Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Park Su-geun, họa sĩ yêu mến của người Hàn Quốc

2013-08-29

<strong>Park Su-geun,</strong> họa sĩ yêu mến của người Hàn Quốc
Một họa sĩ bình dân thể hiện cái đẹp bình dị của đời thường
Có một bức tranh chỉ với hình ảnh sáu người phụ nữ ngồi bên bờ suối, người thì quấn khăn trắng trên đầu, người thì đi dày cao su đen… trông rất giản dị nhưng lại trở thành tác phẩm hội họa nổi tiếng ở Hàn Quốc. Đó chính là bức tranh "Bãi giặt công cộng" miêu tả hình ảnh túm tụm, chỗ thì một người, nơi đôi ba người quây quần ngồi giặt của họa sĩ Park Su-geun. Bức tranh hiện nay đang được xem là đắt giá nhất ở Hàn Quốc bởi nó luôn đem lại người xem cảm giác đầy ấm áp, tình người.
Họa sĩ Park Su-geun, tác giả của bức tranh là một họa sĩ theo hội họa phương Tây tiêu biểu của mĩ thuật cận đại Hàn Quốc, được đánh giá là một họa sĩ bình dân, thể hiện rõ nhất cái đẹp mộc mạc, bình dị của Hàn Quốc.

Thời thơ ấu gian khổ và con đường đến với hội họa
Hiện nay tranh của Park Su-geun được bán với giá rất đắt, song sinh thời ông cũng đã phải trải qua một cuộc sống nghèo nàn, khổ sở không thua kém gì các họa sĩ khác.
Park Su-geun sinh tháng 2/1914 tại Yanggu tỉnh Gangwon, trong một gia đình giàu có, 3 đời chỉ toàn sinh con một. Mặc dù vậy, khi ông lên 7 tuổi, do cha ông kinh doanh khai thác khoáng sản bị thua lỗ nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Vì thế, dù được nhập học vào trường "phổ thông", tương đương với bậc tiểu học hiện nay nhưng cái túng quẫn của gia đình đã không cho ông tiếp tục học lên các bậc cao hơn. Và do đó, tuy yêu thích hội họa từ nhỏ, ông cũng đành khép lại giấc mơ hoài bão, muốn được du học sang trường Cao đẳng Mĩ thuật ở Nhật Bản...
Giải thưởng đầu tiên Park Su-geun nhận được là vào năm 1932, khi ông 16 tuổi. Đó là nhờ bức tranh màu nước có chủ đề "Xuân về" được ông gửi đi dự giải. Việc ông nhận giải thưởng lúc này khiến cho cha của ông, người vốn không thích ông vẽ vời đã phải suy nghĩ lại. Kể từ đó, Park Su-geun vừa lao động chân tay ở nhà máy để phụ giúp gia đình, vừa vẽ tranh dự thi và năm nào cũng được bình chọn.

