Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Trung vũ công Kim Si-min – vị anh hùng bảo vệ đất nước bằng tài trí và lòng quả cảm

2013-05-02

<strong>Trung vũ công Kim Si-min </strong>– vị anh hùng bảo vệ đất nước bằng tài trí và lòng quả cảm
Giành chiến thắng trong trận chiến Jinju

Tại thành Jinju thuộc thành phố Jinju, tỉnh Nam Gyeongsang, cứ vào thứ 7 hàng tuần lại diễn ra lễ đổi gác của những người lính canh gác tại cổng. Khu vực này vốn nổi tiếng bởi là một địa danh lịch sử từng bị hàng ngàn quân xâm lược Nhật Bản tàn phá nặng nề trong 6 ngày liên tiếp vào tháng 10 năm 1592. Nhưng nhờ có chiến thuật phòng thủ vững chắc và phối hợp ăn ý mà cuối cùng 3.800 quân Hàn Quốc đã đánh bại được 2 vạn lính Nhật. Trận chiến Jinju cùng với trận đánh Hansan và Haengju sau đó đã được xem là ba trận đánh quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến Imjin kéo dài 7 năm chống lại Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16, và người có công đầu trong chiến thắng vang dội này - tướng quân Kim Si-min cũng đi vào lịch sử với tư cách là vị anh hùng dân tộc.

Vị võ quan nổi tiếng

Tướng quân Kim Si-min sinh năm 1554 ở Mokcheon (nay là Cheonan thuộc tỉnh Nam Chungcheong). Từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tài năng võ thuật bẩm sinh của mình. Năm 1578, khi mới 25 tuổi, ông đã đỗ kỳ thi vào quân đội quốc gia và trở thành sỹ quan huấn luyện. Khi Nitangjie thuộc bộ tộc Nữ Chân vượt sông Duman để xâm lược Hàn Quốc năm 1583, ông đã sát cánh cùng các vị tướng tài khác như Shin Rip và Yi Sun-shin đánh bại kẻ thù.
Sau đó, ông được cử giữ chức quan chuyên trách việc sản xuất vũ khí, tuy nhiên được ít lâu ông đã cáo quan về ở ẩn do có mâu thuẫn với Binh tào Phán thư (chức Phán thư ở bộ binh, tương đương với Bộ trưởng Chiến tranh). Quãng thời gian ở ẩn ở một ngôi làng xa xôi cũng là quãng thời gian yên tĩnh, thư thái nhất của ông, nhưng nó kéo dài không lâu. Năm 1591, ông lại được mời về làm quan ở thành Jinju. Ngay sau năm đó, năm 1592, cuộc chiến Imjin nổ ra khi quân đội Nhật tiến vào xâm lược Hàn Quốc.

Nhà chiến lược tài ba

“Phải giữ lấy thành dù phải hi sinh mạng sống”.
Kim Si-min đã thực hiện theo đúng lời kêu gọi của ông. Khi chiến tranh nổ ra, ông đã cùng người dân đứng lên, xả thân quên mình để bảo vệ thành lũy. Nhưng tình thế ban đầu rất bất lợi do ông chỉ có 3800 quân bên mình, ít hơn con số 2 vạn quân Nhật rất nhiều. Tuy nhiên, Kim Si-min vẫn đưa ra những chiến thuật rất sắc sảo. Ông đã cho sản xuất thuốc súng và súng cầm tay theo mẫu của quân Nhật và ra lệnh cho các đội quân tinh nhuệ của mình học cách sử dụng chúng. Bên cạnh đó, ông cũng cho những người lớn tuổi và người yếu ớt trong thành cải trang thành những người lính đang duyệt binh, phô trương sức mạnh. Ông cho dựng bù nhìn có hình dáng giống những người lính đang bắn mũi tên từ trong thành ra và đợi quân Nhật tấn công chúng vì tưởng đó là kẻ thù. Đến khi quân Nhật đã kiệt sức bởi những mưu mẹo đó thì ông mới ra lệnh cho quân mình tấn công.
Trong lúc quân Nhật đang trở nên yếu thế, mất rất nhiều quân lính và vũ khí thì những đội quân khác ở ngoài thành như đội quân của tướng Gwak Jae-u lại liên tiếp phô trương thanh thế khiến quân Nhật càng nao núng thêm bởi tưởng đó là viện quân. Tóm lại, nhờ những mưu hay kế sâu như vậy mà cuối cùng quân đội Hàn Quốc đã đánh bại được đội quân Nhật Bản với số lượng lớn gấp nhiều lần. Và một phần đóng góp quan trọng của chiến thắng đó chính là nhờ chiến lược quân sự tài ba, nhìn xa trông rộng của tướng quân Kim Si-min.

Lo lắng cho vận mệnh đất nước đến tận phút cuối

Vào ngày thứ sáu, cũng là ngày cuối cùng của trận đấu, quân Hàn Quốc dưới sự chỉ huy của Kim Si-min đã tập trung lực lượng tấn công ra ngoài thành để khống chế kẻ thù. Trong khi tướng Kim đang điều khiển bên trong thành, thì một tên lính Nhật đã bị đánh ngã bất ngờ đứng dậy và bắn ông. Mặc dù bị thương nặng và phải nằm dưỡng thương, nhưng tướng quân Kim Si-min vẫn yêu cầu quân sĩ phải giữ bí mật về vết thương của mình. Một vài ngày sau, ông qua đời ở tuổi 39. Cả trong giờ phút lâm chung , vị tướng tài ba vẫn không ngừng lo lắng về vận mệnh đất nước.
Tháng 10 năm 1592, cả đất nước để tang ông để tưởng nhớ vị tướng trẻ tuổi đã bảo vệ đất nước bằng những chiến lược quân sự tài ba và lòng dũng cảm kiên cường của mình. Và vào năm 1711, tướng Kim được phong tặng danh hiệu cao quý Trung vũ công (Chungmugong) nhằm vinh danh những đóng góp lớn lao, tài năng quân sự lỗi lạc và lòng trung quân của ông.

Lựa chọn của ban biên tập