Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Luật cấm bắt nạt tại nơi làm việc

2019-07-20

Tin tức

ⓒYONHAP News

Luật tiêu chuẩn lao động sửa đổi với nội dung cấm hành vi bắt nạt tại nơi làm việc, còn gọi là “Luật cấm bắt nạt tại nơi làm việc”, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 16/7. Mặc dù vẫn chưa quy định xử phạt cụ thể với hành vi vi phạm, nhưng luật mang ý nghĩa lớn trong việc công nhận hành vi lợi dụng chức vụ, vị thế bắt nạt người khác tại nơi làm việc, là phạm pháp.

 

Nội dung sửa đổi

Luật sửa đổi định nghĩa hành vi bắt nạt tại nơi làm việc là: chủ sử dụng lao động hoặc người lao động lợi dụng vị thế về chức vụ, quan hệ, vượt quá phạm vi thích hợp trong công việc; gây khó dễ cho người lao động khác về mặt thể chất, tinh thần; làm cho môi trường làm việc trở nên tồi tệ. Nếu thỏa mãn cả ba điều kiện trên thì được công nhận là hành vi bắt nạt tại nơi làm việc.

 

Ngoài ra, luật quy định doanh nghiệp trên 10 lao động thường xuyên có nghĩa vụ phải bổ sung nội dung về phòng tránh và kỷ luật với hành vi bắt nạt tại nơi làm việc vào nội quy công ty; ghi rõ về các hành vi bắt nạt bị cấm, đào tạo phòng tránh, quy trình xử lý vi phạm, bảo hộ nạn nhân, xử phạt người gây hại, phương án tránh tái diễn. Nếu chủ sử dụng lao động phát hiện ra vụ việc, hay nhận được tố giác, thì phải tiến hành điều tra ngay lập tức, và có biện pháp bảo hộ nạn nhân thích hợp, như điều chuyển nơi làm việc. Trong trường hợp lập quy định mới về xử phạt người gây hại, công ty phải nhận được sự đồng ý của hơn một nửa số lao động. Điều này nhằm tránh để công ty sửa đổi quy định nhằm gây bất lợi về điều kiện làm việc của người lao động. Ngoài ra, chủ sử dụng lao động nếu gây bất lợi cho người tố giác hoặc nạn nhân, như sa thải, thì sẽ bị xử phạt hình sự.

 

Bối cảnh

Trên thế giới, có rất ít nước lập và thi hành luật về việc cấm hành vi bắt nạt tại nơi làm việc và hiện mới chỉ có một số nước như Pháp, Úc. Việc Hàn Quốc gia nhập vào “hàng ngũ” các nước hiếm hoi này, cho thấy hành vi bắt nạt tại nơi làm việc đã trở thành một đề tài nổi cộm trong nước. Đặc biệt, hành vi bắt nạt đã trở thành một thông lệ bất thành văn trong giới y tá. Có một thông lệ là những y tá làm việc lâu hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, đào tạo cho y tá mới một cách rất khắt khe và quá trình đào tạo dần dần biến chất trở thành hành vi bắt nạt, dẫn tới nhiều trường hợp tự sát vì không thể chịu đựng nổi. Sau nhiều vụ việc như vậy, dư luận xã hội dấy lên tranh cãi gay gắt về hành vi bắt nạt tại nơi làm việc. Cuối cùng, chính giới phải vào cuộc, xúc tiến sửa đổi luật, và kết quả là hành vi bắt nạt tại nơi làm việc được công nhận là hành vi phạm pháp.

 

Ý nghĩa và vấn đề đặt ra

Cùng với Luật tiêu chuẩn lao động sửa đổi, Luật bảo hiểm bồi thường tai nạn nghề nghiệp sửa đổi cũng có hiệu lực từ cùng ngày, công nhận những bệnh có nguyên nhân là do áp lực từ các hành vi bắt nạt tại nơi làm việc cũng là một dạng tai nạn nghề nghiệp. Theo đó, hành vi bắt nạt nơi làm việc từ nay không còn là một vấn đề giữa các cá nhân, mà được xem như hành vi phạm pháp. Luật tiêu chuẩn lao động sửa đổi lần này mặc dù không quy định cụ thể về việc xử phạt, nhưng đây là bước đi đầu tiên đầy ý nghĩa trong việc ngăn chặn tận gốc các hành vi bắt nạt tại nơi làm việc. Dư luận kỳ vọng Luật sửa đổi có thể thay đổi nhận thức của công dân về hành vi bắt nạt, làm tươi mới bầu không khí công sở của Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phần định nghĩa về hành vi bắt nạt vẫn còn mang tính chủ quan, mơ hồ. Điều này có thể gây ra trở ngại trong quá trình trao đổi công việc, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập