia láng giềng Malgal và vào năm 36 trước công nguyên, vua Songyang của Biryuguk (Bỉ Lưu Quốc) đã đầu hang. Jumong cũng đuổi sát gót kẻ thù như huỷ diệt Haenginguk (Hạnh Nhân Quốc) vào năm 33 trước công nguyên, tiêu diệt Bugokjeo (Bắc Ốc Tự) vào năm 28 trước công nguyên. Tuy nhiên, Jumong không phải là nhân vật chỉ có sức mạnh không thôi.

Vị quân chủ sáng nghiệp với tinh thần lãnh đạo hoà hợp
Sử sách đánh giá Jumong là nhân vật có lòng bao dung và nhân hoà xuất chúng. Ngay từ khi rời khỏi Buyeo, cùng với 3 hạ thần than tín thì trong suốt quá trình trốn chạy, Jumong đã thu nhận tất cả những người ở mọi tầng lớp như người mặc áo sơ gai (Jaesa), người mặc áo trung nhân (Mugol), người mặc áo tôi tớ (Mukgeo) làm thủ hạ ở khê núi Modun. Việc ông đặt họ cho những người này như họ Daesil, họ Jungsil, họ Sosil không phải là để chinh phục thế lực bản xứ bằng sức mạnh mà nắm tay họ, thu phục lòng dân. Việc kết hôn với Soseono là công chúa của JolbonBuyeo (Tốt Bản Phù Dư) cũng là để có được vị trí cầm quyền một cách tự nhiên qua sự kết hợp với thế lực bản xứ. Jumong là một nhà lãnh đạo chân chính mang đầy đủ các phẩm chất từ chân thành, dũng cảm đến bao dung. Vì thế, khi vua Dongmyeongseong băng hà ở tuổi 40 vào năm 19 trước công nguyên sau 18 năm trị vì thì ông đã được hậu thế sung bái và trở thành đối tượng của tín ngưỡng. Thông qua “Dongmyeongwangpyeon (Đông Minh Thánh thiên)” là bài thơ tự sự về anh hung, nhà văn Yi Kyu-bo thuộc trung kỳ thời Goryeo đã vẽ lên hình ảnh một ông vua sáng suốt, xoay ngược tình thế. 80 năm sau, Il Yeon là người viết “Tam quốc di sự” cũng đánh giá vua Dongmyeongseong là niềm tự hào của lịch sử dân tộc. Ngay cả bây giờ thần thoại về vua Dongmyeongseong người đã trải qua khổ nạn, đảo ngược tình thế và đặt những bước chân đầu tiên mở ra thời đại hùng tráng cũng đang trở thành hình mẫu của tinh thần lãnh đạo bền bỉ, hào hiệp, cùng với dũng khí và lòng chân thành. Vì đã trở thành câu truyện cổ nên cũng có những phần phóng đại hay thêm bớt nhưng thần thoại dựng nước của vua Dongmyeongseong đã trở thành gốc rễ căn bản vĩnh viễn của dân tộc Hàn.

Lựa chọn của ban biên tập