Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Giới chủ và người lao động đối đầu quyết liệt về lương tối thiểu 

2019-07-10

Tin tức

Giới chủ và người lao động đối đầu quyết liệt về lương tối thiểu 

Ý kiến trái chiều

Hôm 9/7, các ủy viên đại diện cho giới lao động tại Ủy ban lương tối thiểu đã tuyên bố không tham gia cuộc họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban lương tối thiểu dự kiến được tổ chức vào chiều cùng ngày, nhằm phản đối đề xuất giảm lương tối thiểu trong năm tới của giới chủ sử dụng lao động. Trước đó, giới lao động đề xuất phương án lương tối thiểu của năm 2020 là 10.000 won (8,46 USD), tăng 19,8% so với năm nay, trong khi giới doanh nghiệp yêu cầu cắt giảm mức lương tối thiểu xuống còn 8.000 won (6,77 USD), giảm 4,2% so với năm nay. Như vậy, chênh lệch về mức lương mà hai bên đề xuất là 2.000 won (hơn 1,5 USD), một sự chênh lệch rất lớn và đề xuất hoàn toàn trái chiều khi một bên yêu cầu tăng, trong khi bên khác lại yêu cầu giảm.


“Nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn do việc tăng lương tối thiểu”

Chủ sử dụng lao động nhấn mạnh, việc tăng lương tối thiểu quá mức trong hai năm qua đã khiến nền kinh tế Hàn Quốc lâm vào bế tắc. Mức lương tối thiểu của năm 2017 là 6.470 won (5,48 USD) và lên thành 7.530 won (6,37 USD) vào năm 2018. Sau đó mức lương này đã lên thành 8.350 won (7,07 USD) vào năm 2019, tăng 10,9% so với năm ngoái. Điều này có nghĩa là lương tối thiểu tại Hàn Quốc đã tăng khoảng 30% chỉ trong hai năm qua. Nâng mức lương tối thiểu là một trong những cam kết của ông Moon Jae-in khi ông tranh cử chức Tổng thống năm 2017. Khi đó, ông cam kết sẽ tăng mức lương tối thiểu lên đến 10.000 won cho đến năm 2020. 

Giới doanh nghiệp khẳng định mức lương tối thiểu tăng quá mức là một đòn mạnh quá đà cho nền kinh tế trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những người kinh doanh tự do đang đứng trước bờ vực do gánh vác phí nhân công. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế trong quý Ⅰ năm nay giảm 0,34% và Chính phủ đã hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống còn 2,4%-2,5%, tức hạ 0,2% so với mức dự báo trước đó. Tình hình tuyển dụng cũng đã xấu đi, đặc biệt là tuyển dụng và thu nhập của tầng lớp thu nhập thấp giảm mạnh. Các chuyên gia nhận định các chính sách như tăng mức lương tối thiểu một cách nhanh chóng và áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng, đã khiến tình hình kinh tế trong nước trở nên tồi tệ hơn. Về phần mình, Chính phủ bác bỏ rằng vấn đề cơ cấu kinh tế và các điều kiện đối ngoại xấu đi chính là nguyên nhân nền kinh tế Hàn Quốc trì trệ, chứ không phải vì lương tối thiểu. Dù vậy, trong nội bộ Chính phủ Hàn Quốc cũng có ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh tốc độ tăng lương tối thiểu.


Kinh tế Hàn Quốc có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu tăng lương tối thiểu

Trong khi đó, giới lao động cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc hiện chưa có dấu hiệu vỡ nợ. Việc giới kinh doanh đề ra phương án giảm lương tối thiểu mà không cân nhắc đến tỷ lệ lạm phát hay tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, là hành động xúc phạm người lao động có thu nhập thấp và phủ nhận tinh thần xây dựng mức lương tối thiểu để đảm bảo thu nhập ổn định của người lao động. Giới lao động yêu cầu tăng lương tối thiểu lên thành 10.000 won và khẳng định đây không phải là một đề xuất quá đáng, mang tính chính trị, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế Hàn Quốc có đủ khả năng để chấp nhận mức lương tối thiểu này. Theo giới lao động, các doanh nghiệp phải thay đổi cách suy nghĩ là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp dựa vào việc làm dài lâu, mức lương thấp.

Quyết định mức lương tối thiểu thông qua bỏ phiếu

Do khoảng cách ý kiến giữa chủ sử dụng lao động và người lao động quá lớn, nên khả năng quyết định lương tối thiểu của năm 2020 sẽ được thông qua biểu quyết. Tức các ủy viên chuyên môn vì lợi ích chung, gọi tắt là ủy viên công ích, từ giới học thuật và các chuyên gia, sẽ đưa ra phương án trung gian và tiến hành bỏ phiếu phương án này. Trong quá trình đó nếu bên nào không hài lòng về phương án của ủy viên chuyên môn vì lợi ích chung, có thể tẩy chay cuộc họp. Bộ Tuyển dụng và lao động cho biết, Ủy ban lương tối thiểu phải biểu quyết về mức lương cho đến ngày 15/7 tới vì xem xét thời gian thực hiện các thủ tục còn lại như tiếp nhận kiến nghị, trước khi Chính phủ đăng công báo mức lương tối thiểu năm 2020.


Lựa chọn của ban biên tập