Tài năng họa sĩ được công nhận trước tiên bởi những người nước ngoài
Sau một quá trình yêu đương lâu dài, tháng 2/1939 Park Su-geun đã lấy vợ là Kim Bok-soon. Lúc này, dù hoàn cảnh gia đình vẫn còn khó khăn nhưng nhờ tài nội trợ đảm đang của người vợ mà ông đã có thời gian để tiếp tục vẽ tranh.
Những năm 1950, do chiến tranh nên việc vẽ tranh để bán càng khó xoay xở hơn trước. Lúc này, nhờ sự giúp đỡ của một họa sĩ quen biết Park Su-geun đã vào làm việc ở một cửa hàng truyền thần trong khu căn cứ của quân đội Mỹ. Tại đây, với việc vẽ truyền thần, ông đã sắm được 1 căn nhà. Tuy nhiên, nỗi niềm trăn trở của họa sĩ cứ ngày một lớn dần trong ông, chung quy chỉ vì hoàn cảnh không cho phép ông vẽ nên những bức tranh chân chính theo đúng ý mình. Sau khi có nhà mới, Park Su-geun đã dành phần không gian chung trong nhà làm phòng vẽ, đổ tâm hết tâm huyết vào việc sáng tác. Các tác phẩm của ông sau này đã liên tục lôi cuốn được sự quan tâm của lính Mỹ và người nước ngoài.
Tháng 5 năm 1956, lần đầu tiên tranh của ông được chọn tham dự Triển lãm Mĩ thuật Quốc gia, được trưng bày tại phòng tranh mới mở của khách sạn Bando, thu hút nhiều sự chú ý của quan khách nước ngoài. Một năm sau, ông tiếp tục gửi kiệt tác mang tên "Ba người phụ nữ" đi tham dự Triển lãm Mĩ thuật Quốc gia nhưng lần này bị loại. Mặc dù được giới yêu thích mĩ thuật nước ngoài đánh giá là họa sĩ có tài năng vượt trội, song ở trong nước lúc này Park Su-geun vẫn chưa thực sự được quan tâm, chú ý.
Sinh thời, các tác phẩm của Park Su-geun không được giới hội họa trong nước khẳng định đúng với giá trị của nó. Trong khi đó, nhiều người phương Tây giàu có lại cho rằng ông là họa sĩ đậm chất Hàn Quốc nhất và bỏ tiền ra mua các tác phẩm của ông. Vì lẽ đó mà đa phần tác phẩm của Park Su-geun vẽ giai đoạn trước và sau những năm 1960 hầu hết đều nằm trong tay của người phương Tây.
Năm 1958, Park Su-geun đã không còn quan tâm đến triển lãm mĩ thuật trong nước nữa và ông gửi tranh đi dự triển lãm Mĩ thuật Đông Tây tổ chức tại San Francisco, Mỹ. Khi đó, các quan chức của Triển lãm Mĩ thuật Quốc gia Hàn Quốc mới giật mình, đưa ông vào danh sách tác giả tiêu biểu được bình chọn và vài năm sau, tuy đã muộn nhưng họ vẫn mời ông vào làm ủy viên thẩm định cho triển lãm này.

Vẽ cuộc sống của người dân Hàn Quốc bằng đầu óc sáng tạo
Lý do tranh của Park Su-geun thu hút được sự quan tâm của mọi người, hơn cả phải kể đến tính sáng tạo độc đáo. Người ta cho rằng, chính việc ông không theo học một khóa mĩ thuật chính quy nào ở Nhật Bản hay châu Âu, hoặc việc ông không được một họa sĩ gạo cội nào trong giới mĩ thuật chỉ bảo, dạy dỗ… là những yếu tố ảnh hưởng nhiều, góp phần tạo nên tính sáng tạo ở ông.
Thật đáng tiếc là họa sĩ tài ba Park Su-geun đã qua đời ở tuổi 51 do mắc bệnh xơ gan. Đã có rất nhiều người tiếc than cho cái chết của ông, vì theo họ, nếu ông sống lâu hơn, có lẽ ông đã xây dựng được một thế giới nghệ thuật mới và khác lạ.
Một nghịch lý là nhiều họa sĩ cùng lứa với Park Su-geun, nhờ danh nghĩa đi du học về mà được bổ nhiệm làm ủy viên hội đồng thẩm định của Triển lãm mĩ thuật Quốc gia trong khi ông lại chỉ là người để họ đánh giá và loại bỏ. Ngày nay, tình hình đã hoàn toàn khác. Tranh của ông còn được coi là có giá trị cao hơn rất nhiều so với tác phẩm của những họa sĩ xưa kia từng đánh giá ông.
Như vậy, có thể xem Park Su-geun là họa sĩ được người nước ngoài chú ý tới trước cả giới mĩ thuật trong nước. Ông cũng là một trong những danh họa được người Hàn yêu mến nhất với những tác phẩm luôn chứa đựng đầy đủ, nguyên vẹn cuộc sống của tầng lớp bình dân Hàn Quốc. Cuộc đời họa sĩ của ông, đến nay đã trở thành niềm hy vọng cho biết bao họa sĩ Hàn Quốc, giúp họ có thể theo đuổi con đường sáng tác ngay cả khi ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

Lựa chọn của ban biên tập