Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Nhà thơ Yu Chi-hwan, tác giả của "Lá cờ"

2013-08-22

Nhà thơ <strong>Yu Chi-hwan</strong>, tác giả của "Lá cờ"
Những tiếng kêu thầm lặng
"Đó là những tiếng kêu thầm lặng
Với chiếc khăn tay của nỗi nhớ quê hương muôn thuở
Vẫy về phía biển xanh bao la, bát ngát
Tựa sóng vỗ, tấm chân tình cũng tung bay theo gió
Trên chiếc cột của tư tưởng sáng trong và ngay thẳng
Nỗi sầu bi dang rộng tựa những cánh cò..."

- Trích "Lá cờ" của Yu Chi-hwan -
Trên đây là đoạn thơ của Yu Chi-hwan, tác giả được xem là "Thi nhân của những lá cờ", người vừa làm nhà thơ và đồng thời là một nhà giáo.
Trong một thời gian dài làm hiệu trưởng các trung học, Yu Chi-hwan đã cho ra tới 14 tập thơ, trong đó "Lá cờ" là một tác phẩm tiêu biểu. Ông vốn thích thơ của Jeong Ji-yong và việc ông bắt tay làm thơ cũng là nhờ ấn tượng trước những vần thơ của đại thi hào này.
Năm 1931, Yu Chi-hwan đã ra mắt thi đàn với việc công bố tác phẩm "Tĩnh lặng" trên nguyệt san Văn nghệ. Kể từ đó, ông được coi là nhân vật đã đem vào thơ một ý chí sống mạnh mẽ với những làn điệu mang đậm chất nam nhi.


Gửi vào thơ quãng thời gian đau buồn và vô định
Yu Chi-hwan sinh năm 1908, là con trai thứ hai trong một gia đình có 8 anh chị em tại Tongyeong, tỉnh Nam Gyeongsang. Đặc biệt, trong số anh em của ông có Yu Chi-jin là một nhà viết kịch nổi tiếng.
Từ nhỏ cho đến năm 11 tuổi Yu Chi-hwan đã được đi học Hán văn ở trường làng, tuy nhiên khi đó ông là một cậu bé rất ít nói. Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông Tongyeong, ông đã sang Nhật du học. Quãng thời gian sống ở đây, con người ông đã thay đổi và trở nên sống nội tâm hơn, thay vì kết bạn với mọi người, suốt ngày ông chỉ đọc sách và chăm chỉ viết lách.
Có thể nói cả tuổi thanh niên Yu Chi-hwan dành hết cho việc đọc và viết, để rồi đến năm 1931 ông đã ra mắt diễn đàn văn học với tác phẩm đầu tay mang tên "Tĩnh lặng". Năm 1939, ông xuất bản tập thơ đầu tiên có tiêu đề "Thanh Mã thi sao" (Hợp tuyển thơ của Thanh Mã), trong đó Thanh Mã là tên hiệu của ông. Tập thơ tổng cộng gồm 53 bài của giai đoạn đầu ông sáng tác, bao gồm cả tác phẩm tiêu biểu là "Lá cờ".
Có thể nói, cho tới lúc thành thi nhân, Yu Chi-hwan mới hòa mình cùng nhóm tác giả văn học trẻ nhưng lại thường hay rủ nhau uống rượu. Do vậy, vợ ông cảm thấy không yên tâm và đề nghị chuyển nhà về Pyeongyang (Bình Nhưỡng). Tại Pyeongyang, Yu Chi-hwan cũng từng kinh doanh, mở một tiệm ảnh, nhưng ngay sau đó ông đã đóng cửa để chỉ tập trung vào việc làm thơ.
Mùa xuân năm 1940, Yu Chi-hwan cùng gia đình rời đến vùng Bắc Mãn Châu với quyết tâm xây dựng tại đây một trang trại. Lúc này cũng là thời điểm chiến tranh Thái Bình Dương đương đi vào hồi kết, hầu hết mọi người đều đang chịu cảnh đói nghèo. Vì thế, ông bắt tay ngay vào công việc, xây dựng và quản lý trang trại trên mảnh đất do người anh cả là Yu Chi-jin khai khẩn. Nhưng tại đây cũng thật không may, vào một ngày đông lạnh giá, tuyết lất phất rơi, ông đã phải vĩnh viên chia tay cậu con trai của mình. Đất đóng băng, không xắn nổi một nhát xẻng, ông đành chôn con bên bờ ruộng của một cánh đồng rộng mênh mông. Đó cũng chính là địa điểm mà nhà thơ đã cất lên câu "cánh đồng hoang của nỗi tuyệt vọng tựa như bức thành đồng bị giam hãm giữa đám bùn lầy ảm đảm" xuất hiện trong bài "Về cánh đồng hoang" sáng tác sau này.

Chia sẻ thơ
Ngày 15/9/1945, các văn sĩ trẻ đã họp nhau, lập nên "Hiệp hội văn hóa Tongyeong". Yu Chi-hwan được cử làm người đứng đầu, đại diện cho hội, các tên tuổi nổi tiếng khác như Yun I-sang, Jeon Hyuk-rim và Kim Chun-su đảm nhận các chức vụ cán bộ quản lý của hội. Đây được xem là một tổ chức hoạt động phong trào về nghệ thuật mang tính chất thức tỉnh con người. Các thành viên trong hội vừa dạy chữ Hangeul, mở các buổi giảng về kiến thức thường thức cho người dân, đồng thời với việc biểu diễn kịch nhằm khai sáng, thức tỉnh người dân ở vùng nông thôn.
Vốn là người hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục nên sau ngày đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật (15/8/1945), Yu Chi-hwan đã về quê, vừa dạy học vừa tiếp tục sáng tác thơ. Ông cũng thường xuyên đi bình giảng về thơ và lý luận thơ tại đại học Kyungpook. Một ngày nọ, có thanh niên tên là Huh Man-ha vốn tốt nghiệp trường y thuộc đại học Kyungpook nhưng do mến mộ tài làm thơ của Yu Chi-hwan đã tìm đến nhà ông. Trong câu chuyện, nghe hỏi "nếu không làm nhà thơ thì ông sẽ làm gì?", Yu Chi-hwan đã ngước nhìn lên trời mà nói rằng "có khi tôi sẽ trở thành nhà thiên văn học"...

Qua đời vì tai nạn giao thông...
Thơ của Yu Chi-hwan có đặc điểm là đầy vẻ kiêu bạc và thẳng thắn. Dù rằng điều đó đôi lúc khiến người đọc cảm thấy khó nghe nhưng sáng tác của ông lại được đánh giá là chân thành và sâu sắc, khiến độc giả cảm động còn hơn cả thơ dùng thủ pháp, kĩ xảo…
Yu Chi-hwan, nhà thơ luôn cất lời với tấm lòng chân thật đã qua đời vào ngày 13/2/1967. Ngày đó, ông đi gặp mấy người bạn văn sĩ, ghé vào quán rượu rồi trên đường về nhà gặp phải tai nạn giao thông mà tử vong. Sau này, ở Tongyeong, quê hương của ông, người ta đã gắn tên ông cho một con đường, nơi ngã rẽ mà ông vẫn thường đi dạo, đó chính là "Đường Yu Chi-hwan".

Lựa chọn của ban biên tập