Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Cho Myeong-ha, người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập của Hàn Quốc

2013-04-25

“Hỡi thanh niên Hàn Quốc, hãy anh dũng chiến đấu bảo vệ đất nước. Một khi nước mất, các bạn có thể tìm được tự do, công lý và hòa bình ở đâu? Người dân mất nước sẽ chỉ thấy nỗi nhục nhã của kiếp nô lệ lang thang mà thôi”.

- Đây là câu nói nổi tiếng của Cho Myeong-ha được khắc trên bức tượng người anh hùng yêu nước này tại Công viên lớn Seoul, thành phố Gwacheon, tỉnh Gyeonggi.


Đến Nhật Bản với khao khát cháy bỏng tìm đường giải phóng Hàn Quốc

Cho Myeong-ha sinh ngày 8 tháng 4 năm 1905 tại huyện Songhwa, tỉnh Hwanghae, là con thứ hai của gia đình có bốn anh em trai và một em gái. Từ nhỏ Cho Myeong-ha đã nổi tiếng là một người thông minh và sáng dạ. Vào tháng 3 năm 1926, ông (anh???) bắt đầu làm việc tại Ủy ban quận Sincheon, vốn là một cơ quan do đế quốc Nhật lập ra thời đó. Sau khi biết được thông tin về các nhà hoạt động vì độc lập tiên phong đồng hương như Kim Gu và Roh Baek-rin, ông đã quyết tâm đi theo phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Với suy nghĩ cần phải biết nhiều hơn, hiểu hơn về kẻ thù thì mới mong giành chiến thắng, và đồng thời nhận được sự ủng hộ của bạn bè về lệ phí đường, Cho Myeong-ha đã quyết định vượt qua eo biển Hyunhaetan giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để đến Osaka sau đó.

Đến Đài Loan vì phong trào chống Nhật

Tại Nhật Bản, Cho đã cải trang thành người Nhật dưới cái tên Akikawa Domio để làm việc trong một công ty điện và một cửa hàng, ngoài ra ông còn tham gia lớp học vào buổi tối. Tuy nhiên, sau một thời gian mà vẫn chưa tìm được cơ hội thực hiện mục tiêu của mình tại Nhật, Cho đã quyết định đến Thượng Hải (Trung Quốc), nơi chính phủ lâm thời nhà nước Đại Hàn Dân Quốc vừa được thành lập. Năm 1927, ông đặt chân đến Đài Loan.
Cùng thời điểm đó, Nhật Bản đang chuẩn bị đưa quân tiến vào tỉnh Sơn Đông với âm mưu xâm lược Trung Quốc. Một lượng lớn quân đội Nhật đã dàn trận tại rất nhiều địa điểm ở Đài Loan vì Đài Loan được xem là căn cứ tiền phương, có vị trí chiến lược quan trọng.
Cho khi đó vẫn dùng cái tên Akikawa Domio tại Đài Loan để đóng giả là người Nhật. Ông luôn mang theo mình một con dao với lưỡi dao được tẩm độc để sử dụng khi có cơ hội. Và thời điểm đó đã đến, đó là vào năm 1928 khi Cho nghe tin đại tướng quân đội Nhật Bản, thành viên của gia đình hoàng gia Kunihiko Kuninomiya sẽ đến thăm Đài Loan.

Vung dao giết kẻ thù để xoa dịu nỗi đau của Tổ quốc

“Ta phải tự tay giết Kuninomiya và hóa giải những nỗi mất mát lớn của nhân dân ta”, Cho đã thề như vậy với ý chí sắt đá. Ông cẩn thận kiểm tra lịch trình di chuyển của Kuninomiya và chuẩn bị cho mục tiêu của mình. Khi ngày định mệnh 14 tháng 5 năm 1928 đến, Cho đến nơi người ta cho rằng Kuninomiya sẽ đi qua, và đương nhiên ông cũng mang theo cả con dao tẩm độc giấu trong ngực.
Trên đường Kuninomiya đi qua, quân lính bảo vệ dàn hàng kín dọc hai bên đường. Lúc 9h55 phút, chiếc xe mui trần chở Kuninomiya đi vào tầm ngắm. Cho lúc ấy ở trong đám đông bỗng vụt ra, rút con dao độc và nhanh chóng nhảy lên phía đằng sau chiếc ô tô. Cho dùng hết sức lực phóng con dao về phía Kuninomiya, nhưng con dao lại trúng sau lưng người tài xế, còn Kuninimiya chỉ bị thương nhẹ. Cho hét lên: “Hàn Quốc độc lập muôn năm!” và ngay sau đó ông bị quân đội và cảnh sát Nhật bắt giữ.

Người chiến sĩ anh dũng với khát vọng độc lập dân tộc bị hành quyết

Chính phủ Nhật Bản và chính phủ thuộc địa Đài Loan đã tuyên truyền rằng hành động của Cho chỉ là một vụ việc ngẫu nhiên của một ngưởi trẻ tuổi bi quan có ý định tự tử. Rõ ràng họ e ngại vụ việc có thể kích động các cuộc nổi dậy chống Nhật tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng đối với Cho Myeong-ha, người thanh niên khi đó mới tròn 24 tuổi đã bị kết án tử hình và bị hành quyết vào tháng 10 năm ấy. Nhưng cho đến tận giây phút cuối cùng trên đoạn đầu đài, Cho vẫn không quên cầu mong độc lập cho quê nhà. Ông nói: “Ta đã trả mối thù cho nước nhà, ta không còn gì để nói. Ta đã chuẩn bị rất lâu cho giây phút này rồi. Điều duy nhất ta tiếc nuối là mình không sống được đến ngày đất nước độc lập, nhưng ta sẽ vẫn tiếp tục những gì mình đã làm ngay cả khi ở thế giới bên kia”.
Ba tháng sau khi Cho chết, Kuninimiya cũng qua đời vì chất độc trên lưỡi dao của Cho đã lan rộng khắp cơ thể hắn. Và 17 năm sau đó, vào năm 1945, đất nước Hàn Quốc cuối cùng cũng giành được độc lập tự do từ tay phát xít Nhật. Như vậy, rút cuộc, Cho Myeong-ha - người anh hùng đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho độc lập của nước nhà – đã có thể nở nụ cười rạng rỡ như những bông hoa trong gió xuân ấm áp ở gần bức tượng của ông.

Lựa chọn của ban biên tập