Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Siết chặt tiêu chuẩn về nồng độ cồn khi lái xe

2019-06-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, còn được gọi là “Luật Yoon Chang-ho thứ hai”, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/6. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát Hàn Quốc đang đẩy mạnh giám sát hành vi uống rượu lái xe trên phạm vi toàn quốc, đồng thời xem xét đối sách với các trường hợp tài xế lái xe đi làm vào buổi sáng trong khi vẫn chưa tỉnh rượu.

 

“Luật Yoon Chang-ho thứ hai”

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, tức “Luật Yoon Chang-ho thứ hai”, có nội dung chính là siết chặt tiêu chuẩn giám sát hành vi uống rượu lái xe. Cho tới nay, nếu nồng độ cồn trong máu của tài xế trên 0,05% thì sẽ bị treo bằng lái. Nhưng sau khi luật có hiệu lực, tiêu chí xử phạt mới là nồng độ cồn trên 0,03%. Tiêu chí hủy bằng lái là nồng độ cồn trên 0,08%, thay vì 0,1% như trước đó. Đây là lần đầu tiên, Hàn Quốc điều chỉnh tỷ lệ nồng độ cồn cho phép kể từ khi Luật Giao thông đường bộ được lập ra năm 1961. Tên gọi “Yoon Chang-ho” bắt nguồn từ vụ tai nạn giao thông do hành vi uống rượu lái xe gây ra vào tháng 9 năm 2018 tại thành phố Busan. Khi đó, một binh sĩ tên là Yoon Chang-ho đang trong thời gian nghỉ phép, đã bị một chiếc xe ô tô đâm phải, dẫn tới tử vong khi tuổi đời mới 22. Nguyên nhân là do tài xế đã lái xe trong tình trạng say xỉn. Sau vụ tai nạn tang thương này, dư luận Hàn Quốc dấy lên ý kiến yêu cầu Chính phủ siết chặt giám sát về hành vi uống rượu lái xe. Luật sửa đổi lần này được gọi là “Luật Yoon Chang-ho thứ hai”, là bởi trước đó từng có “Luật Yoon Chang-ho thứ nhất” đã được đưa vào thực thi. “Luật Yoon Chang-ho thứ nhất” là tên gọi khác của “Luật xử phạt nặng với những tội phạm đặc biệt”, có nội dung về tăng cường xử phạt với những tài xế uống rượu lái xe gây tai nạn chết người.

 

Thiệt hại từ hành vi uống rượu lái xe

Uống rượu lái xe đang là một vấn đề xã hội hết sức nhức nhối. Người dân Hàn Quốc ngày một phẫn nộ với hành vi uống rượu lái xe. Theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát, trong quý I năm nay, số vụ tài xế uống rượu lái xe đạt 27.000 vụ, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái là 37.000 vụ.

Căn nguyên dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông do hành vi uống rượu lái xe được cho là bởi văn hóa Hàn Quốc quá khoan nhượng với hành vi này. Trong nhiều trường hợp, dù tài xế uống rượu lái xe gây ra tai nạn, nhưng vẫn được xét giảm án với lý do “năng lực phán đoán suy giảm” do tác động của rượu. Tuy nhiên, gần đây dư luận xã hội đang kịch liệt phản đối việc giảm án, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng phải xử phạt thật nặng những tài xế uống rượu lái xe.

Từ năm 2014 đến 2017, tại Hàn Quốc có tổng cộng 2.095 người thiệt mạng, 153.439 người bị thương bởi các vụ tai nạn giao thông do tài xế uống rượu lái xe. Đáng nói hơn, tỷ lệ tái phạm hành vi này lên tới 45%. Phần lớn những người sai phạm không nhận thức được rằng uống rượu lái xe là một hành vi phạm tội.

 

Ý nghĩa và bài toán đặt ra

“Luật Yoon Chang-ho” đang tạo ra sự thay đổi lớn trong xã hội Hàn Quốc. Tiêu chuẩn nồng độ cồn ở mức 0,03% tương đương nồng độ cồn lưu lại trong máu một giờ sau khi tài xế uống một chén rượu soju. Có nghĩa là, dù chỉ uống một chén rượu soju cũng không được phép lái xe. Vấn đề lớn nhất đặt ra là nhiều người vẫn tiếp tục lái xe vào sáng hôm sau trong trạng thái chưa tỉnh rượu hẳn. Nếu vào tối hôm trước, tài xế uống quá nhiều, thì dù sau một đêm, nồng độ cồn trong máu vẫn có thể vượt quá mức quy định. Do đó, Cảnh sát đang xem xét phương án giám sát các trường hợp này sao cho không cản trở giao thông vào buổi sáng, thời điểm người dân đi làm, đồng thời khuyến nghị người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào ngày hôm sau.

Luật Yoon Chang-ho có hiệu lực đang góp phần hình thành nhận thức “uống rượu lái xe là một hành vi phạm tội nghiêm trọng”. Dư luận kỳ vọng luật sẽ góp phần giảm mạnh thiệt hại từ hành vi uống rượu lái xe trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập